Dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch, do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Từ đầu năm đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Chiều 3-3, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như: sởi, rubella, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy do virus rota, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)... 

Thống kê trong tháng 2/2015, trên cả nước không ghi nhận ca mắc mới cúm A/H5N1 nhưng ghi nhận gần 3.800 trường hợp tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hậu Giang. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2015, cả nước ghi nhận hơn 5.300 trường hợp mắc tay chân miệng với 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Hậu Giang. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tay chân miệng trên cả nước giảm 11,1 % nhưng số tử vong lại tăng 1 trường hợp. 

Đáng lưu ý, số ca mắc sốt xuất huyết hiện đang gia tăng trong khi cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết  tại 38 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai và Long An. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 27,1% và số tử vong tăng 2 trường hợp. Riêng trong tháng 2/2015, số ca mắc SXH trên cả nước là 3.640 trường hợp với 2 trường hợp tử vong. 

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng, chủ yếu ở khu vực phía nam, nhưng nếu so với giai đoạn 5 năm trước đó thì giảm đến hơn 50%. Dù vậy, tháng 7-8 mới là đỉnh dịch, sốt xuất huyết thường bùng phát trong điều kiện thời tiết nóng nắng kèm theo mưa. Tuy nhiêm hiện nay với thời tiết thay đổi thất thường người dân có chú ý có những biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.

Tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn thế giới đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Bệnh này hiện đã trở thành dịch tại trên 100 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước năm 1970, chỉ có 9 quốc gia có dịch lưu hành. Con số này tăng lên gấp hơn 4 lần vào năm 1995. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh.

Dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng 1
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch và do vi rút dengue gây ra. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh

Sốt xuất huyết là một bệnh do siêu vi khuẩn Dengue gây ra, bệnh truyền từ người này qua người khác do một loài muỗi vằn mang tên Aedes aegypti. Khi muỗi chích, mầm bệnh được truyền đi. Chỉ từ 2-7 ngày sau, người bệnh bắt đầu sốt... Bệnh có quanh năm, tuy nhiên thường gặp nhiều nhất vào mùa mưa. Bệnh hiện chưa có vắc xin phòng  bệnh nên diễn biến của bệnh vẫn rất phức tạp, kể cả ở trẻ em và người lớn. Trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn, đặc biệt trẻ ở khu vực có nhiều muỗi, quanh các vùng sông rạch, nơi có nước ao tù nước đọng quanh năm. Ở thành thị, những bồn chứa nước, bình hoa, hồ cá cũng có thể trở thành nơi sản sinh muỗi...

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu vùng trán, sau hốc mắt, xuất huyết dạng chấm ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, lử đừ, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Các gia đình cần bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, bỏ muối hoặc dầu vào chén nước kê chân tủ đựng chén, thay nước bình bông. 

Đề phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi.

Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Chia sẻ