Sinh xong sữa chỉ có vài giọt, mẹ trẻ kiên trì kích sữa thành công và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn 3 tháng đã 10kg

NT,
Chia sẻ

Từ 1 người không có sữa sau sinh, chị Như Quỳnh đã trải qua rất nhiều đau đớn trong quá trình kích và duy trì sữa mẹ cho con bú.

Con trai 3 tháng tuổi nặng 10kg nhờ bú sữa mẹ hoàn toàn

Có một đứa con bụ bẫm, khỏe mạnh là điều mong mỏi của nhiều bà mẹ và điều này tất nhiên cũng không ngoại lệ với chị Nguyễn Như Quỳnh, 27 tuổi (sống tại Hà Nôi). Con trai chị, bé Phạm Thế Anh (tên ở nhà là Cá) mới 3 tháng tuổi nhưng đã nặng 10kg, khắp người toàn ngấn và vô cùng đáng yêu.

Những hình ảnh của bé Cá khi được chia sẻ trên 1 group kín đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Nhiều mẹ bỉm sữa không tiếc tay "thả tim" cho cậu bé này và để lại những lại bình luận xuýt xoa: "Ôi em trộm vía quá em ơi", "Trời ơi, tay nhìn y như cái màn thầu", "Ui trộm vía, trước giờ cứ nghĩ ảnh trên mạng người ta photoshop mới ra ngấn, nhưng giờ nhìn con thì mới hiểu nhiều ngấn là có thật"...

Đằng sau hình ảnh em bé bụ bẫm 3 tháng nặng 10kg là hành trình kích sữa đầy gian nan, đau đớn của mẹ Hà Nội - Ảnh 1.

Những hình ảnh đáng yêu của bé Cá được chị Quỳnh chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo chị Như Quỳnh chia sẻ, hồi mới sinh bé Cá nặng 4,2kg, vì cân nặng của bé khá lớn nên cả chị Quỳnh lẫn con trai đều gặp nguy hiểm khi sinh: "Do quá trình thăm khám và siêu âm trước khi sinh, bác sĩ siêu âm nhầm cân nặng của bé nên đã cho mình sinh thường. Khi sinh mình tưởng đã chết trên bàn đẻ do em bé quá to. Cả cơ thể mình như không còn chút sự sống gì hết do mất sức và máu chảy nhiều. Còn em bé thì phải thở oxy mất 1h ngay sau khi sinh vì to quá".

Những hình ảnh bụ bẫm đáng yêu của bé Cá.

Đến hiện tại Cá đã 3 tháng tuổi, nặng 10kg và được bú sữa mẹ hoàn toàn. Cứ 4 tiếng chị Quỳnh lại cho con ăn hoặc bú 1 lần, mỗi lần 150ml sữa.

Sau sinh hoàn toàn không có sữa và hành trình kích sữa đầy gian nan của bà mẹ trẻ 

Nhìn hình ảnh đáng yêu của bé Cá, nhiều người có thể nghĩ rằng chị Quỳnh may mắn có sữa mẹ mát, con lại hấp thụ tốt nên bụ bẫm như vậy. Thế nhưng, sư thật là bà mẹ này đã trải qua rất nhiều gian nan trong quá trình kích sữa và duy trì nguồn sữa cho con bú. Chia sẻ về điều này, chị Quỳnh cho biết:

"Sau khi sinh và được trở về phòng nằm nghỉ ngơi vài tiếng, mình uống nhiều nước ấm nóng, uống luôn ngũ cốc để cho hồi sức. Lúc này chưa cần ăn gì ngay đâu mà nên uống nhiều nước ấm để cơ thể đào thải ra hết sản dịch và bù nước trong quá trình sinh nở mất sức. Sau đó vài tiếng mới nên ăn cháo.

Đằng sau hình ảnh em bé bụ bẫm 3 tháng nặng 10kg là hành trình kích sữa đầy gian nan, đau đớn của mẹ Hà Nội - Ảnh 4.

Tủ sữa của bé Cá.

Nằm nghỉ ngơi xong thì mình bắt đầu cho bé ti luôn mặc dù ngực mềm oặt, bóp cũng chẳng ra giọt sữa nào nhưng mình vẫn cho bé ti và không hề chuẩn bị sữa công thức. Cứ như vậy cho đến bao giờ bé không mút nữa thì thôi và cứ 2h mình cho bé ti 1 lần. Mặc dù mình bóp không ra sữa nhưng vẫn thấy bé mút vài hơi sâu thì nuốt ực 1 lần, chứng tỏ là trong bầu ngực đã có sẵn sữa mà mình không nhìn thấy được. Cứ thế sau sinh 2 ngày mình được ra viện, bé chỉ ti mẹ và ngủ, về đến nhà mình bắt đầu công cuộc kích sữa.

Do mình sinh thường, bé to nên vết rạch khá dài. Về nhà nghỉ có vài tiếng là mình lao vào kích sữa ngay, đến mức bị bục chỉ vết khâu tầng sinh môn. Kể từ đó mình cứ phải vừa ngồi nghiêng mông vừa hút sữa, thật sự là đau khủng khiếp. Nhưng vì muốn con được bú sữa mẹ hoàn toàn nên mình cứ cố 2h kích 1 lần, mỗi lần 30 phút. Khi kích bằng máy mình bật chế độ mát xa 10 phút rồi bật hút 5 phút, matxa tiếp 5 phút và cuối cùng lại hút 10 phút. Nếu không kích bằng máy thì mình lại cho bé ti. 

