Bị khàn tiếng coi chừng do ung thư thanh quản!

,
Chia sẻ

Theo Tiến sĩ Lương Minh Hương, Phó trưởng khoa Nội soi, BV Tai Mũi Họng TƯ, một Trong khoảng 20-30 bệnh nhân bị khàn tiếng đến khám thì 5 - 6 trường hợp nguyên nhân do ung thư thanh quản.

Ông P.V.Đ., là một Phó giám đốc của một công ty lớn tại tỉnh Phú Thọ. Cách đây mấy tháng ông tự nhiên bị khàn tiếng. Nghĩ rằng bệnh không có gì nghiêm trọng nên ông tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống.

“Cắt” giọng  vì chủ quan

Sau hai tháng kể từ ngày bị khàn tiếng, ông Đ. mới đi khám tại BV Tai Mũi Họng TƯ. Sau khi sinh thiết, BS cho biết, ông có khối u ở thanh quản. Do phát hiện muộn, khối u đã quá to nên ông Đ. đã phải cắt bỏ toàn bộ thanh quản và vĩnh viễn mất giọng nói.

Bệnh viện chuyên khoa đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị khàn tiếng. Ảnh: Như Ý

Một trường hợp khác là chị V.K.T. giảng viên của một ĐH lớn tại Hà Nội. Lượng giờ lên lớp quá nhiều, phải nói liên tục trong nhiều giờ liền từ ngày này sang ngày khác khiến chị bị khàn tiếng. Đến khi thấy tiếng ngày càng khàn, không nói được nữa và có triệu chứng khó thở, chị mới đi khám. Các BS cho biết, chị T vốn đã có khối u trong thanh quản, việc phải nói nhiều khiến khối u phát triển nhanh hơn, chèn gần hết đường thở nên buộc phải cắt bỏ thanh quản.

Bệnh nhân ung thư thanh quản ngày càng trẻ hóa

Theo TS Hương, trong số những trường hợp bị khàn tiếng có tới 60% là nữ giới. Nam giới chỉ chiếm 40% tổng số mắc bệnh nhưng bệnh thường nguy hiểm hơn, đặc biệt là ở nhóm người có tiền sử hút thuốc, uống rượu hoặc làm nghề độc hại. Điều đáng lo ngại, trong thời gian gần đây số người bị khàn tiếng do ung thư thanh quản ngày càng trẻ hóa. Có người bị mất giọng vĩnh viễn khi mới 28-30 tuổi, trong khi ở độ tuổi này trước đây rất hiếm gặp.  

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khàn tiếng trong ung thư thanh quản xuất hiện khá sớm, lúc đầu chỉ giống như khàn giọng khi bị cúm. Giai đoạn sau, tiếng nói trở nên thô ráp, khàn đặc, mất hết âm sắc, khó nói, nói đau hoặc khó thở là dấu hiện của khối u ở thanh quản đã tiến triển. Người bệnh nếu bị khàn tiếng kéo dài trong 2 tuần mà không khỏi cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
 
Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cần điều trị sớm những viêm nhiễm về mũi họng, không nên lạm dụng giọng quá nhiều, tránh hút thuốc, uống rượu và hít khói bụi; giữ ấm vùng mũi, họng, ngực. Nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng, sinh hoạt điều độ, khoa học.

Tiến sỹ Hương cho biết, khàn tiếng có thể do nhiều nguyên nhân như có bệnh viêm mũi họng, viêm thanh quản, bệnh do thay đổi thời tiết hoặc do người bệnh quá lạm dụng giọng nói, nói quá to và nhiều trong thời gian dài. Đối với các nguyên nhân này chỉ cần điều trị khỏi bệnh hoặc hạn chế nói, bệnh khàn tiếng sẽ tự khỏi. Ngoài ra, khàn tiếng có thể gặp ở người bị dị vật đường thở, lao thanh quản, nấm thanh quản, u nhú thanh quản hoặc ung thư thanh quản.

TS Hương lưu ý, đối với những trường hợp này nên đi khám và điều trị sớm. Tuy nhiên điều đáng tiếc là có tới 2/3 số lượng bệnh nhân đến điều trị tại BV Tai Mũi Họng TƯ ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lan rộng toàn bộ thanh quản, thậm chí lan ngoài vùng thanh quản. Khi đó, BS phải thực hiện cắt bỏ toàn bộ thanh quản và người bệnh sẽ mất đi bộ phận phát âm, thở qua khí quản và mất giọng nói vĩnh viễn.

Theo Xuân Trường
BaoDatViet
Chia sẻ