Cẩn thận khi sử dụng cốc, đĩa giấy

,
Chia sẻ

Với ưu điểm gọn nhẹ, thuận tiện, các sản phẩm cốc, bát, đĩa giấy... ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách, những sản phẩm này có thể gây độc hại...

Ưa chuộng do tiện dụng, giá rẻ

Cầm trên tay vài chục chiếc cốc giấy méo mó có mùi hăng hắc, chị Nguyễn Phương Thảo - cán bộ ngân hàng ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình lo lắng: “Đọc quảng cáo trên mạng, tôi được biết cốc, bát đĩa giấy có thể phân hủy nhanh hơn các loại cốc bằng vật liệu khác, đặc biệt khả năng tái sử dụng của cốc giấy góp phần thúc đẩy việc bảo vệ môi trường.

Với ưu điểm gọn nhẹ, thuận tiện, các sản phẩm cốc, bát, đĩa giấy... ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ khá mạnh trên thị trường.

Do vậy, tuần trước, khi gia đình đi nghỉ trên Tam Đảo, tôi đã mua khá nhiều cốc, đĩa giấy dùng 1 lần. Song, khi dùng nước sôi để pha cà phê trong cốc giấy, tôi thấy cà phê chuyển sang mùi hắc như mùi nhựa, lớp giấy bên trong cốc bị mủn và bong ra rất mất vệ sinh. Đem những chiếc cốc này đến hỏi một tiến sỹ hóa thực phẩm tôi thực sự lo lắng được biết, khi ở nhiệt độ cao, lớp nhựa trong cốc, đĩa giấy sẽ bị chảy ra, tan vào đồ ăn, uống, rất có hại cho sức khỏe”.

Dạo một vòng qua các chợ, siêu thị, chúng tôi được biết sản phẩm cốc, bát, đĩa giấy được bày bán khá phổ biến với đủ kiểu dáng màu sắc, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Riêng cốc giấy có 2 loại cốc lạnh và nóng. Cốc lạnh để đựng những đồ uống lạnh nên thường có tráng một lớp sáp bên trong để giữ cho giấy khỏi bị ẩm và bị mủn khi gặp nước.

Cốc nóng được thiết kế để đựng những đồ uống nóng như cà phê, trà hay sôcôla. Cốc nóng giúp giữ ấm đồ uống. Điều đáng nói thành phần không thể thiếu để tạo nên các sản phẩm này chính là nhựa có tác dụng chống thấm bên ngoài cốc. Nếu không được xử lý tốt, lớp nhựa này có thể bị chảy ra khi dùng cốc ở nhiệt độ cao.

Cần sử dụng đúng cách

Theo các kỹ sư Viện Hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cốc, bát đĩa... giấy có thể được dùng cho cả nước nóng và lạnh. Muốn vậy, nguyên liệu làm cốc phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về chất lượng... Có hai loại giấy chính dùng làm cốc, bát, đĩa giấy... dùng một lần, đó là lớp nhựa chống nước bên ngoài và giấy keo bền nước. Giấy có tráng nhựa chống thấm thường được sản xuất bằng công nghệ phun nhũ, sau đó được đóng rắn hay gia nhiệt để lớp giấy và nhựa gắn kết. Do có nhựa bao bên ngoài nên cốc, bát, đĩa giấy... có thể chịu được nước.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, về nguyên tắc đơn vị sản xuất sẽ dùng nhựa PE, song ở Việt Nam loại nhựa mà nhiều doanh nghiệp sử dụng là PVC. Nếu quy trình gia công không đảm bảo chất lượng thì khi sử dụng, chất keo, nhựa và bột giấy bị bong ra lẫn vào đồ ăn uống, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn đối với loại cốc được làm từ giấy có trộn phụ gia chống thấm nước lại sử dụng keo chứa melamin, phenol..., là phụ gia chống thấm mạnh, có thể ngăn được nước. Bột giấy sẽ không tan trong nhiệt độ từ 40-70 độ C.

Tuy nhiên, nếu đổ nước đang sôi ở nhiệt độ 100 độ C vào cốc, bát khiến nhựa bị chảy ra tan vào đồ uống, thực phẩm. Bên cạnh đó, một số người còn dùng lại cốc, bát đĩa giấy nhiều dẫn đến nguy cơ nhiễm hóa chất. Ngoài ra, cốc giấy để lâu sẽ có nguy cơ bị ẩm mốc tạo điều kiện thuận lợi để vi trùng, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Do vậy, khi sử dụng, bát đĩa, cốc giấy người tiêu dùng nên thận trọng lựa chọn những sản phẩm đã được kiểm định về chất lượng và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất...
 
Theo An ninh thủ đô
Chia sẻ