Dùng kháng sinh chữa bệnh: Không đúng sẽ càng nguy hiểm

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh sẽ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc và nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.

Thực trạng lạm dụng kháng sinh


Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh dẫn đến hiện tượng kháng thuốc như hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc. Đó là lý do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. 

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh nhưng nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng, làm tăng độ nặng của bệnh, thời gian nằm viện, chi phí chăm sóc y tế, nguy cơ tử vong cao.

 ThS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra đánh giá việc sử dụng thuốc trong bệnh viện cho thấy, chi phí cho thuốc chiếm 48% tổng chi phí khám chữa bệnh; trong đó thuốc kháng sinh chiếm 33%, chi phí cho thuốc kháng sinh chiếm 17%.

TS.Nguyễn Văn Kính - Viện trưởng Viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, chính tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhất là nhiễm khuẩn huyết bị thất bại dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, kháng kháng sinh còn làm cho bệnh nặng hơn.

Một nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74%. Và, việc sử dụng kháng sinh không phù hợp khiến cho thất bại điều trị ở nhóm bệnh nhân này lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp.

Theo nghiên cứu về tình hình cung ứng kháng sinh tại 30 nhà thuốc tư trên địa bàn nội thành và ngoại thành Hà Nội mới đây của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư... thực hiện có đến 90% thuốc kháng sinh được bán không có đơn tại các hiệu thuốc.

Tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc kháng sinh

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tình trạng tự điều trị đã diễn ra khá phổ biến, trong khi việc tự chẩn đoán lại thiếu chính xác, dẫn tới tình trạng dùng kháng sinh khi chưa cần thiết hoặc bệnh không cần phải dùng kháng sinh (như các trường hợp cảm cúm thông thường) nhưng người bệnh vẫn lạm dụng. Vì thế "chỉ dùng kháng sinh khi thực sự cần thiết” 

Việc nhiều bà mẹ quá tin tưởng vào việc dùng thuốc kháng sinh mà không biết được những hiểm họa đằng sau đó, nó có rất nhiều tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ đầu tiên mà tất cả thầy thuốc cũng phải sợ là dị ứng. Dị ứng có thể gây sốc phản vệ, diễn ra vô cùng nhanh và có thể gây chết người ngay mà không thể tiên đoán trước được. Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, nó dẫn tới tình trạng nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Tác dụng phụ thứ hai là tiêu chảy - đây là tác dụng hay gặp nhất. 

Tác dụng phụ thứ ba ít người biết đến là dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Tình trạng kháng kháng sinh dẫn tới việc kháng sinh không còn có tác dụng trong quá trình điều trị.

1
Sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng (ảnh minh họa)

Những bệnh nhân không được dùng kháng sinh

Trường đại học Y khoa Hoa kỳ (ACP) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã phát hành một bản hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng các loại kháng sinh ở những bệnh nhân trưởng thành bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính (ARTIs)

Tác giả của nghiên cứu này, tiến sỹ Aaron Harris, cho biết các bác sỹ kê đơn nên áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe để xác định khi nào thuốc kháng sinh là cần thiết đối với bệnh nhân. 

Phía CDC cũng cho biết một nửa số thuốc kháng sinh dành cho bệnh nhân ngoại trú hiện nay là không cần thiết và không phù hợp. Các chuyên gia của cơ quan này khuyến cáo rằng việc lạm dụng kháng sinh mọi lúc mọi nơi như hiện nay sẽ dẫn đến việc các tác nhân gây bệnh sẽ chuyển qua trạng thái nhờn thuốc, điều này hết sức nguy hiểm khi nó đã dẫn tới hơn 2 triệu trường hợp kháng kháng sinh cùng với con số hơn 23.000 người tử vong mỗi năm.

Một số nhóm bệnh nhân không được dùng kháng sinh:

Bệnh nhân viêm phế quản: Không được phép thử nghiệm hoặc điều trị bằng kháng sinh trừ khi có nghi vấn liên quan đến bệnh viêm phổi. Các bác sỹ có thể sử dụng những dược phẩm như thuốc chữa ho, thuốc thông mũi, thuốc chống dị ứng mũi.

Bệnh nhân được nghi ngờ mắc liên cầu khuẩn nhóm A: Bệnh nhân có triệu chứng như sốt kéo dài, viêm hạch ở cổ họng, có đờm trong họng và được xác định là bị viêm họng liên cầu khuẩn nhóm A mới được phép sử dụng kháng sinh để điều trị. Bên cạnh đó, những người bị viêm họng thì bác sỹ nên khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen...

Bệnh nhân mắc cảm cúm thông thường: Không được kê đơn kháng sinh đối với cảm cúm thông thường. Nếu triệu chứng kéo dài quá lâu thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Lưu ý khi dùng kháng sinh

Không nên tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, không nên ngưng sử dụng kháng sinh nửa chừng hoặc sử dụng kéo dài

Thông thường, một số kháng sinh dùng đủ liều cho cả đợt điều trị phải mất từ 7-10 ngày, thậm chí có thể kéo dài hơn tùy theo loại bệnh và tiến triển bệnh. Ta phải theo đúng chỉ định dùng thuốc, tức là dùng đúng liều, đủ thời gian theo đơn thuốc của bác sĩ..

Tuyệt đối không sử dụng  lại kháng sinh đã dùng còn thừa, và chữa bệnh đơn kháng sinh của người khác bởi một kháng sinh có thể thích hợp cho người này nhưng lại không thích hợp, thậm chí còn gây tai biến nặng nề cho người khác.

Chia sẻ