Sán chi chít trong người từ thói quen ăn đồ tái, sống

Như Loan/VTC News,
Chia sẻ

Gần đây người đàn ông bị đau đầu phải nhập viện, kết quả phát hiện nhiễm nhiều loại giun sán.

Người đàn ông 40 tuổi (quê Vĩnh Phúc) có sở thích ăn những món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh. Gần đây, anh đau đầu, chóng mặt, kéo dài, phải vào viện khám, bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm và chiếu chụp. Trên phim chụp, bác sĩ thấy người này nhiễm nhiều loại giun sán, đặc biệt là sán dây, ở cả não và trong cơ.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước đó, bệnh nhân có 3 đợt điều trị sán cơ và sán não. Thói quen ăn uống trên là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể người đàn ông.

Nếu sán cư trú trong não (thường gặp ở 60-96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%).

Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu.

Sán chi chít trong người từ thói quen ăn đồ tái, sống - Ảnh 1.

Trên phim chụp, bác sĩ thấy người đàn ông nhiễm nhiều loại giun sán, đặc biệt là sán dây, ở cả não và trong cơ. (Ảnh: BSCC)

Theo chuyên gia, các con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa giun sán. Những triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng dễ khiến nhiều người chủ quan là các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường nên đến viện chậm trễ.

Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ. Một số trường hợp nguy kịch diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu.

Trước đó, người đàn ông ở Nam Định nhập viện sau khi ăn món tiết canh. Sau khi ăn món này, anh cảm thấy đau mỏi, tiêu chảy kèm sốt cao, toàn thân tím tái, được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện Giao Thuỷ, sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, theo dõi liên cầu lợn (Streptococcus suis), chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy, chuyển cấp cứu lên Hà Nội. Người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim đập trở lại. Tuy nhiên, sau hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, anh tử vong hôm 23/1.

Chuyên gia khuyến cáo, bạn nên duy trì thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm. Vi khuẩn gây bệnh chỉ hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Chia sẻ