Ăn chay thế nào là đúng cách?

Theo baoDatViet,
Chia sẻ

Ăn chay có thể phòng chống béo phì và các bệnh như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, ung thư… Tuy nhiên, nếu không biết cân đối bữa ăn và kết hợp thực phẩm thì lại phản tác dụng.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai thì nên ăn chay 2 - 3 ngày trong tuần, và nên áp dụng chế độ ăn chay có sữa và trứng.
 
Ăn chay có thể phòng chống béo phì và các bệnh như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, ung thư… Tuy nhiên, nếu không biết cân đối bữa ăn và kết hợp thực phẩm thì ăn chay lại phản tác dụng.
 
Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai, ăn chay không đúng cách sẽ dẫn đến thiếu năng lượng kéo dài. Người ăn chay cần biết kết hợp các loại thực phẩm đa dạng để đảm bảo đủ năng lượng, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, vitamin và yếu tố vi lượng.

Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh phụ nữ ăn chay trường dẫn đến khó thụ thai, vô sinh. Tuy nhiên, có điều chắc chắn với những người có ý định sinh em bé là:  ăn chay trường không tốt cho em bé. Lý do là trong cơ thể có 8 loại axit amin không tự tổng hợp được mà bắt buộc phải bổ sung từ thực phẩm, nếu ăn chay có thể gây thiếu hụt các axit amin này và làm rối loạn các quá trình chuyển hoá protid. Vì vậy, phụ nữ chuẩn bị mang thai thì chỉ nên ăn chay 2 - 3 ngày trong tuần, và nên áp dụng chế độ ăn chay có sữa và trứng. 

Chỉ nên ăn chay tối đa 5 ngày mỗi tuần. Ảnh: Kim Anh.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ nữ sau khi sinh không nên vội ăn kiêng, ăn chay để lấy lại vóc dáng. Vì sau khi sinh, họ phải cho con bú và cần một lượng calo cao hơn so với bình thường. Trong khi đó, chế độ ăn chay thiếu các axit amin có giá trị sinh học cao, sẽ không đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Đặc biệt, phụ nữ sau sinh và đang nuôi con bú cần một lượng canxi và sắt cao mà ở chế độ ăn chay, sự hấp thu canxi và sắt không cao nên sẽ ảnh hưởng tới hệ xương của mẹ và bé. Tốt nhất là hết giai đoạn cho con bú mới được ăn chay.

Phải biết kết hợp thực phẩm

Theo bác sĩ Vũ Thị Thanh, Phó phòng Dinh dưỡng điều trị, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, quan niệm ăn chay chỉ ăn rau là sai lầm nghiêm trọng. Trong rau có đường và một số vitamin, tuy nhiên lượng đường chỉ chiếm vài % trong nhu cầu năng lượng, vì vậy nếu chỉ ăn rau thì cơ thể sẽ thiếu hụt năng lượng. “Về phương diện khoa học dinh dưỡng, ăn chay cũng cần ăn đầy đủ các nhóm glucid (chất bột), protein (chất đạm), lipit (chất béo), vitamin và khoáng chất”, bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, nhóm protein có thể tìm thấy nhiều trong các loại đậu (đậu nành, đậu đen, đậu xanh, đậu Hà Lan); nhóm glucid có trong gạo, ngô, khoai; nhóm chất béo có trong dầu thực vật; canxi có nhiều trong nấm mèo, cần tây, nấm hương; sắt hay có trong các loại rau thẫm màu như rau dền, rau đay, đậu phụ, nấm hương.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, không nên ăn chay trường mà chỉ nên ăn chay 2 - 5 ngày trong tuần. Người mắc các bệnh nhiễm trùng, trẻ em đang thời kỳ phát triển, phụ nữ đang có thai và trong thời kỳ cho con bú, bệnh nhân mắc các bệnh về thận là những đối tượng không nên ăn chay.

Chia sẻ