Cả ngày đầu tiên sữa chỉ ra có vài giọt không đủ tráng bình, nhưng mình vẫn kiên trì hút. Dần dần mình hút được 5ml mỗi bên, rồi đến 10ml. Sau 5 ngày thì lên được 30ml. Cứ như thế đến khi sữa của mình được mỗi bên 50ml thì mình bắt đầu hút 3h/lần và duy trì như vậy cho đến bây giờ. Hiện tại không có thời gian nên mình không vắt cữ đúng giờ như trước nữa chỉ vắt ngày 3,4 cữ thôi, trung bình mỗi cữ được 400-500ml. Nhưng nếu mình vắt cữ cuối là 11-12h đêm thì sáng 6, 7h mình vắt đều được 800 - 900ml".

Đằng sau hình ảnh em bé bụ bẫm 3 tháng nặng 10kg là hành trình kích sữa đầy gian nan, đau đớn của mẹ Hà Nội - Ảnh 6.

Sau khi vắt cữ cuối lúc 12h đêm, đến sáng hôm sau chị Quỳnh sẽ vắt đều được 900ml sữa như trong ảnh.

Về chế độ ăn uống của chị Quỳnh rất khoa học, bà mẹ trẻ không ăn quá nhiều những món như móng giò, móng dê... mà chú ý cân bằng khẩu phần ăn hàng ngày, cố gắng uống nhiều nước và bổ sung thêm vitamin: "Mình uống vitamin tổng hợp, cỏ cari, ngũ cốc và chè vằng. Các mẹ lưu ý là nên uống khi ấm nóng. Các sản phẩm như vitamin, ngũ cốc giúp sữa tốt và đặc hơn. Cỏ cari cũng làm cải thiện lượng sữa khá tốt nhưng tốt nhất mẹ nên uống đủ 3 lít nước vào cơ thể mỗi ngày và kiên trì mới đạt được hiệu quả.

Các mẹ cũng đừng nên kiêng khem quá, chỉ cần kiêng lạnh, kiêng cay, kiêng chua, chất kích thích và 1 số loại rau gây mất sữa là được. Ăn nhiều thịt bò, thịt vịt, tôm cá và nhiều rau xanh, các loại củ quả đa dạng.

Bữa sáng các mẹ nên ăn xôi hoặc cơm nóng, sau khi ăn xong 15 phút uống vitamin tổng hợp và cỏ cari. Các mẹ có thể pha sẵn 1 ấm to chè vằng uống thay nước lọc hàng ngày, kể cả không khát cũng uống. Chè vằng giúp thanh lọc cơ thể rất tốt cũng như giúp mẹ xuống cân nhanh nữa. Trước khi hút sữa 30 phút, các mẹ nhớ uống 200ml ngũ cốc, có thể pha cùng với sữa ông thọ cho dễ uống. Sau khi hút sữa xong cũng uống 200ml ngũ cốc nữa để bù vào cơ thể lượng sữa vừa bị hút đi.

Quan trọng nhất là giữ tinh thần thoải mái, khi kích hút sữa đừng chăm chăm nhìn vào bình sữa. Các mẹ hãy tự tin và cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn nhé, có khó khăn mới có kết quả tốt đẹp được".

Sốt cao nhập viện cấp cứu nhưng vẫn vắt sữa đều đặn cho con mỗi ngày

Chị Quỳnh cũng chia sẻ câu chuyện con trai chị đã từng phải nhập viện 7 ngày vì viêm phổi và phải cách ly mẹ. Nhưng chị vẫn cố giữ tình thần lạc quan, ăn uống đầy đủ không bỏ bữa và cố mang ngũ cốc, vitamin... đến viện dùng vì sợ mất sữa. Đến khi bé Cá xuất viện về nhà được 3 ngày, đến lượt chị bị sốt cao 41, 42 độ C và phải đi cấp cứu 2 lần trong đêm do sốt nhiễm trùng. Tuy phải uống kháng sinh nhưng khi nghe bác sĩ nói con vẫn uống được sữa mẹ nên chị Quỳnh vẫn cố ngồi vắt sữa vì sợ mất sữa. Thậm chí 1 người phải đỡ, 1 người phải chườm hạ sốt cho chị:

Bú sữa mẹ hoàn toàn, bé Cá 3 tháng tuổi nặng 10kg.

"Khi đó lượng sữa của mình giảm đi đáng kể, không được 1 phần của những ngày bình thường nhưng mình vẫn cứ cố. Vừa truyền thuốc, truyền nước vừa vắt. Bạn Cá thì ở với bà ngoại hoàn toàn, mình gửi sữa để bà cho bé ăn suốt 1 tháng trời.

Thật sự có những lúc bản thân cảm thấy kiệt quệ, không còn chút sức lực nào nữa nhưng vì con nên mẹ cứ phải cố gắng vậy. Các mẹ cũng đừng ai vội nản lòng, hãy hết mình làm 1 việc gì đó thì sẽ nhận được quả ngọt thôi".

Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.

Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.

Sinh xong sữa chỉ có vài giọt, mẹ trẻ kiên trì kích sữa thành công và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn 3 tháng đã 10kg - Ảnh 12.

Chia sẻ