Hoa mắt, chóng mặt do đâu

Phương Nam,
Chia sẻ

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây nên triệu chứng hoa mắt chóng mặt (HMCM) là tim mạch và thần kinh.

Đang đi xe máy trên đường, chị Hồng - nhân viên văn phòng ở Q.3, T.HCM đột nhiên ngất xỉu. Chị được bà con gần đó đưa đến bệnh viện. Tỉnh dậy, chị cho biết: "Đang đi, bỗng dưng tôi thấy hoa mắt, mặt đường quay quay rồi chao nghiêng. Tôi nghiêng theo, rồi không biết gì nữa..."

Hoa mắt, chóng mặt (HMCM) là triệu chứng nhiều người khai bệnh với bác sĩ khi đi khám hoặc nhập viện cấp cứu...

"Tiếng nói" của một phần cơ thể

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây nên triệu chứng hoa mắt chóng mặt (HMCM) là tim mạch và thần kinh. Hoa mắt chóng mặt là dấu hiệu đòi hỏi được quan tâm của cơ thể trước những bệnh nguy hiểm đến tính mạng

PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Y khoa viện Tim Tâm đức, TPHCM đã chỉ ra một số bệnh gây HMCM như: loạn nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim chậm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, suy tim nặng... Thiếu máu do kiêng khem quá mức để giảm cân cũng bị HMCM. Chứng bệnh này dễ chữa, chỉ cần ăn uống đầy đủ là... hết.

Nếu thấy mệt mỏi bạn hãy tìm đến bác sĩ

Bác sĩ Bùi Huy Bảo - BV Nhân dân 115, TPHCM cho rằng, nhóm nguyên nhân thần kinh gây HMCM có các bệnh: rối loạn tuần hoàn não, động kinh, u não...(bệnh không tổn thương hệ thống tiền đình); viêm tai giữa cấp, viêm tai xương chủm mãn tính, u dây thần kinh số 8, xuất huyết não... (bệnh do tổn thương hệ thống tiền đình).

HMCM thường xảy ra khi thay đổi tư thế: xoay đầu, ngồi dậy, gập cổ... do rối loạn tuần hoàn lỗ tai (y khoa gọi là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính). Chị Lê Thị Thu đang điều trị HMCM tại bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: "Mỗi lần HMCM tôi thấy đầu mình quay quay, phải nằm một lúc mới khỏe lại". Bác sĩ Khoa Nội thần kinh khám và chẩn đoán tôi bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

HMCM được coi là "tiếng nói" của một phần thân thể - phần mà bạn lơ là, ít hoặc không quan tâm. Hậu quả đôi khi rất đau lòng. Chị Hoàng Cầm, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu đóng trên địa bàn TPHCM, là người năng động, ham công tiếc việc. Chị vừa học thạc sĩ, vừa nuôi con nhỏ (một bé 4 tuổi, một bé chín tháng), vừa kinh doanh bất động sản.

Một lần trên đường đi làm, chị bị ngất xỉu, khi tỉnh lại thấy không có gì nên chị quên đi... khám bệnh. Vài tháng sau chị lại ngất xỉu, trên đường vào bệnh viện Chợ Rẫy chị tỉnh lại, gọi điện thoại báo tin cho chồng. Thế nhưng, khi anh đến bệnh viện thì chị đã hôn mê, vài hôm sau thì tử vong.

Hãy yêu bản thân mình!

HMCM là dấu hiệu đòi hỏi được quan tâm của cơ thể trước những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Bùi Huy Hảo hướng dẫn cách tự định bệnh để tiết kiệm thời gian, đi đúng chuyên khoa như sau: phân biệt choáng váng và chóng mặt.

Nếu thấy choáng váng, chao đảo, hãy nghĩ đến bệnh tim mạch hoặc các nguyên nhân khác: nhiễm độc, ngộ độc rượu, thức ăn, thuốc (giảm mỡ máu, aspirine, lợi tiểu, hạ áp, động kinh, an thần...). Còn khi thấy chóng mặt, mọi vật xoay tròn nên tìm đến thầy thuốc chuyên khoa thần kinh.

HMCM có thể làm ta bị tai nạn, té ngã dẫn đến chấn thương sọ não. Để đề phòng rủi ro, khi bị HMCM, bạn nên ngừng lại mọi chuyện đang làm. Nên chọn chỗ nằm thoáng mát, bằng phẳng (nếu đang lưu thông trên đường thì khóa xe, nằm nghỉ trên lề, yêu cầu người xung quanh giúp đỡ) và hít thở sâu. Sau đó nên đi khám bệnh. Phương hướng hỗ trợ chẩn đoán bệnh hiệu quả là CT scaner, cộng hưởng từ, điện não đồ...

Riêng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, bác sĩ sẽ hướng dẫn những bài tập để ngăn ngừa và điều trị. Trong trường hợp bị HMCM do bị bệnh tim, bệnh nhân sẽ được đo điện tâm đồ, huyết áp, siêu âm tim để xác định bệnh.

Theo Phương Nam
Phụ nữ TPHCM

Chia sẻ