Sở hữu kỳ nghỉ: Giống như trong mơ hay gánh lấy rủi ro?

Nhóm phóng viên VTV Digital,
Chia sẻ

Những lời quảng cáo bùi tai về một kỳ nghỉ cải thiện chất lượng đời sống lại chính là cái bẫy để biến các vị khách thành con mồi.

Sau dịch COVID-19, ngành du lịch đang bùng nổ trở lại và nhu cầu của người dân đang tăng cao. Đánh vào tâm lý tìm kiếm nhiều loại hình nghỉ dưỡng, một số công ty du lịch đã chủ động gọi điện cho khách hàng với những lời mời hấp dẫn, ví dụ như nhận phiếu du lịch miễn phí. Khi khách hàng nghĩ mình đang có những món quà tặng giá hời thì họ tiếp tục mời chào khách ký những hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Lấy danh nghĩa là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, các tư vấn viên đã tư vấn khách với những lời mật ngọt như rót vào tai, dần dần dụ dỗ họ ký vào những hợp đồng dưới danh nghĩa là sở hữu kỳ nghĩ. Nhưng chỉ đến khi hợp đồng trao tay, chân tướng mới được phơi bày.

Sau khi ký xong, khách hàng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Nhiều đơn tố cáo của người dân đã gửi đến cơ quan công an. Những bản hợp đồng được người dân đặt bút kí với những điều khoản bất lợi cho họ.

Từ cuộc gọi quà tặng miễn phí đến những buổi dự sự kiện kín

Sở hữu kỳ nghỉ là khái niệm không còn quá mới ở Việt Nam. Mô hình này còn từng được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19. Khi ký hợp đồng, khách hàng sẽ được sở hữu kì nghỉ giống như mô hình du lịch cung cấp quyền lưu trú cho người mua tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp trong một khoảng thời gian dài, thường là từ 10 đến 20 năm, với mức giá được quảng cáo là ưu đãi hơn nhiều so với việc chúng ta đi du lịch tự túc.

Vậy làm thế nào để khách hàng có thể sở hữu dịch vụ này? Chúng ta không cần mất công tìm kiếm bởi họ sẽ tự có cách để tìm đến khách hàng thông qua những chiếc điện thoại.

Để tham dự những buổi sự kiện và nhận những tấm thẻ du lịch miễn phí, người tham gia phải có tên trong danh sách khách mời và không thể thiếu là thẻ căn cước công dân để chứng minh danh tính. Sau khi được xác nhận là khách mời chính danh, mỗi người sẽ có một mã số để vào phòng sự kiện. Ở đây, mỗi khách mời sẽ có 1 nhân viên tư vấn riêng. Những người này sẽ có nhiệm vụ trò chuyện, thăm dò sở thích du lịch của đối phương.

Sau tối thiểu là 60 phút, chỉ khi khách mời hiểu được khái niệm cơ bản của mô hình sở hữu kì nghỉ và những lợi ích mà nó đem lại, thì mới có một người tự nhận là quản lý của công ty xuất hiện để làm nhiệm vụ chào bán các gói nghỉ dưỡng. Cuối cùng, chỉ khi khách hàng có nhu cầu, thì những bản hợp đồng mới được đưa ra kèm với những phiếu quà tặng thể hiện lời hứa của doanh nghiệp lúc đầu.

Để thể hiện chữ tín, các doanh nghiệp đã trao quà tặng là các voucher nghỉ dưỡng miễn phí cho các khách mời tham dự sự kiện. Nếu xét về mặt ý nghĩa, thì đây không chỉ đơn thuần là một món quà, mà đây còn là uy tín của doanh nghiệp.

Sau 7 lần đến với các hội thảo về sở hữu kỳ nghỉ khác nhau, một người phụ nữ đã có trong tay hơn 10 phiếu quà tặng. Giá trị cao, nhưng lại không thể sử dụng vì khi liên hệ tổng đài đặt chỗ không nghe máy. Nơi phản hồi yêu cầu thì lại cho ra kết quả quỹ phòng sử dụng voucher tạm thời hết mặc dù 4 tháng nữa mới là ngày hết hạn. Còn nếu may mắn sử dụng được thì số tiền khách hàng phải bỏ ra còn cao hơn giá trị thực của tấm phiếu.

Khi kí hợp đồng, nhiều khách hàng thực sự tin rằng, mình phải là người may mắn mới có được những món hời. Ở thời điểm đó, họ vui vẻ bỏ ra vài trăm triệu đồng để nhận về thứ mình không thật sự hiểu rõ - mang tên: Hợp đồng sở hữu kì nghỉ.

Vậy thì có gì bên trong những buổi hội thảo đó mà có thể khiến các khách hàng không ngần ngại rút hầu bao như vậy?

Giả mạo, thổi phồng và đòn tâm lý của sở hữu kỳ nghỉ

Các công ty này không tiếp khách vãng lai, vì đối tượng khách hàng được doanh nghiệp nhắm tới rất rõ ràng. Để phô trương thanh thế, các doanh nghiệp đều tự nhận mình là đơn vị đứng đầu.

"Thực tế thẻ của bên em rất kén khách. Dòng khách ở đây là dòng thượng lưu. Bản thân bọn em chỉ phục vụ khách cao cấp. Và đây là chương trình cho khách mời cải thiện chất lượng đời sống" - một tư vấn viên cho hay.

