Đừng mất cảnh giác với những yếu tố làm xuất hiện ổ tiêu chảy cấp nguy hiểm

Admicro,
Chia sẻ

Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường phòng chống tiêu chảy cấp nhằm giúp người dân chủ động phòng bệnh, không để bệnh lây lan, bùng phát thành dịch và tránh nguy cơ tử vong.

Yếu tố làm tăng số ca bệnh, ổ tiêu chảy cấp nguy hiểm

Trong năm 2014, dịch tả diễn biến phức tạp tại một số nước: Nam Sudan, Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Mexico; riêng tại Nam Sudan từ tháng 5/2014 đến nay đã có ít nhất 2.340 trường hợp mắc và 63 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, tháng 7/2014, có 2 trường hợp bé tử vong (ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) do bệnh tiêu chảy cấp. Theo nhận đính của bác sĩ thì đây là 2 ca bệnh hiếm gặp vì trong những năm trở lại đây không có trường hợp tiêu chảy nào gây tử vong.

Tiêu chảy cấp là hội chứng bệnh lý với biểu hiện đi phân lỏng (không thành khuôn) ít nhất 3 lần/ngày và thời gian kéo dài trên 1 ngày (24 giờ). Bệnh có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng do các yếu tố như: Điều kiện khí hậu, thời tiết nóng ẩm, ô nhiễm môi trường sống, nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước ăn uống không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh chế biến thực phẩm không bảo đảm, thói quen tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh (dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm không an toàn theo quy định; thói quen ăn sống, ăn tái, ăn gỏi…).

Đừng mất cảnh giác với những yếu tố làm xuất hiện ổ tiêu chảy cấp nguy hiểm 1
Khả năng lây nhiễm bệnh từ nguồn nước, đất, thực phẩm sống... là rất cao. Ảnh minh họa

Các vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại lâu ngày tùy theo môi trường, cụ thể: mầm bệnh có thể tồn tại một thời gian dài, như từ 4-47 ngày trong nước biển, từ 4-40 ngày trong nước máy; từ 3-30 ngày trong nước giếng khơi và trong nước ao hồ; từ 17-19 ngày trong nước sông; 2-3 tuần trong ruồi và tới 25 tuần trong đất; còn trong thực phẩm như cá, cua, hàu, mầm bệnh có thể sống đến 40 ngày. Vì vậy, khả năng lây nhiễm bệnh từ nguồn nước, đất, thực phẩm sống... là rất cao.

Công tác phòng ngừa tiêu chảy cấp trong cộng đồng

Tiêu chảy cấp trong cộng đồng là bệnh có thể phòng ngừa nếu mỗi người dân tự giác, chủ động thực hiện triệt để các biện pháp bảo vệ. Trong đó, quan trọng nhất là bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa.

Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm giúp phòng bệnh, cục An toàn thực phẩm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Lựa chọn rau, củ quả, thịt, cá, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn.

- Tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay; không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín.

- Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

- Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Đừng mất cảnh giác với những yếu tố làm xuất hiện ổ tiêu chảy cấp nguy hiểm 2
Rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn là cách đơn giản nhất để phòng tiêu chảy cấp. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh, người dân cần hết sức lưu ý tự bảo vệ mình bằng biện pháp đơn giản nhất là giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh. Xà bông diệt khuẩn không những có tác dụng loại bỏ vi khuẩn trên da mà còn giúp bảo vệ cơ thể tránh sự lây nhiễm vi khuẩn trong nhiều giờ.

Chia sẻ