Chớ coi thường ráy tai

,
Chia sẻ

Ráy tai đôi khi có thể trở thành vấn đề cho con người, nhất là khi xử lý không đúng cách.

Kẻ gác cổng

Ráy tai (cerumen) là một “sản phẩm” tự nhiên xuất hiện bên trong tai của con người. Theo BS Dương Hoàng Thắng (chuyên khoa Tai mũi họng), ráy tai rất cần thiết, vì cấu tạo của chúng là các a-xít béo, giúp chống nhiễm trùng và chống nấm tai ngoài. Không những thế, ráy tai còn giúp giữ bụi bẩn và những chất khác, hạn chế côn trùng “đi lạc” vào tai, đồng thời giúp tai không lâm vào tình trạng khô quá mức.

Ráy tai có 2 loại. Hầu hết người có nguồn gốc châu Âu hoặc châu Phi thường có ráy tai ướt, trong khi đa số dân khu vực Đông Á lại có ráy tai khô. Tại Việt Nam xuất hiện cả 2 loại ráy tai này. Dù có công dụng tốt là vậy, nhưng nếu có ráy tai quá nhiều lại là một chuyện khác.

Đối với một số người, các tuyến trong ống tai đôi khi sản sinh ráy tai quá mức. Thông thường ráy tai tự động bị tống ra khỏi tai hoặc được rửa sạch. Tuy nhiên, ráy tai nhiều quá có thể cứng lại và tạo thành vật cản khó chịu đối với sóng âm, làm giảm khả năng nghe của khổ chủ. Ráy tai bít chặt lỗ tai là một trong những nguyên nhân làm giảm thính giác nhiều nhất. Cũng có trường hợp một người tự làm bít ống tai mình khi cố gắng làm sạch tai nhưng kết quả lại đẩy ráy tai vào sâu hơn. Do đó, ở một số trường hợp cần phải lấy ráy tai, nhưng nếu không biết cách thì bạn có thể gây ra nhiều tổn hại cho chính mình.

Cẩn thận khi lấy ráy tai

Các chuyên gia tại Viện Y học quốc gia Mỹ (NIH) đã đưa ra một vài cách để bạn có thể tự xử lý tình trạng ráy tai nhiều quá mức. Theo đó, ráy tai có thể được làm mềm lại bằng dầu khoáng, glycerin, dầu em bé hoặc thuốc nhỏ tai. Hydrogen peroxide (H2O2) hoặc carbamide peroxide cũng có thể giúp ích được tình trạng này.

Có một cách khác để lấy ráy tai được gọi là thụt rửa. Giữ đầu ở tư thế thẳng đứng, giữ lấy phần ngoài của tai. Nhẹ nhàng kéo lên để làm thẳng ống tai. Dùng thiết bị tiêm bơm nhẹ nhàng nước vào thành ống tai. Sau đó xoay đầu sang hướng khác để nước ra ngoài. Có thể lặp lại quá trình đó vài lần và nên dùng nước có cùng nhiệt độ với thân nhiệt của bạn. Nếu nước lạnh hơn hoặc ấm hơn, nó có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Lưu ý không bao giờ cố gắng thụt rửa tai trong trường hợp màng nhĩ bị tổn thương. Điều này có thể làm tai bị nhiễm trùng và các vấn đề khác. Khi ráy tai trôi ra ngoài, hãy nhẹ nhàng làm khô tai. Nhưng nếu phương pháp thụt rửa thất bại, tốt nhất nên đến trạm xá hoặc các cơ sở y tế để nhận được hướng dẫn của chuyên gia.

Đặc biệt chú ý không nên dùng tăm bông hoặc vật thể khác vào bên trong khu vực ống tai. Nhưng bạn có thể sử dụng tăm bông hoặc vải bông quấn ngón tay để lau sạch phần bên ngoài của tai.
 
Theo Thanh niên
Chia sẻ