Liệu pháp đơn giản chống lại bệnh cảm cúm

,
Chia sẻ

Khi bạn bị cảm cúm, không nhất thiết là cứ phải "dã" thật nhiều kháng sinh. Bạn hoàn toàn có thể chống lại chúng bằng những liệu pháp đơn giản dưới đây...

Trời trở lạnh là lúc cảm cúm xuất hiện và hoạt động mạnh. Sổ mũi, rát họng, sốt cao,… là những dấu hiệu đầu tiên của cảm cúm. Nhận biết nó và sử dụng biện pháp tự nhiên, tránh lạm dụng thuốc là lựa chọn tối ưu cho bạn trước tên cảm cúm đáng ghét.

Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh

Cảm cúm và cảm lạnh đều thuộc họ nhà “cảm” nhưng có đặc điểm khác nhau, cần phân biệt để có cách chữa trị thích hợp.

Người nhiễm cảm cúm sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn trong khi người cảm lạnh bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ù tai, sốt nhẹ, hiếm khi đau đầu.

Tốc độ nhiễm bệnh của hai loại này đối lập nhau: Bạn bất thình lình bị cảm cúm nhưng lại nhiễm cảm lạnh một cách từ từ.

Người bị cảm cúm ho khan, có đờm, họng đau rát. Với người bị cảm lạnh, dù những cơn ho có tính chất gắt, khô nhưng cổ họng vẫn giữ được “phong độ” ổn định.

Nếu bị cảm cúm, khả năng ăn uống của bạn giảm đáng kể, cơ bắp nhức mỏi, có cảm giác lạnh buốt xương sống. Những yếu tố này vẫn bình thường nếu bạn bị cảm lạnh.
 

Liệu pháp tự nhiên cho bệnh cảm cúm

1. Tận dụng khả năng tự chống đỡ của cơ thể

Ho, chảy nước mũi, sốt là phản ứng chứng tỏ hệ miễn dịch cơ thể bạn đang hoạt động hiệu quả. Sốt là cách cơ thể tăng nhiệt độ để diệt virus cúm, tạo môi trường thuận lợi cho các kháng thể lưu thông trong máu tiêu diệt mầm bệnh. Nếu chỉ sốt trong vòng kiểm soát từ 1 - 2 ngày, bạn sẽ chóng khỏe lại. Ho giúp làm sạch đường thở khỏi đờm - phương tiện đi lại của mầm bệnh - vào phổi. Tuy nhiên, nếu cơn ho kéo dài, họng đau rát, bạn cần đến gặp bác sĩ.

2. Không lạm dụng kháng sinh

Kháng sinh chống được sự xâm nhập của vi khuẩn nhưng không tiêu diệt hết virus trong tế bào. Dùng nhiều kháng sinh khiến cơ thể “nhờn” thuốc, lúc thực sự cần sẽ bị giảm tác dụng. Thuốc kháng sinh có thể gây đau bao tử, tiêu chảy, dị ứng. Các loại thuốc cảm, thông mũi, giảm đau thông thường không điều trị dứt bệnh nhưng có thể làm giảm một số triệu chứng khiến bạn dễ chịu hơn.

3. Nghỉ ngơi hoàn toàn

Lúc ngủ, cơ thể bạn có khả năng tự đề kháng mạnh nhất. Bạn cần ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng/ngày. Nghỉ ngơi ở nhà, bạn còn hạn chế việc truyền mầm bệnh cho những người xung quanh. Tuy nhiên, không nên nằm một chỗ mà nên kết hợp vận động nhẹ nhàng trong phòng giúp đẩy nhanh hoạt động đề kháng của cơ thể.

4. Giữ ấm cơ thể tối đa

Cảm cúm xuất hiện và hoạt động mạnh khi thời tiết trở lạnh. Do đó, cần mặc ấm, nhất là vào những khoảng thời gian nhiệt độ thấp như lúc sáng sớm hay chiều tối. Chú ý cổ và đầu là nơi thân nhiệt thoát ra nhiều nhất. Tránh không để tóc bị ẩm ướt quá lâu.
 

5. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cả chất lẫn lượng

Cảm giác mệt mỏi khi cúm gây chán ăn. Vì vậy, bạn cần ép mình theo một thực đơn nhiều trái cây và rau tươi, nhất là những gia vị nóng, cay như tiêu, tỏi, gừng,... Chẳng hạn chuối làm dịu dạ dày, kích thích khả năng ăn uống. Cà rốt cung cấp vitamin A, giảm sốt, xoa dịu các cơn đau. Tiêu cay giải phóng nghẹt mũi, làm tiêu màng nhầy trong phổi.

6. Nào mình cùng uống nước

Ho, ách xì, chảy mũi cùng tác dụng phụ của thuốc cảm lấy của cơ thể một lượng nước đáng kể. Bạn cần uống đủ nước để bổ sung. Nước giúp hạn chế đờm trong mũi, họng và giữ họng không bị khô rát.

7. Súc miệng bằng nước ấm

Nước muối giữ ẩm và sát trùng họng rất tốt. Pha 1 thìa muối vào 1 lít nước ấm, súc miệng 4 lần/ngày. Một cách khác để làm dịu cổ họng là hòa 1 thìa nước cốt chanh vào 200ml nước ấm, pha thêm 1 thìa mật ong, để nguội cỡ nhiệt độ phòng rồi dùng súc miệng.

8. Xông hơi với nước nóng

Xông hơi giúp giữ ẩm mũi, họng và giải tỏa cảm giác rệu rã vì cúm. Nồi nước xông với lá sả, hương nhu, lá chanh, lá tre,… sẽ mang lại cho bạn cảm giác nhẹ nhõm.
 
Mai Hương
(Tổng hợp)
Chia sẻ