"Nghiện" thẩm mỹ: Biểu hiện rối loạn tâm thần

,
Chia sẻ

Không bao giờ hài lòng sau mỗi lần thẩm mỹ nên họ tiến hành mãi các cuộc “sửa sang” cho đến khi cơ thể biến dạng. Đây thực chất là bệnh rối loạn tâm thần, sợ biến dạng cơ thể.

Bác sĩ Robert Guida, chuyên phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt tại Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ New York (Mỹ), cho biết có rất nhiều dạng người bị nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Họ có thể thực hiện quá nhiều cuộc giải phẫu thẩm mỹ trên một vùng cơ thể hay ở những vùng cơ thể khác nhau.

Thực tế, có nhiều người cảm thấy không hài lòng vì một hay hai bộ phận trong cơ thể của mình. Nhưng ở người bình thường, chỉ sau một hay hai cuộc giải phẫu thẩm mỹ là họ cảm thấy thoải mái ngay. Trong khi đó, bệnh nhân nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cứ tiến hành phẫu thuật hết lần này đến lần khác. Họ không bao giờ có cảm giác hài lòng sau mỗi cuộc trùng tu sắc đẹp bằng dao kéo.

Họ luôn cho rằng một cuộc phẫu thuật nữa luôn là cần thiết để hoàn hảo hơn. Cuối cùng mặc dù trên người bệnh nhân đã có rất nhiều bộ phận đã được phẫu thuật chỉnh sửa như mũi, mắt, tay, vú... nhưng bệnh nhân vẫn chưa cảm thấy hài lòng về hình dạng cơ thể mình.

Ca sỹ Han Min Ok và hậu quả của chứng bệnh "nghiện" thẩm mỹ

Những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ mắc một chứng bệnh gọi là rối loạn sợ biến dạng cơ thể. Đây là một rối loạn tâm thần thường gặp ở những người thường xuyên đi phẫu thuật thẩm mỹ hay đi khám ở các phòng khám chuyên khoa về da (6% – 15%).

Những bệnh nhân này luôn bị ám ảnh về các khiếm khuyết về hình dạng cơ thể mình mà những khiếm khuyết này thường là không đáng kể. Cũng có thể do họ hoàn toàn tưởng tượng ra. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên. Cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh này.

Họ có thể dành nhiều thời gian để soi gương ở các góc cạnh khác nhau hay thậm chí dùng cả kính lúp để tìm các khiếm khuyết đến nỗi không còn thời gian dành cho công việc, học hành hay quan hệ xã hội.

Đôi khi sự mặc cảm về các khiếm khuyết này lớn đến nỗi bệnh nhân không dám ra ngoài đường, không muốn tiếp xúc với người khác vì sợ người khác “phát hiện” các khiếm khuyết của mình và thế là cuối cùng bệnh nhân chỉ ở trong nhà suốt ngày.

Để điều trị chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, có thể sử dụng thuốc và tâm lý liệu pháp.

Theo Người Lao Động

Chia sẻ