Crystal Holidays tự hào là một trong những tập đoàn hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực du lịch theo định hướng du lịch bền vững với hơn 15 năm trong lĩnh vực trao đổi kì nghỉ. 15 năm kinh nghiệm chỉ là quảng cáo, vì thực chất đơn vị này mới chỉ hoạt động 2 năm. Nói dối là bởi họ cần uy tín để bán những gói dịch vụ lên đến vài trăm triệu đồng.

Phóng viên đã liên hệ với các đơn vị mà doanh nghiệp tự nhận là có hợp tác thì đều nhận được lời khẳng định là họ không có bất kì sự liên kết hay tài trợ nào như lời quảng cáo kia. Vậy nhưng, tất cả khách hàng đều không biết sự thật này. Chiêu bài tâm lý lại tiếp tục được đưa ra. Và lần này là đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng.

Tại một doanh nghiệp khác, từ chi phí ban đầu là 210 triệu đồng cho gói nghỉ dưỡng trong vòng 10 năm, họ cũng sẵn sàng giảm giá tới 40% cho khách hàng tham dự sự kiện. Tài trợ lên đến gần 70 triệu nhưng không phải là có sẵn cho tất cả mọi người tham dự.

"Em chỉ còn có 3 suất thì trong đó 2 suất trả trước và 1 suất trả thẳng. Chương trình quà tặng đặc biệt thêm năm nay và năm sau thì tổng phần quà tặng thêm của chị là 34 triệu nhé" - tư vấn viên đánh đòn tâm lý.

Món hời quá lớn lại chỉ còn ít cơ hội để nhận, nhiều người đã nhanh tay kí vào bản hợp đồng lên tới mấy chục trang mà không kịp tìm hiểu. Trong khi đó, điểm mấu chốt là khách hàng đều không thể mang những bản hợp đồng về nghiên cứu, bởi họ chỉ có thể kí nó ngay tại lúc diễn ra sự kiện. 

Quá nhiều nội dung được doanh nghiệp quảng cáo đã khiến người tiêu dùng bị quá tải về mặt thông tin. Điều này có thể khiến họ bị hạn chế trong việc đánh giá sự rủi ro mình sẽ gặp phải. Bị cuốn theo thông tin 1 chiều do bên cung cấp thông tin dịch vụ đưa ra, rất nhiều những ức chế và phiền phức đã xảy đến với người tiêu dùng.

Khi bút sa gà chết và lời cảnh báo được đưa ra

Khi khách hàng ngộ ra chân lý thì mọi chuyện đã rồi. Nội dung trong hợp đồng ghi rõ "dự kiến bàn giao vào quý 2 năm 2022" nhưng mọi chuyện cũng từ chữ "dự kiến" mà ra. Nhiều khách hàng không đọc, để rồi nghĩ khi họ mua gói nghỉ dưỡng theo năm lại khăng khăng mình được biệt thự, bởi số tiền bỏ ra đã lên đến vài tỷ đồng. Không chia sẻ với người thân, bởi niềm tin đã gửi trọn cho tư vấn viên bán gói sở hữu kỳ nghỉ.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng chục khách hàng gửi đơn khiếu kiện thông qua vị luật sư này. Qua xem xét, mọi người mới nhận ra có quá nhiều điều bất ổn của hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ:

Bản hợp đồng mà phần bất lợi nghiêng hẳn về phía khách hàng mà lại được dễ dàng đặt bút ký thì sẽ không thể tránh khỏi sự thiệt thòi. Và giờ đây, những người có liên quan như tư vấn viên và quản lý đặt bút ký cam kết quyền lợi cho khách hàng thì cũng chỉ còn cái tên trên mặt giấy.

Thực tế, sự rủi ro khi khách hàng có những giao kết hợp đồng chóng vánh đã nhiều lần xảy đến. Sự việc đã được các cơ quan chức năng như Tổng cục du lịch hay Uỷ ban cạnh tranh quốc gia nhiều lần phát đi cảnh báo, nhưng không ít người nhẹ dạ cả tin vẫn sập bẫy. Tìm hiểu rõ bản chất, lợi ích của sản phẩm và nghiên cứu kĩ các quy định trong hợp đồng thay vì chỉ tin vào những lời đường mật chưa được kiểm chứng mới là cách để người tiêu dùng bảo vệ chính mình.

Bà Trần Diệu Loan, Trưởng Ban Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết: "Hoạt động sở hữu kì nghỉ là một giao dịch dân sự giữa các bên nên chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật. Vậy thì để xác định là loại hình này có vi phạm pháp luật hay không hay có vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng hay không, nó sẽ phụ thuộc vào từng sự việc cụ thể.

Có nhiều người tiêu dùng họ chưa ý thức được hết về loại hình này. Ví dụ như bản chất của loại hình này như thế nào. Các nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng dịch vụ ra làm sao. Trước khi mình giao kết hợp đồng hoặc tham gia sự kiện thì phải tìm hiểu thông tin kĩ lưỡng. Trong trường hợp này mình phải xác định rất rõ nhu cầu của bản thân là như thế nào".

Chia sẻ