Sốt thịt gà, điềm vui cuối năm

Theo VEF,
Chia sẻ

Gần Tết, thị trường thiếu hụt nguồn cung, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao khiến gà nội có cơ hội lên ngôi, tăng giá mạnh. Người tiêu dùng thực sự bất ngờ trước việc tăng giá gà nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận nếu được mua gà ta và nông dân có thêm thu nhập.

Gà nội tăng giá kép

Sau cả một năm giá gà nội xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ thì thời gian này, khi thị trường khan hiếm nguồn cung, giá thịt gà nội tăng đồng loạt từ trang trại cho tới các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội.

Hiện, tại các trại nuôi gia cầm lớn trên địa bàn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), gà lông trắng xuất chuồng có giá 44.000 đồng/kg, tăng khoảng 16.000 đồng/kg so với hồi tháng 9, tháng 10. Còn gà lông màu tăng khoảng gần 40% so với hồi giữa năm.

Mới đây, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, giá gà đồi Yên Thế đang có xu hướng tăng mạnh do thị trường được mở rộng. Hiện, gà đồi Yên Thế xuất ra thị trường có giá khoảng trên 90.000 đồng/kg tăng hơn 30.000 đồng/kg.

Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Cống Vị, Thành Công, Bưởi, Nghĩa Tân... giá thịt gà đã tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Chị Tân, tiểu thương bán thịt gà tại chợ Cống Vị cho biết, khoảng một tuần nay, giá thịt gà tăng mạnh, gần gấp đôi so với thời gian trước. Tại quầy của chị, cánh gà hiện được bán với giá 110.000 đồng/kg, đùi gà có giá 100.000 đồng/kg, lườn gà giá 70.000 đồng/kg.

Tại chợ Thành Công (Ba Đình), một tiểu thương nói, không chỉ có riêng giá thịt gà công nghiệp mới tăng dịp này mà giá thịt gà ta còn tăng mạnh hơn. Trước gà ta nguyên lông nhập vào có giá trên 85.000 đồng/kg nhưng giờ lấy vào ít nhất cũng phải 110.000 đồng/kg. Theo đó, giá bán tại chợ được đẩy lên từ 130.000-160.000 đồng/kg cho phù hợp với giá gà nhập vào.

Sốt thịt gà, điềm vui cuối năm 1

Bên cạnh đó, giá các loại trứng gia cầm theo ghi nhận của PV cũng đang tăng mạnh. Tại các chợ bán lẻ, trứng gà đỏ có giá phổ biến từ 28.000-30.000 đồng/chục, trứng vịt có giá 30.000-35.000 đồng/chục tùy loại. Các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò giá bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ.

Lý giải về vấn đề giá thịt gà tăng mạnh dịp này, hầu hết tiểu thương đều cho rằng nguồn cung khan hiếm nên giá được đội lên cao.

Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng, cho biết: "Hiện thịt gà đang tăng giá kép". Chị Quỳnh giải thích, vào tầm này những năm trước, giá gà chỉ tăng khoảng 10-15% là do lễ tết đến cận kề, tăng theo tâm lý chung của thị trường. Tuy nhiên, năm nay, kết hợp với tăng giá vào lễ tết, trên thị trường còn thiếu hụt nguồn cung bởi gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc về thị trường không còn nhiều như trước khiến cho giá gà trong nước mới có cơ hội đội lên cao đến vậy.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đào Văn Bằng, chủ một trại gà ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho hay, gà nhập lậu được ngăn chặn cộng với cận kề ngày lễ tết nên giá gà xuất chuồng tăng cao. Năm nay, giá gà lông trắng xuất chuồng tăng 25-30% so với ngày thường (cùng thời điểm năm ngoái giá gà này tăng 10-15%). Ông Bằng dự đoán, từ nay tới Tết Nguyên đán, giá gà vẫn sẽ tiếp tục tăng nhưng cũng chỉ tăng thêm 1-2 giá nữa chứ không nhiều.

Người chăn nuôi "vớt vát"

Với người tiêu dùng, giá tăng là điều lo lắng nhưng với phần đông người chăn nuôi thì giá tăng, gà xuất chuồng hút khách là tín hiệu vui, giúp người chăn nuôi lấy lại niềm tin, vớt vát lại ít nhiều sau cả một năm chăn nuôi thua lỗ, bán gà dưới giá thành.

Ông Đào Văn Bằng chia sẻ: "Nhờ có đề án ngăn chặn ngà nhập lậu cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ban ngành nên gà thải loại về nước giảm. Tuy chưa chặn được hết, gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vẫn còn xuất hiện trên thị trường nhưng nhờ hiệu quả của việc chặn gà lậu nên giá gà lông xuất chuồng được tăng lên. Qua đó, người chăn nuôi lấy đó làm tín hiệu mừng".

Được biết, tuần trước, gia đình ông Bằng vừa xuất chuồng đàn gà lông trắng 5.000 con với giá 44.000 đồng/kg. Theo đó, trừ hết chi phí, gia đình ông được lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Băng nói: "Vừa qua, giá cám tăng 5.000 đồng/bao 25kg, tức tăng 200 đồng/kg. Mức này tăng có thể cho là cao bởi nó đẩy giá thành sản phẩm của một kg gà lên tới 35.000 đồng. Tuy nhiên, so với mức giá bây giờ người chăn nuôi vẫn có lãi khoảng gần 10.000 đồng/kg".

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cường chủ trại gà ở Phúc Thọ (Hà Nội) cũng chia sẻ: Chặn gà lậu được thì gà nội sẽ được mở rộng thị trường, không bị ép giá, người chăn nuôi phấn khởi, tin tưởng hơn vào chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, anh Cường còn cho biết, nếu giá gà cứ giữ được như mức hiện tại thì chỉ trong vòng 6 tháng người chăn nuôi có thể lấy lại được toàn bộ số vốn đã thua lỗ khi phải bán gà dưới giá thành trong suốt cả một năm qua.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận, chặn được gà lậu, giá gà trong nước sẽ tăng và giúp người chăn nuôi lấy lại được niềm tin, tích cực phát triển đàn gia cầm của mình để có đủ nguồn cung, cung cấp cho thị trường Hà Nội..

Ông Bùi Văn Hạnh cũng nhận định, thương hiệu gà đồi Yên Thế đang dần được ưa chuộng và nhiều người biết đến hơn kể từ khi đề án ngăn chặn gà lậu được đưa ra và thực hiện quyết liệt. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đàn gà để có thêm nguồn cung ra thị trường, đồng thời cũng là tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập", ông Hạnh cho hay.

Chia sẻ