4 bệnh đe dọa làn da của chị em trong mùa lạnh

Thu Hương (Theo Health),
Chia sẻ

Nếu không biết cách kiêng cữ, những bệnh về da đơn giản này cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bạn.

Môi khô, chân tay nứt nẻ, da nổi mề đay gây ngứa ngáy, khó chịu là những hiện tượng thường gặp nhất ở chị em. Thường thì bệnh sẽ tự khỏi khi thời tiết ấm trở lại. Dưới đây là những bệnh về da chị em thường gặp trong mùa đông.

1. Bệnh mề đay

Bệnh này thường xuất hiện ở những vùng da hở như mặt, chân tay. Trong những trường hợp nặng có thể mẩn ngứa và phát ban toàn thân với kích thước không xác định. Những vùng da hở này nhạy cảm và khi tiếp xúc với không khí lạnh sẽ bị nổi mảng sẩn màu đỏ, có thể sưng hoặc ngứa dữ dội.

Mề đay bình thường không nguy hiểm, nhưng nếu tiếp xúc với không khí lạnh nhiều lần có thể tái phát liên tục, lâu khỏi. Nếu để lâu không chữa trị kịp thời sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển thành mề đay lan tỏa, hạ huyết áp, sốc, bất tỉnh, thậm chí tử vong.


2. Khô da

Hiện tượng hay gặp nhất về da trong mùa đông là khô da. Khô da là do cơ thể bị mất nước, nhất là ở da. Không đủ nước, da bị khô, mốc và nhạy cảm, dễ bị kích thích, dễ ngứa. Khi gãi, trên da xuất hiện những vệt trắng.

Trong những trường hợp da bị trầy xước, không nên dùng thuốc bôi hoặc xà phòng không thích hợp để bôi hoặc vệ sinh. Các dược phẩm và hóa chất không thích hợp có thể sẽ khiến da bị chàm, chảy nước và nổi thành mụn.

3. Nứt nẻ da

Nứt nẻ da có thể gặp ở môi hoặc gót chân, đầu ngón tay. Cơ thể thiếu nước khiến môi bị khô, bong vảy và nứt dẫn đến chảy máu, đau đớn, càng làm cơ thể mất nước nhanh hơn.


Phụ nữ thường bị nứt chân nhiều hơn nam giới, và bị nứt ở chân nhiều hơn ở tay. Có thể là nứt gót và đầu ngón chân cái, ngón út. Biểu hiện của nứt chân là da dày lên, ở gót chân có những đường nứt dọc, ở đầu ngón chân thì có thể có cả những đường nứt ngang. Nếu không điều trị kịp thời, các vết nứt này dài và sâu hơn, gây chảy máu, đau,…

Dù là nứt môi hay nứt chân tay nếu không chữa trị kịp thời sẽ dễ chuyển thành nhiễm trùng, sưng mủ khiến ăn uống, đi lại khó khăn và mất thẩm mỹ.

4. Cước chân tay

Bệnh cước thường xuất hiện mỗi khi trời rét, nhất là khi rét đột ngột, và thường gặp nhất ở những người chịu lạnh kém. Đây không phải là bệnh di truyền hay dị ứng mà do thân nhiệt gây ra, nên khi trời ấm trở lại sẽ tự khỏi.


Khi bị cước, người bệnh có cảm giác ngứa ngáy như bị kim châm, các đầu ngón tay ngón chân sưng đỏ, có khi đau đớn, phồng rộp, đôi khi tê cứng, bóp mạnh hoặc hơ nóng không có cảm giác.

Nếu chẳng may bị cước, bạn không nên gãi nhiều để tránh lở loét, gây nhiễm trùng. Buổi tối nên ngâm chân tay vào nước muối ấm khoảng 30 phút, có thể bỏ thêm vài lát gừng hoặc một vài giọt dầu gió để tăng độ nóng, làm ấm nhanh. Sau đó lau thật khô và giữ chân tay ấm ngay cả khi đi ngủ.

Với những người có cơ địa và da nhạy cảm, dễ bị kích thích dẫn đến bị các bệnh về da như trên thì cần chú ý chế độ ăn uống của mình. Nên kiêng những loại thức ăn dễ gây dị ứng và hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

Chia sẻ