Sự thật về kem chống nắng

,
Chia sẻ

Hơn 80% các loại kem chống nắng không bảo vệ thỏa đáng người sử dụng nó. Không chỉ vậy kem chống nắng còn chứa một số thành phần hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe

Đó là kết luận được tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Environmental Working xem xét gần 1.000 nhãn hiệu kem chống nắng hiện đang có mặt trên thị trường Mỹ. Trung bình cứ 5 loại kem được thử nghiệm thì có đến 4 loại không bảo vệ toàn diện cho người sử dụng.  
 
Đa số, kể cả sản phẩm của các hãng nổi tiếng, có hệ số SPF cao và có ghi trên nhãn mác là "phổ rộng, chống cả UVA và UVB" cũng không có khả năng bảo vệ da thực sự hiệu quả trước tác động của tia UVA.

Bản thân SPF, tiêu chí để đánh giá và phân loại kem chống nắng hiện vẫn đang được FDA (Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ) công nhận cũng không phải là một tiêu chí hoàn hảo vì nó chỉ cho thấy khả năng một sản phẩm có thể chống lại tia UVB, trong khi UVA cũng nguy hiểm tế bào nằm sâu dưới bề mặt da, dẫn đến ung thư.

Các chuyên gia của EWG còn cảnh báo về việc một số hóa chất trong kem chống nắng như oxybenzone, 4-MBC và homosalate có thể thẩm thấu qua da ở mức độ từ 1 đến 10% và gây rối loạn nội tiết. Riêng oxybenzone còn bị nghi ngờ có liên quan đến một số trường hợp ung thư và trẻ sơ sinh nữ nhẹ cân.

Một sự thật khác, sử dụng liên tục kem chống nắng, dù chỉ với hệ số SPF rất thấp (SPF = 8) cũng ngăn cản đến 95% khả năng tổng hợp vitamin D của da. Thực tế cho thấy sau khi chính phủ Australia thực hiện việc khuyến khích người dân dùng kem chống nắng thì số người thiếu vitamin D ở quốc gia này tăng lên đáng kể. Mà nghiên cứu đã cho thấy rằng thiếu vitamin D có thể là một nguyên nhân dẫn đến ung thư da. Như vậy, một mặt người ta sử dụng kem chống nắng để ngăn ngừa ung thư da, mặt khác, việc lạm dụng sản phẩm này cũng có thể gây ung thư da.

Vậy có nên tiếp tục dùng kem chống nắng hay không? Đa số các bác sĩ da liễu cho rằng kem chống nắng, đặc biệt là loại phổ rộng và cần thiết. Nhưng không nên coi nó là biện pháp duy nhất và có tác dụng tuyệt đối để bảo vệ da. Vào những lúc nắng gắt nên hạn chế việc ra ngoài trời.

Nếu bắt buộc phải đi thì ngoài dùng kem chống nắng vẫn nên mặc trang phục rộng, phủ kín cơ thể bằng các loại vải phù hợp. Ngược lại, khi ở trong nhà hoặc vào những lúc trời dịu mát thì không nên dùng kem chống nắng để tạo điều kiện cho da tổng hợp vitamin D.

 
Theo KHĐS
Chia sẻ