Sự thật về “sự cố” Hoa hậu Thùy Dung

,
Chia sẻ

Trước đêm chung kết Hoa hậu VN 2008, tôi chỉ lo trời mưa sẽ phá hỏng công sức của anh em suốt mấy tháng trời.

Nhưng cuối cùng, điều tôi lo lắng nhất đã không xảy ra, còn điều tôi an tâm không hề nghĩ đến... lại đến, thật lạ lùng!
 
Khởi đầu cuộc thi nhiều thuận lợi. Việc cấp giấy phép khá sớm, ngay từ cuối năm 2007, chúng tôi đã có giấy phép của Bộ VH-TT&DL. Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức ký hợp đồng. Và chương trình An sinh xã hội vì người nghèo được BIDV tiến hành rất tốt, huy động được gần 20 tỷ đồng...
Hoa hậu Thùy Dung với bố (ảnh nhỏ trên) và nhà thơ Dương Kỳ Anh (ảnh nhỏ dưới)

Buổi trưa của ngày chung kết, mấy chị em ở báo chuẩn bị lễ vật cho chúng tôi cầu an. Tôi, anh Cả (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả) ra thắp hương trên sàn sân khấu giữa sông Hoài và phóng sinh cá. Khi những con cá được thả xuống sông, mọi người vui mừng nói: Trời phù hộ chúng ta rồi, đêm chung kết sẽ không mưa... hãy nhìn những con cá phóng sinh kia, nó bơi chụm đầu vào nhau dưới sông Hoài rất thành kính...

Buổi chiều, khi chúng tôi đang thắp hương ở Chùa Cầu, chuẩn bị ra dâng hương ở miếu Quan Công, trời bỗng nhiên nổi gió, sấm chớp rạch trời, nổ ầm ầm, mây đen bao phủ... Tôi chạy qua chiếc cầu sang bờ bên kia sông, nơi các nhà báo đang đợi phỏng vấn trong làn mưa trắng xoá... Kỳ lạ chưa, mưa giăng kín phố cổ Hội An, riêng quảng trường Sông Hoài, nơi đang thi công sân khấu, hình như không một giọt mưa nào rơi xuống...

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008 diễn ra hoành tráng, quy mô với chương trình "An sinh xã hội vì người nghèo" thật ý nghĩa. Điều tôi lo lắng nhất đã không xảy ra, điều tôi an tâm không hề nghĩ đến... lại đến, thật lạ lùng!

Từ Hội An bay ra hôm trước, hôm sau, nhà văn V.C gọi điện cho tôi nói: Mấy tờ báo mạng chuẩn bị "đánh" ông vụ Hoa hậu đấy! Tôi bảo: "Đánh" cái gì? V.C nói: Rồi ông sẽ biết!

Khi tờ báo đầu tiên khơi mào, đưa một bài giữa trung tâm trang 1, mấy anh em ở toà soạn xuống phòng tôi, lo lắng, tôi chỉ cười: Thể lệ cuộc thi mình đăng trên báo có quy định thí sinh dự thi phải tốt nghiệp THPT đâu!

"Nhưng, quy chế mới chưa ban hành. Vẫn để trên bàn lãnh đạo Bộ VH-TT&DL". "Ừ nhỉ, mình chưa có công văn xin phép Bộ?". "Chưa!".

Gần chục nhà báo chờ trước cửa phòng tôi để phỏng vấn. Tôi bảo: “Các bạn yên tâm, sáng ngày kia sẽ có cuộc họp báo về vấn đề này”. Lập tức, tôi chỉ đạo thường trực ban tổ chức gọi điện mời các anh bên Bộ VH-TT&DL, trong hội đồng chỉ đạo đến bàn.

Anh Thắng - Trưởng phòng, thành viên Ban tổ chức quốc gia đến đầu tiên. Anh bảo: Anh Thọ - Thứ trưởng đang trên đường tới đây.

Chúng tôi kéo nhau lên phòng họp tầng 9 của toà soạn báo Tiền Phong. Mấy anh em ở báo, thành viên ban tổ chức, anh Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng, thành viên hội đồng chỉ đạo, anh Thắng...  

Có người đề xuất: Bây giờ việc đã rồi, nên làm công văn của báo (lùi thời gian ghi trên công văn) xin phép Bộ sửa một điểm như trong thể lệ cuộc thi đã đăng báo: Có trình độ THPT (chứ không phải tốt nghiệp THPT như quy chế) đưa cho anh Thọ ký là được. Ý kiến đó bị nhiều người gạt đi. Tôi bảo Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Quy chế của Cục trình lên anh nghe nói đã sửa: Trình độ văn hoá chỉ là THPT trở lên (bỏ từ phải tốt nghiệp) có đúng không? Sao anh không ký mà còn để trên bàn lâu thế?

