Ngô ngọt, sắn thơm phủ nilon để ủ nóng: Độc hại khôn lường

,
Chia sẻ

Để giữ nhiệt độ cho các nồi ngô ngọt, sắn thơm bán rong trên đường phố, người bán đã dùng những tấm nilon bọc kín bên ngoài nhưng ít ai biết điều này lại rất dễ gây ra ngộ độc

Theo tìm hiểu, mục đích lớn nhất của những người bán ngô, sắn luộc rong khi dùng nilon che phủ, bao bọc bên ngoài là để giữ nhiệt.

 

“Sắn, ngô càng nóng, càng ấm, càng bốc khói nghi ngút thì càng đắt hàng. Nhất là mặt hàng này hay bán chạy từ quãng thời gian sau 9 giờ tối tới 12 giờ đêm. Trong khi đó, chúng tôi thường phải luộc sẵn từ 4 đến 5 giờ chiều”, chị Thoa, chủ một xe rong sắn luộc, ngô luộc trước cổng chợ đêm sinh viên (phố Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) phân trần.

 

Ngoài mục đích này, chị Thoa cho biết nếu có nilon che phủ thì cũng khiến khách hàng yên tâm hơn vì đường phố Hà Nội rất bụi, nhất là giờ tan tầm.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia hóa học và thực phẩm, việc sử dụng nilon để giữ nhiệt, ủ ấm bất kỳ loại thực phẩm nào cũng đều phản khoa học, chưa kể đến việc những người buôn bán manh mún, tự do như thế này thường đầu tư rất ít vào các phương tiện hành nghề. Do đó, chất lượng túi nilon cũng sẽ không được đảm bảo.

 

Ông Nguyễn Đình Khải, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hóa học, thực phẩm cho hay thành phần của túi nilon được sử dụng để bao phủ thực phẩm quyết định đến mức độ độc hại đối với thực phẩm.

 

“Hầu hết những người buôn bán nhỏ lẻ như trên đều không có ý thức về việc sử dụng túi nilon như thế nào cho thực phẩm để đảm bảo an toàn. Trên thực tế, những mảnh nilon này có thể được lấy bất kỳ ở đâu đó, sau đó được vệ sinh thô sơ và dùng để ủ thực phẩm nóng. Như vậy sẽ nguy hiểm vì đại đa số các túi nilon kiểu này đều là nilon tái chế, không đảm bảo chất lượng, các tạp chất sẽ thải loại ra nhiều trong quá trình thực phẩm bốc hơi ở nhiệt độ cao”, ông Khải lý giải.

 

Đây cũng là lý do nilon dùng để ủ thực phẩm nóng dễ bị bào mòn. Người bán hàng không khó để kiếm bao nilon tương tự khác để thay thế.

 

Điểm đáng lưu ý là khi bốc hơi, hơi không thoát ra ngoài được, đọng lại trên thành bao nilon và sau đó lại thẩm thấu ngược vào sắn, ngô. Với ngô còn đỡ vì người bán thường để cả bẹ. Nhưng với sắn, tạp chất độc hại có thể ngấm thẳng vào trong.

 

“Người tiêu dùng cứ nghĩ chỉ ăn sắn luộc, ngô luộc để vui mồm vui miệng, nhưng nếu tình hình này kéo dài, người tiêu dùng ăn lâu dài sẽ có thể mắc các bệnh mãn tính về sau”, ông Khải nói.

 

Ngọc Anh

 

Chia sẻ