Sự hồi sinh của một "gái bán hoa" nghiện ngập

Thanh Hải ,
Chia sẻ

Người phụ nữ 31 tuổi này đã có một tuổi thơ nghèo khó, một thời thiếu nữ "sảy chân", nhưng cuộc đời vẫn mỉm cười với cô khi cho cô cơ hội được làm lại.

"Đứng đường" liên tục vì vấp vào ma túy

N.T.B.L. (31 tuổi) sinh ra trong gia đình có bố mẹ là tiểu thương, ở một ngõ phố nghèo của Hà Nội những năm đầu 1980. Năm cô 7 tuổi, bố đột ngột qua đời. Vài tháng sau mẹ cô sinh đôi.

Gia đình vốn không thuộc hàng khá giả gì, nay lại không còn bố, mái ấm của 4 mẹ con L. càng thêm siêu vẹo. L. tâm sự: "Tôi nhớ mẹ bụng bầu sắp đến ngày sinh rồi, nhưng ngày nắng, ngày mưa, gánh hàng rong nặng trĩu hoa quả vẫn trên vai mẹ rảo bước khắp đường phố Hà Nội.

Rồi mẹ cũng chỉ ở cữ được 8 ngày. Mẹ đi chợ từ 3 - 4 giờ sáng tới tối mịt mờ mới về. Toàn bộ công việc ở nhà, tôi thay mẹ gánh vác. Tuổi thơ của tôi ư? Tôi làm gì có! Mà có thì nó cũng quá ảm đạm và vất vả.

Tôi chẳng có lúc nào thảnh thơi mà ngồi suy tư, thèm thuồng, ghen tị với những đứa trẻ hàng xóm. Lúc nào cũng tất tưởi như một bà mẹ trẻ. Thậm chí ước mơ nhỏ bé của tôi là được 1 ngày đi học đúng giờ, 1 ngày tan học mà không phải chạy thật nhanh về nhà
".

Học tới lớp 6 thì L. bỏ dở, chạy chợ cùng mẹ. Cuộc sống của 4 mẹ con không bớt khốn khó nhưng bữa cơm bữa cháo cũng được đều đặn hơn. 15 tuổi, ai cũng khen L. xinh nhất khu phố. Tuy nhiên, theo lời L., khi đó cả năm, cả tháng cô chẳng soi gương, chẳng quan tâm mình trông xinh xắn hay nhếch nhác thế nào. Lúc nào cũng đâm sấp đâm ngửa với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế rồi, trái tim thiếu nữ của cô cũng lần đầu biết đập lỗi nhịp…

Sự hồi sinh của một
Người phụ nữ 31 tuổi này đã có một tuổi thơ nghèo khó, một thời thiếu nữ "sảy 
chân"... - Ảnh: Thanh Hải

"Đời thật buồn! Khoảng thời gian đẹp đẽ nhất thời thiếu nữ của tôi bên anh chóng vánh qua. Anh mất vì tai nạn! Tôi oán hận ông trời cướp đi người đàn ông tôi yêu. Người đầu tiên quan tâm tôi từng ly từng tí, nâng niu, thông cảm, giúp đỡ cho gia cảnh mẹ góa con côi của gia đình tôi", L. mỉm cười với ánh mắt ngấn nước.

Ngày anh mất, lần đầu tiên cô đi lang thang qua đêm. Cũng chính là cái đêm định mệnh ấy, L. gặp một người đàn ông lạ, để rồi rơi vào những mối quan hệ... lạ. Bế tắc, mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống, cô quyết định tìm nơi chia sẻ là người đàn ông hơn cô 20 tuổi. Con đường trở thành bồ nhí, rồi trở thành “gái làng chơi” của cô bắt đầu từ đây.

Nhưng rồi, vài tháng sau, L. gặp và lại rung rinh trước một chàng sinh viên, con nhà giàu, hơn cô 5 tuổi. Mơ hồ về tình yêu của anh lắm nhưng L. vẫn quyết dọn về sống cùng anh không cần hôn thú, không cần sự chấp thuận của hai bên gia đình.

"Mọi người có thể không tin nhưng suy nghĩ của tôi non nớt và ấu trĩ lắm. Anh hút thuốc lá. Tôi muốn tìm sự đồng cảm với người yêu, nên cũng tập tành hút. Tôi nào biết thuốc lá anh hút rất “đặc biệt”. Tôi nghiện mà chẳng biết mình nghiện từ bao giờ. 

Lúc đó tôi đã mang bầu. Cả tôi và anh đều nghiện, chỉ có thể trông vào đồng tiền bố mẹ trợ cấp cho anh đi học nên nếm đủ mùi khốn khổ. Tôi thường xuyên no đòn mà đói ăn! Tôi đói đến mức hái cả đu đủ xanh về xào không mắm, không mỡ mà ăn cho có gì vào ruột. Tôi bầu tháng thứ 6 thì anh bị bắt vào trại. Tôi lại đi “bán hoa” để kiếm tiền sinh nhai. Bụng bầu nhưng tôi vẫn có cách “chiều” khách, nên cũng đủ sống qua ngày".

