Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

Giữa cái lạnh giá của những ngày giáp Tết, cánh đồng làng Đăm, xã Tây Tựu rộn ràng khoe sắc với violet tím, ly hồng, cúc trắng, cúc vàng, thược dược đỏ… Người trồng hoa nô nức thu hoạch hoa đón Tết.

Những ngày này, làng Đăm, xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) nhộn nhịp hơn bởi người nông dân gấp rút chăm sóc, thu hoạch hoa tươi cho vụ Tết.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 1
Giữa cái lạnh giá của những ngày giáp Tết, cánh đồng làng Đăm, xã Tây Tựu rộn ràng khoe sắc với violet tím, thược dược đỏ…

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 2
... cúc vàng.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 3
Người trồng hoa nô nức thu hoạch hoa đón Tết.

Trước đây, làng Đăm, Tây Tựu thường trồng những loại hoa có giá trị kinh tế trung bình như cúc, hồng, thược dược, lay-ơn, violet… nhưng khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, người làng hoa đã trồng thêm cả những vườn ly ly.

Vợ chồng chị Hạnh (27 tuổi), anh Thuận (29 tuổi) mới chuyển sang trồng loại hoa đắt đỏ này khoảng 3 năm. 

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 4
Chị Hạnh chia sẻ, hoa ly là giống cao cấp, mùa nào người dân cũng chuộng và đặc biệt bán được giá vào vụ Tết, nhưng đầu tư ban đầu rất “đậm”.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 5
Mỗi sào hoa ly, vợ chồng chị phải đầu tư từ 70 - 100 triệu đồng cho củ giống, phân bón và màn che nắng cho cây.

Hoa ly được trồng bằng củ, giá rẻ nhất cũng 10.000 – 15.000 đồng/củ, đắt thì khoảng 20.000 – 22.000 đồng/củ, tùy vào màu sắc, chất lượng và xuất xứ giống (giống hoa ly trồng ở làng Đăm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và Hà Lan). Những củ giống mập, khỏe mạnh và năng suất (có thể tạo ra từ 5 – 7 tai hoa/cây, hoa nở đều, to, cánh dày) luôn đắt hơn cả.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 6
Gia đình chị Hạnh trồng 2 sào hoa ly...

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 7
... đã sẵn sàng thu hoạch trong dịp Tết này.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 8
Ruộng ở xa mương nước, mẹ chồng chị Hạnh phải tưới cây bằng cách thủ công.

Anh Thuận cũng cho biết: “Ly là giống hoa hơi “đỏng đảnh”, còn khó chăm hơn cả lay-ơn. Tùy vào giống, hoa ly có thể cho thu hoạch sau 70 ngày hoặc 90 ngày. Giống hoa này có thể sinh trưởng quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu – đông, nên người trồng hoa chủ yếu tập trung trồng vào dịp này để bán Tết. Có những nhà “ăn chơi”, trồng “cuốn chiếu” mỗi tháng một lứa nên lúc nào cũng có hoa bán, nhưng trồng ly vào những mùa khác phải chăm sóc kỹ hơn, phải ủ củ giống trong nhà lạnh cho đến khi nảy mầm, rồi lúc trồng phải che nắng, làm mát cho cây liên tục… trồng phải che nắng, làm mát, mất nhiều công sức lắm, mà lại không được giá bằng vụ Tết”.

Không trường vốn, chị Hạnh, anh Thuận chỉ dám trồng xen kẽ 1 vụ ly, 1 vụ hồng trong năm. Nhiều nhà ở làng Đăm cũng vậy, chỉ tập trung trồng ly bán Tết, thời gian còn lại trồng hoa hồng, đồng tiền hoặc cúc.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 9
Không trường vốn, chị Hạnh, anh Thuận chỉ dám trồng xen kẽ 1 vụ ly, 1 vụ hồng trong năm.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 10
Hoa ly có thể sinh trưởng quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu – đông, nên người trồng hoa chủ yếu tập trung vào vụ này để được giá.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 11
Hoa được bó thành chục cành/bó. Anh chị sẽ tự chở ly ra chợ đầu mối hoa Quảng An hoặc chợ Nhổn để bán.
 

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 12
Vụ Tết năm nay, giá ly bán buôn tại vườn cao hơn năm ngoái, dao động từ 35.000  - 45.000 đồng/cây (khoảng 6 hoa), giá cắt bông hay đánh cả cây cũng
bằng nhau.


 Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 13
Anh chị vui vẻ cho biết, với giá hoa như hiện tại, Tết này gia đình sẽ “ấm”, đủ tiền cho hai em bé (học lớp 3 và lớp 1) học hành.

Theo một nhà vườn khác cũng trồng ly, do không chủ động về củ giống, 100% phải nhập ngoại nên không nhiều nhà ở làng Đăm dám đầu tư trồng ly 3 – 4 vụ/năm. Mỗi củ giống chỉ cho ra một cây và gần như không thể tái sử dụng được. Hồi đầu, có những nhà tiếc của đã cắt bông, để củ lại chăm tiếp cho mùa sau, ly vẫn ra hoa nhưng hoặc còi cọc, hoặc ít tai, bông nhỏ, hoa xấu, nhà vườn không lỗ nặng nhưng cũng coi như công toi cả vụ chăm sóc hoa.

