Mùa hè - Cả nước bùng phát dịch bệnh

,
Chia sẻ

Mới đầu hè nhưng bệnh dịch đã gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Miền Bắc đang đối mặt với dịch tiêu chảy cấp, miền Nam dịch sốt xuất huyết tăng mạnh, quai bị cũng vào mùa.

Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở phía nam, 11 trường hợp tử vong

Khi các tỉnh phía Nam bước vào mùa mưa cũng là lúc dịch sốt xuất huyết tăng mạnh. Năm nay, dịch có chiều hướng bùng phát dữ dội hơn, tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh cũng tăng. Thống kê của Viện Pasteur cho thấy, dịch sốt xuất huyết tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 11 ca tử vong. Tại Bệnh viện Nhi Ðồng 2 dịch sốt xuất huyết cũng tăng 10% so với năm ngoái. Các thống kê cho thấy, đây là năm có số ca bị sốt xuất huyết tăng đột biến vào đầu mùa mưa. Nguy hiểm hơn, trong cuối tháng 5, đầu tháng 6 bệnh còn có những diễn biến xấu phức tạp hơn cả các tháng trước.  
 
Sốt xuất huyết có thể trở nặng bất ngờ, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của cộng đồng. Phòng bệnh sốt xuất huyết cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, phát quang bụi rậm, đậy kín bể chứa nước nước để tránh muỗi có cơ hội đẻ trứng. Khi đi ngủ phải mắc màn tránh muỗi.

Nguy cơ dễ mắc dịch bệnh cao nhất là ở trẻ nhỏ
 
Bệnh quai bị cũng vào mùa

Thống kê chưa đầy đủ tại tỉnh Sóc Trăng cho thấy, bệnh quai bị đang có nguy cơ lan rộng tại đây, hiện có khoảng 300 ca mang bệnh.

Hà Nội cũng đã xuất hiện một số trường hợp trẻ bị quai bị khiến các bà mẹ vô cùng lo lắng.
 
Tỷ lệ tử vong do quai bị thấp nhưng nó lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm não-màng não, viêm tinh hoàn dẫn đến teo tinh hoàn gây vô sinh. Bệnh lây theo đường hô hấp qua khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi nên đặc biệt dễ lây lan nhanh trong môi trường sinh hoạt tập thể. Để phòng bệnh quai bị cần tiêm phòng vắc-xin, cách ly với người mang bệnh tối thiểu là 15 ngày kể từ ngày phát bệnh. Trẻ trên 1 tuổi nên được tiêm phòng quai bị.
 
Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở miền Bắc

Dịch tiêu chảy cấp đã được cảnh báo từ cách đây 2 tháng, khi ở Hà Nội mới xuất hiện trường hợp tiêu chảy cấp đầu tiên là bệnh nhân Nguyễn Xuân Nam (ở Từ Liêm, Hà Nội). Sau đó liên tiếp là các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả, thường nhập viện trong trường hợp bệnh rất bặng. Điển hình, chỉ trong ba ngày (8,9,10/5), Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận và cấp cứu tới tám trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả, nâng tổng số người đang điều trị do tiêu chảy cấp tại đây là 15 trường hợp.

Bệnh rất dễ bùng phát mạnh vào mùa hè do ruồi nhặng phát triển, nguồn nước ô nhiễm, ăn uống mất vệ sinh... nên vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có điều kiện xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy. Điều đáng nói là mặc dù đã được cảnh báo về nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vào mùa nhưng người dân vẫn rất thờ ơ với phòng chống dịch bệnh. Biểu hiện là tới 90% số người bệnh đều ăn thịt chó, rau sống.

Các nhà dịch tễ học cảnh báo: “Vi khuẩn tả vẫn tồn tại trong môi trường, khi gặp điều kiện thuận lợi nhất là thực phẩm không bảo đảm chất lượng sẽ làm tăng độc lực, có thể lây sang người. Cách phòng bệnh hiệu quả là luôn ăn chín, uống sôi; đồng thời giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng."
 
Khi bị tiêu chảy cần đến ngay các bệnh viện hoặc trung tâm y tế để làm xét nghiệm phân (soi tươi, nuôi cấy),.. và có biện pháp để bù nước kịp thời bằng các loại thuốc như Oresol, Eletrolade, Hydrid...

L.A (TH)

Chia sẻ