Anh Thọ không nói gì. Mọi người bảo tại việc chia tách Bộ hay anh đi nước ngoài nhiều nên không có thời gian... Anh Lê Tiến Thọ sau một lúc trầm ngâm liền nói: Điểm sửa đổi đó (từ tốt nghiệp THPT thành có trình độ THPT trở lên), có lãnh đạo còn băn khoăn, tôi chưa trình Bộ trưởng...". Cuối cùng, tôi bảo: "Thôi, việc này nên nghĩ cho kỹ, mai đợi các anh trên Ban (anh Hùng - Ban Tuyên giáo T.Ư) trên Văn phòng Chính phủ (anh Đức) ta bàn thêm".

Sáng hôm sau, anh Lê Tiến Thọ kêu bận không đến, Lâm Phương Thanh nói đã về Hà Nội nhưng bận họp... Hầu hết các thành viên của hội đồng chỉ đạo và thường trực Ban tổ chức quốc gia đều có mặt.

Đang họp, hay tin có tờ báo đăng Thùy Dung làm học bạ giả! Tôi lại điện cho Ban đại diện miền Trung kiểm tra. Mấy tiếng sau, Ban đại diện miền Trung nói đã đến tận nhà: Gia đình Thùy Dung khẳng định không có việc đó. "Gia đình Thùy Dung theo đạo, trước Chúa, họ không dám nói dối đâu"...

Các thành viên dự cuộc họp, cuối cùng đã nhất trí kết luận: Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung không vi phạm thể lệ cuộc thi, không vi phạm đạo đức; thiếu sót là của báo Tiền Phong, của Ban tổ chức trong việc "đi trước đón đầu" bản quy chế mới, cũng xuất phát từ mục đích trong sáng là nhằm mở rộng đối tượng dự thi, tạo điều kiện cho các thiếu nữ vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới hải đảo còn nhiều khó khăn, có thể đi học muộn... có điều kiện dự thi... Và quyết định nội dung cuộc họp báo sáng hôm sau.

Sự việc chỉ có thế, và tôi tưởng thế là xong, không ngờ mấy ngày sau báo chí (đa số là báo điện tử) lại rào lên đòi truất vương miện của Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung. Người ta đồn đại nhiều chuyện lạ lùng: Đồn rằng tôi cố ý trao vương miện cho Dung vì muốn có Bắc, Trung, Nam (gần 20 năm, đây là lần đầu tiên người miền Trung đoạt vương miện), rồi có lời đồn cho rằng nhà tài trợ ép Ban tổ chức, lại đồn tôi chọn Hoa hậu cho con trai...

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh gọi điện cho tôi, lo lắng nói: "Người ta đang đồn ông chọn Hoa hậu cho con trai, còn tôi thì...". Sợ Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh quá lo lắng, tôi bảo: “Đồng chí Tuấn Anh ơi, một trăm lời đồn chưa phải là sự thật, cây ngay không sợ chết đứng… Đồng chí bỏ ngoài tai những lời đồn thổi ấy đi...".

Mấy hôm sau, một người có chức trách lại gọi điện bảo: "Anh Dương Kỳ Anh ạ, để cho yên chuyện, anh và tôi (người gọi điện) ta bay vào Đà Nẵng vận động gia đình Thùy Dung trả lại vương miện...".

Tôi trả lời: "Tôi không bao giờ làm việc đó cả... Một cô gái vô tội mới bước vào đời bỗng nhiên bị búa rìu dư luận như vậy... Áp lực đối với Thùy Dung chưa đủ sao...! Sao còn muốn tôi gây thêm áp lực, nhỡ Thùy Dung không chịu nổi, có hành động dại dột như tự tử chẳng hạn, hậu quả sẽ khôn lường, anh biết không...".

Tôi xin mượn lời của nhà văn, nhà báo Kiều Bích Hậu trên báo Văn nghệ (số ra ngày 18-10 và 25- 10-2008) và nhà thơ Trần Đăng Khoa (trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số thứ 7 ra ngày 27-9- 2008) thay cho lời kết bài viết này: "Thay vì mất công "soi" xem ngọc có vết gì, chúng ta hãy đầu tư cho các Hoa hậu...”.
 
Theo Dương Kỳ Anh
Nông thôn ngày nay
Chia sẻ