Tay thoăn thoắt tỉa bớt lá và những nụ lộc ở những cây hoa cúc “nuôi giấm”, chị Hoa cho biết, nhà chị trồng 2 sào cúc thì 1 sào đang cho thu hoạch, khoảng 26, 27 tháng Chạp âm lịch là bán hết sạch, còn 1 sào khoảng rằm tháng Giêng cho đến đầu tháng Hai âm lịch là bán được. Chị bảo, riêng hoa cúc bán Tết chị mới để lộc (các nụ con mọc xung quanh hoa chính hoặc mọc ở nách cây), còn lại, phải ngắt bỏ hết nụ con đi để cây khỏa, cánh hoa dài, bông mẩy tròn, màu sắc óng ả.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 14
Chị Hoa cho biết, mỗi bông hoa cúc tại vườn có giá dao động từ 2.500 – 3.000 đồng và càng gần Tết, giá có thể tăng cao hơn một chút.

Chị Tú cũng đang vặt cúc nụ ở vườn bên cạnh góp chuyện: “Hoa cúc làng Đăm, từ cúc pha lê, cúc rạng đông, cúc đại đóa đều đẹp nổi tiếng. Nhà tôi ít vốn nên chỉ trồng cúc thôi, mỗi lứa chỉ cần đầu tư 6 – 8 triệu/sào (360 m2), nếu khéo có thể trồng được 4 vụ/năm”.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 15
Chị Tú đang vặt hết nụ lộc, chỉ giữ lại nụ giữa ở sào hoa bán Rằm tháng Giêng.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 16
Đầu tư hoa cúc không nhiều tiền, nhưng phải bỏ nhiều công chăm sóc, đặc biệt là chú ý thời tiết.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 17
Để cây mọc thẳng, không nghiêng, không bị gió làm rạp, các nhà vườn phải đan các dây cước thành lưới “quây” hoa.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 18
Theo các nhà vườn, cúc trắng bán được giá hơn cúc vàng, khoảng 2.500 - 3.000 đồng/bông tại vườn.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 19
Cả vụ mùa khổ công chăm sóc...

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 20
... ngày thu hoạch hoa là ngày Tết về với những nông dân làng Đăm.

Một số nhà vườn ở làng Đăm trồng hoa đồng tiền cũng mừng vì năm nay hoa được giá hơn trước. Thời điểm bình thường, giá đồng tiền bán buôn khoảng 15.000 đồng/chục thì thời điểm cận Tết, bán theo cụm cây (một cụm khoảng 7 – 10 bông nhiều màu hoặc đồng màu), giá buôn cũng được 20.000 đồng/cụm. Một sào đồng tiền chỉ phải đầu tư từ 25 – 35 triệu, cây đồng tiền lại có thể “tái sử dụng” khoảng 3 năm, hoa cho ra quanh năm mà không cần chăm sóc đặc biệt nên nhà vườn có thể “ăn” đều đều.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 21
Thược dược, violet ở Tây Tựu cũng đang rộ mùa thu hoạch.

Hoa hồng cũng được giá hơn trong những ngày giáp Tết. Theo người dân, giá hoa hồng Tết bán tại vườn, tùy màu hoa, ngắn cũng khoảng 15.000 – 20.000 đồng/chục, dài thì đắt hơn, từ 30.000 – 50.000 đồng/chục, nếu được hoa nhiều lộc, khoảng 5 – 6 lộc to cạnh hoa chính thì sẽ được giá hơn nữa. Ở làng Đăm, người ta  thu hoạch hoa hồng quanh năm. Cây càng già, càng khỏe hoa càng đẹp, nếu nhà vườn chăm sóc tốt, khoảng 5 – 7 năm, có khi cả chục năm mới phải bỏ cây “mẹ” đi để gây giống lại. 

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 22
Khi hồng mới trổ nụ, nhà vườn phải “đội mũ” giấy cho từng bông để ngăn sâu ăn hoa và sương muối. Khi nụ lớn đến độ làm làm rách "mũ" giấy, đó là thời điểm có thể thu hoạch.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 23
Sắp đến ngày thu hoạch, người dân làng Đăm vẫn phải phun thuốc sâu, đảm bảo hoa đẹp, nở đều, không bị sâu ăn ruỗng bên trong.

Nghề trồng hoa, dầu vất vả nhưng cũng mang lại thu nhập tốt cho dân làng Đăm, Tây Tựu, nhiều gia đình có tiền mua xe, xây nhà mới, giàu lên nhờ hoa. Đất làng ngày càng hiếm, một số hộ đã thuê hoặc mua thêm đất ở các xã lân cận như Liên Mạc, Xuân Phương, Minh Khai, Trạm Trôi... để mở rộng diện tích và quy mô vườn hoa.

Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 24
Bên cạnh việc thu hoạch, bán hoa Tết, nhiều gia đình cũng đang tiến hành làm đất, bón phân (làm bằng tro ủ với bã đậu nành lên men), chuẩn bị giống để bắt đầu vụ mùa mới.


Rộn ràng sắc xuân trên làng hoa Tây Tựu 25
Ít ngày nữa, những luống đất này sẽ được phủ kín bằng hoa loa kèn.
Chia sẻ