19 tuổi, L. sinh con gái. May mắn mẹ tròn con vuông. Một tháng sau, cô gửi con ở nhà cho bà ngoại trông để đi “khách”. Con được 9 tháng, L. quyết tâm cai nghiện!

Rồi “chồng hờ” của cô ra trại. Bố anh đón cả anh và mẹ con cô vào Sài Gòn sống. Những tưởng L. đã có chỗ để bấu víu, thì anh lại tái nghiện. Sài Gòn trong ký ức của cô là những trận đòn roi, là nước mắt, là hối hận đã theo anh và là một lần nhảy lầu tự tử nhưng trời không cho cô được chết.

"Tôi đưa con trở lại Hà Nội, về sống cùng mẹ và các em. Đời tôi coi như bỏ đi rồi. Nhưng tôi thương con, thương mẹ tôi nhiều lắm! Làm sao có thể ăn bám vào mẹ được. Mà tôi không học, không nghề, biết làm gì kiếm tiền nuôi con đây? Tôi trở lại con đường cũ. Lần này thê thảm hơn, tôi phải ra đứng đường. Để có được “dũng khí” làm chuyện ấy, tôi lại dùng ma túy.

Một ngày tôi có thể kiếm được 300.000 đồng, thì chi mất 200.000 đồng cho thuốc, còn lại dành dụm nuôi con. Mệt mỏi, ê chề, đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác vì thường xuyên bị khách, bị bảo kê đánh. Nhưng những cơn phê thuốc làm tôi quên được nhiều thứ mà sống vất vưởng với cuộc đời. Năm 2002, tôi bị bắt vào trại cai nghiện! Khi đó tôi 21 tuổi, con gái tôi tròn 3 tuổi".

Hồi sinh một cuộc đời

Ở trại 2 năm, L. được tha. Trong khoảng thời gian cải tạo và cai nghiện, cô suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời. Điều làm cô suy tư nhiều nhất chính là con gái! Lo sợ nếu như bản thân vẫn "ngựa quen đường cũ", mai này con gái chị có đi vào vết xe đổ của mẹ không? L. quyết tâm làm lại cuộc đời!

"Mặc dù khó lắm, nhưng tôi tin rằng tôi có thể làm được! Gần một năm sống nương tựa vào sự bao bọc của mẹ và các em thì tôi tình cờ gặp lại chị bạn cũng đã có một quá khứ như tôi. Vậy mà, giờ đây, được sự giúp đỡ của các cô trong một trung tâm phụ nữ, chị đã làm lại cuộc đời. Chị rủ tôi cùng làm với chị. Tôi đã khóc và gật đầu đồng ý".

Có lẽ, chỉ khi tới làm việc ở trung tâm tư vấn sức khỏe cho chị em phụ nữ đó, L. mới thực sự được sống, cảm thấy cuộc đời này thật đáng sống! Ở đây, chị đã gặp được rất nhiều người có hoàn cảnh như chị, thậm chí còn éo le hơn. Nhưng họ đã khép lại quá khứ đen tối của mình, vươn lên, sống tốt và cống hiến cho xã hội. 

"Công việc chính của tôi ở trung tâm là tuyên truyền cho những chị em làm công việc “nhạy cảm” hiểu biết về các biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục.

Sau một vài buổi tập huấn, tôi đã được đi cùng các chị đến những khu có nhiều quán cafe matxa, tẩm quất... Rất khó khăn để chúng tôi tiếp cận với các chị em, thuyết phục họ. Nhưng chúng tôi không nản. Niềm vui lớn nhất là mỗi khi đi tuyên truyền, chị em lại nhận thức được cách phòng tránh nhiều căn bệnh cho bản thân
".

Năm 2010, cuộc đời lại mỉm cười với L. khi cho cô được gặp anh – chồng của cô bây giờ. Hai người quen nhau trong bữa tiệc sinh nhật của một người bạn. Tìm hiểu và đến với nhau cũng chỉ vài tháng. Ban đầu, L. cảm thấy tự ti, từ chối vì thương anh. Bởi anh là "trai tân" trong khi cô đã có "tập n" rồi. 

Nhưng cả khi anh biết rõ quá khứ của cô, anh vẫn cứng rắn và cương quyết. Rồi anh đưa chị về ra mắt, hai người cũng không hề giấu giếm gia đình anh về chuyện đời nhiều vấp váp của chị. Bố mẹ anh vẫn bao dung chấp nhận L. làm dâu con trong nhà.

"Thu nhập của vợ chồng tôi không dư giả, cũng phải chạy nhiều nghề làm thêm. Nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm. Hạnh phúc từng ngày, từng giờ vì được ở bên người chồng rất mực thương yêu vợ, nuôi dạy các con, vun vén cho tổ ấm nhỏ bé của mình".

Những cung bậc cảm xúc thay đổi rõ ràng trên khuôn mặt L., từ những giọt nước mắt khi hoài niệm về quá khứ nhiều tủi hờn, cho tới nụ cười và ánh mắt rạng rỡ khi kể về gia đình nhỏ hạnh phúc của mình.
Chia sẻ