Sản phụ và song thai cùng tử vong sau cấp cứu

,
Chia sẻ

10 phút sau khi cấp cứu, thai phụ Vương Lệ Trinh ngừng thở, sùi bọt mép và tử vong cùng song thai đã được 35 tuần tuổi.

Khoảng hơn 0h ngày 11/5/2009, thấy vợ mệt mỏi và đau bụng, anh Thái Văn Nam, ngụ 154/8 Phong Phú, Q. 8, TPHCM đã đưa vợ đến bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng (BV ĐDPHCN) quận 8 cấp cứu. Nhưng chỉ 10 phút sau khi cấp cứu, vợ anh là chị Vương Lệ Trinh ngừng thở, sùi bọt mép và tử vong cùng song thai đã được 35 tuần tuổi.

Quá bức xúc vì sự thờ ơ không một lời giải thích cũng như an ủi của BV ĐDPHCN, anh Nam đã gửi đơn đến Công an TPHCM và báo chí đề nghị làm rõ cái chết bất thường của vợ anh.

Lãnh đạo bệnh viện nói gì?

BS Đinh Quang Thanh, Phó giám đốc BV ĐDPHCN, phụ trách chuyên môn đã khẳng định, bệnh nhân khi đưa vào BV trong một bệnh cảnh khá nặng dẫn tới rất nặng: phù chân, khó thở, huyết áp tụt(80/50), mạch khó bắt….

Ngoài ra, BS Thanh cũng cho rằng khi vào bệnh viện, chị Trinh đã bị phù chân, chỉ số đạm niệu đo tại Bệnh viện Hùng Vương lần cuối khi đi khám thai định kỳ là 1g/l, là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiền sản giật.

Dựa vào những triệu chứng trên, kíp trực “chẩn đoán” bệnh nhân bị một bệnh cảnh tai biến của chứng tiền sàn giật nên đã nhanh chóng cho mở nội khí quản, thở oxy, truyền dịch… Nhưng chỉ sau 10 phút thì tim ngưng đập, ngưng thở, huyết áp không đo được và mạch bằng 0.

BS Nguyễn Thị Đức Hạnh, Giám đốc BV ĐDPHCN, cho biết: “Ban lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành họp ê kíp trực để xác định trách nhiệm 2 lần vào ngày 12 và 21/5, cũng như Hội Đồng Khoa Học BV sau khi phân tích chuyên môn đã kết luận: Bệnh nhân Trinh tử vong do sản giật dẫn tới phù phổi cấp và choáng tim. Riêng ê kíp trực đã làm đúng quy trình và hết sức mình trong ca trực.

Có đúng bệnh nhân bị tiền sản giật?

Theo hồ sơ bệnh án của chị Trinh trong thời gian thăm khám định kỳ tại BV Phụ sản Hùng Vương suốt trong 35 tuần mang thai đôi không có gì bất thường, sức khỏe tốt.

Trong lần khám định kỳ ngày 4/5 có  kết quả sau: thai 34,5 tuần, dự báo sanh ngày 11/6/2009, không ghi nhận có triệu chứng phù và Albumine niệu là 1g/l (lý do dẫn đến tiền sản giật như BS Thanh nói).

Khi được hỏi thăm về chứng tiền sản giật, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Sản BV Đại học Y dược TPHCM cho biết, tỷ lệ Albumine như trên ở thai phụ tháng cuối là không cao.

Cũng theo BS Thanh Hà, tiền sản giật dẫn đến tai biến sản giật gây tử vong chỉ xảy ra khi có 2/3 triệu chứng là huyết áp cao (đây là yếu tố bắt buộc phải có), có Albumine niệu cao và phù bất thường. Do đó, để tầm soát tiền sản giật, các sản phụ đều phải đo huyết áp.

BS Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp BV phụ sản Hùng Vương, nơi chị Trinh đăng ký thăm khám thai định kỳ nhận định: “Tiền sản giật chỉ xảy ra khi sản phụ bị huyết áp tăng cao đột ngột dẫn tới làm vỡ mạch máu não, phù phổi cấp rồi dẫn đến tử vong và tiền sản giật không dẫn đến cái chết nhanh. Nếu không bị tăng huyết áp đột ngột thì khó có thể nói sản phụ bị tử vong do tiền sản giật”.

Hiện nguyên nhân gây ra cái chết cho 3 con người cùng lúc chưa được kết luận. Tuy nhiên, qua ý kiến của các BS chuyên ngành sản cho thấy, kết luận của BV ĐDPHCN là chị Trinh tử vong do tiền sản giật cần phải xem lại.

Theo Ngọc Thanh - Nguyễn Tuấn
Dân trí
Chia sẻ