Cảnh báo cúm H5N1 và H1N1 tái bùng phát

,
Chia sẻ

Theo TS Nguyễn Huy Nga, cục trưởng cục Y tế dự phòng và môi trường (bộ Y tế) thời điểm giao mùa là điều kiện lý tưởng virút cúm lây lan, phát triển, người dân cần hết sức đề phòng.

Địa phương mới ghi danh vào bản đồ cúm trên gia cầm là Hà Giang khi tỉnh này phát hiện gần 100 con gà chết tại thị xã Hà Giang. Đến ngày 4.3, cục Thú y bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông báo hiện cả nước có bảy tỉnh là Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Nam Định, Khánh Hoà, Tuyên Quang và Hà Giang có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Ông Hoàng Văn Năm, quyền cục trưởng cục Thú y cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đã được đề ra nhưng trên thực tế lại không được triển khai đến nơi đến chốn tại các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở. Nhìn vào báo cáo về công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm của các địa phương đều rất tốt đạt tỷ lệ cao, nhưng đến khi dịch bệnh xảy ra, qua điều tra trở lại đã phát hiện tại một số tỉnh, số gia cầm thực tế cao gấp ba lần so với tiên liệu. Điều đó cho thấy tỷ lệ tiêm phòng thực tế rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu chống dịch. Tại nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng người dân thờ ơ với dịch bệnh, giấu dịch.

Ông Hoàng Văn Năm nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao do miễn dịch quần thể đàn giảm, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này đang mùa thu hoạch lúa, người dân thả vịt chạy đồng nhiều, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Liên quan đến dịch cúm trên người, ngày 4.3 TS Nguyễn Huy Nga, cục trưởng cục Y tế dự phòng và môi trường (bộ Y tế) cho biết, dịch cúm tuy không ghi nhận ổ dịch lớn nhưng đã xuất hiện những ca bệnh cúm A/H5N1. Có địa phương không công bố có dịch cúm trên gia cầm lại xuất hiện cúm A/H5N1 trên người như Tiền Giang. Tiến sĩ Nga cũng cảnh báo, hiện tại đang thời điểm giao mùa là điều kiện lý tưởng cho virút cúm lây lan và phát triển, nguy cơ dịch lan rộng và lây lan sang người rất dễ xảy ra. Hơn nữa, do lễ hội diễn ra, gia cầm giết mổ nhiều cũng là điều kiện phát sinh bệnh. Từ sau tết đến nay đã có ba ca cúm A/H5N1, trong đó một ca tử vong.

TS Trần Như Dương, viện phó viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện viện đang tiến hành phân lập virút từ mẫu bệnh phẩm thu thập được để tìm xem có sự biến đổi virút hay không. Ông Dương cho rằng việc phát hiện trường hợp mắc cúm gia cầm ở người trong dịp tết Nguyên đán đã được các chuyên gia dịch tễ dự đoán trước và không phải là điều gì bất thường. Nguyên nhân là do virút cúm A/H5N1 vẫn tồn tại trên đàn thuỷ cầm, có thể gây bệnh trên đàn gia cầm, thuỷ cầm khi gặp điều kiện thuận lợi. Tết Nguyên đán cũng là dịp mà các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra mạnh.

Nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch thì không chỉ cúm A/H5N1 mà cúm A/H1N1 cũng có thể bùng phát. Mặc dù thông tin đầu năm 2010 vắcxin cúm H1N1 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ về đến Việt Nam. Tuy nhiên, TS Nga cho biết, do có một số điều kiện về tính an toàn khi nhận số vắcxin này nên Việt Nam vẫn tuân thủ các thủ tục thử nghiệm trước khi cho lưu hành nên chưa thể phục vụ người dân trong thời điểm này.

Theo Lệ Hà
SGTT
Chia sẻ