Rét kỷ lục: Tôm cá chết hàng loạt, người dân khóc ròng vì tuột tay hàng trăm triệu

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Liên tiếp những ngày miền Bắc rét dưới 10 độ, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã bị mất trắng hàng trăm triệu đồng do cá, tôm chết hàng loạt. Có những hộ đang có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần.

Tình trạng này đang diễn ra tại các xã Thụy Hải, Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Xuân… của huyện Thái Thụy (Thái Bình) và các xã Kim Đông, Kim Chung, Kim Hải, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Bất lực nhìn cảnh cá chết nằm phơi bụng

Tối 27/1, chị Nguyễn Ngọc Diệp, đang công tác tại Hà Nội, quê Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình viết những dòng chia sẻ đầy nước mắt trên trang facebook cá nhân của mình, nhằm kêu gọi cộng đồng giúp đỡ mua cá Vược do thời tiết quá lạnh nên chết hàng loạt.

cá chết
Một công dân Thái Bình chia sẻ thông tin kêu gọi ủng hộ ngư dân 

Theo chia sẻ của chị Diệp, nhà chị chỉ là một trong những hộ bị ảnh hưởng tương tự trong mùa giá rét này. Dù chỉ vài ha đầm dự án nuôi cá Vược công nghiệp, gia đình chị sẽ bị mất trắng số vốn khoảng 100 triệu chứ chưa tính lời lãi.

Trao đổi với PV, chị Diệp buồn bã nói: “Tôi cảm thấy như đang bất lực, cái rét đến bất ngờ và kéo dài, cá chết hàng loạt không kịp trở tay để phân loại. Nhà tôi neo người nên không thể kịp xoay sở phân loại mà tiêu thụ, thuê xe thì không có điều kiện, gửi xe khách thì họ không nhận vận chuyển…”.

Cùng với lời tha thiết kêu gọi người dân ủng hộ mua cá giúp các chủ đầm, chị Diệp cho biết, cá Vược khi được đưa tới Hà Nội sẽ có giá 60 nghìn/ kg (giá này chưa bằng ½ so với bình thường).

Cùng hoàn cảnh như của gia đình chị Diệp, một nông dân “đen đủi” khác là hộ của ông Nguyễn Văn Đắc, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1,5 mẫu ao nuôi cá Vược gần 18 tháng, ước tính sản lượng khoảng 6 tấn. 

Theo kế hoạch, gia đình tôi sẽ đánh bắt thu hoạch dần từ nay đến giáp tết, ai ngờ sớm ngày 24//1, mở mắt ra nhìn xuống đầm, thấy cá chết rải rác lập lờ dưới mép nước.

Chưa hết nóng ruột thì ngày 25/1 lại bất lực nhìn cá chết hàng loạt trắng mặt nước. Tính nhẩm trong đầu, năm nay nhà tôi thu hoạch khoảng 600 đến 700 triệu đồng. Giờ thì gia đình có nguy có nợ tiền vốn hàng trăm triệu đồng”.

cá chết
Những dòng chia sẻ đầy nước mắt của người con Thái Bình có người thân bị mất mùa

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay ở huyện Thái Thụy, có tới 140 ha đầm ao nuôi cá của nông dân bị thiệt hại. Hơn 130 tấn cá thịt và gần 60 vạn cá giống của các hộ nuôi bị chết.

Hợp tác xã Đại Đồng, xã Thụy Hải có hơn 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó 60ha chuyên nuôi cá vược, cá song. Chiều tối nay, hầu hết người dân nơi đây đều buồn bã than thở vì cá bị chết hoàn toàn. Chỉ còn lại một số hộ bị chết gần 1 nửa cũng đang đứng ngồi không yên mong ông trời bớt nổi giận.

Còn ở xã Thụy Xuân có hơn 200 hộ nuôi cá vược, cá song với diện tích gần 49ha. Chiều hôm nay số cá này đã bị chết đến 70%. Trong đó có những hộ có sản lượng từ 1,5 tấn cho đến 2 tấn cũng đang có nguy có đổ xuống biển vì cá chết hoàn toàn và chết quá nhiều sẽ không ai mua.

“Gia đình tôi đang vô cùng phấn khởi, hứa hẹn một năm mới sum vầy. Con cái ở các tỉnh xa năm nay cũng đã chuẩn bị một tinh thần rất phấn chấn vì bố mẹ sẽ thu hoạch lớn…Thế nhưng cá chết, không khí đón Tết cũng không còn…”, ông Trần Văn Bình, ở Thái Thụy Thái Bình cay đắng chia sẻ.

Nguy cơ mất trắng

Tình cảnh trên cũng đang diễn ra tương tự ở các xã thuộc vùng biển Bình Minh (Kim Sơn, Ninh Bình).

Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Xuân Thành, ở xã Kim Đông, Kim Sơn, Ninh Bình cho hay, trong hai ngày nay hầu hết bà con các xã thuộc vùng ven biển, chuyên nuôi trồng thủy sản đang đứng ngồi không yên.

“Đến giờ này thì kỹ sư nào cũng bó tay, mưa nhiều thì nguồn nước bị loãng. Cùng với thời tiết rét đậm, không thể có phương án nào cứu được tôm cua chết cóng. Lúc này chỉ mong thiên nhiên bớt nổi giận…”, ông Thành chua xót chia sẻ.

cá chết
Nhiều hộ dân ở vùng biển Bình Minh (Kim Sơn - Ninh Bình) có nguy cơ mất trắng vụ thu do mưa rét

Cũng theo ông Thành, toàn bộ khu vực đê biển Bình Minh 2 gồm các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải có khoảng hơn 1000 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản (hình thức bán công nghiệp). Hộ nào ít nhất cũng có 1 ha, đây là giai đoạn các hộ đang chuẩn bị thu hoạch cua và tôm. 

“Nếu thiên nhiên ưu đãi thì năm nay mỗi hộ thu hoạch tiền trăm (triệu) nhưng với đà này thì mất trắng, ai may thì kịp thu hồi vốn do từ 2 tuần trước đã có một vài hộ kịp thu rải rác từng kg…”, ông Thành chia sẻ.

Chia sẻ