Rắc rối vì công sở thành nhà riêng

,
Chia sẻ

Ở công sở, nhưng sếp vẫn nghe những quy định kỳ quặc do vợ đặt ra, thậm chí có vị sếp trẻ mỗi ngày có mẹ chạy lẽo đẽo đằng sau giục ăn sáng.

Mẹ sếp thành "bà tám"

Buổi sáng, vừa đến văn phòng, Linh (nhân viên kế toán của một công ty phân phối điện thoại di động) đã thấy mẹ sếp, một tay cầm túi xách, một tay cầm chiếc máy mỳ kẹp thịt chạy theo con trai đang đi nhanh phía trước. Vừa lật đật chạy, mẹ sếp vừa nài nỉ: “Ăn đi đã con, phải ăn vào mới có sức thuyết phục người ta chứ”. Sếp của Linh quay lại nhăn mặt với mẹ: “Con không ăn đâu”, nhưng bà vẫn kiên trì đi theo dúi cho được chiếc bánh mỳ vào tay cậu con trai.
 

“Thỉnh thoảng lại như thế đấy, một người lớn tuổi, một người là doanh nhân trẻ, mà sáng ra cứ nheo nhéo như đang ở nhà riêng. Nhân viên thì thấy buồn cười, có hôm khách hàng đến sớm chứng kiến cảnh đó mà họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra”- Linh cho biết.

Không tin tưởng người ngoài nên sếp của Linh đưa mẹ đến văn phòng làm thủ quỹ. Vốn là người bỗ bã, mẹ sếp bỗng nhiên trở thành “trung tâm thông tin” của cả văn phòng.

Ai mới chia tay người yêu, cô nào sáng nay sưng mắt vì đêm qua khóc nhiều, anh kia mặc cái áo mấy ngày chưa giặt cho đến việc cô này cặp bồ bị đánh ghen… đều đến tai của “tổng quản ma ma” và ngay lập tức được lan truyền khắp ngõ ngách của văn phòng.

Có hôm, mẹ sếp gặp người yêu đến đón Linh ở cửa, chẳng ý tứ gì, bà cứ “bô bô” chuyện mấy anh ở công ty thường tán tỉnh, trêu chọc Linh. Hậu quả là anh người yêu Linh bực tức vì không biết ở văn phòng cô làm gì mà để cho người lớn phải “quan tâm nhắc nhở” như vậy.

Nhưng có lần, bà vô tình đến mức khiến nhân viên chỉ ước có lỗ để chui xuống. Một cậu nhân viên đang giới thiệu khách hàng nữ mẫu điện thoại mới, thế là bà mẹ sếp chạy ra mang theo tấm danh thiếp rồi oang oang: “Mày bị trĩ nặng như thế thì gọi điện đến ông này, ông ấy chữa nhanh khỏi lắm”.

Vì là mẹ sếp nên nhân viên chẳng ai dám phàn nàn gì, chỉ có một vài người không chịu môi trường làm việc như thế nên trước khi nghỉ đã “ý kiến” cho sếp biết mà góp ý với mẹ mình. Thế nhưng bản tính con người khó mà thay đổi, và cái chức thủ quỹ thì sếp trẻ chỉ tin mỗi mình mẹ, cho nên đến tận bây giờ, bà “tổng quản ma ma” vẫn tiếp tục tại vị.

Phòng họp cũng như phòng ngủ

Trong khi đó, ở công ty Hằng, nhân viên than trời vì sự “lũng loạn” của vợ sếp, đồng thời cũng giữ chức giám đốc marketing trong công ty phần mềm. Chỉ được cái xinh đẹp, còn tài năng thì có hạn, nhưng Thanh (vợ sếp của Hằng) lại thích tự lên kế hoạch và triển khai công việc rất tùy hứng.
 

Mỗi tháng, vợ sếp đề xuất khoảng 3 kế hoạch kinh doanh, nếu có bị nhân viên phản đối thì cô cũng không vì thế mà nhụt chí với phương châm: “Cứ làm đi, nếu có đỗ vỡ thì mình nghĩ cách khác”. Kiểu làm việc này đã khiến nhân viên xoay như chong chóng với chính sách, kế hoạch mới, và khi thất bại thì mọi tội lỗi được đổ lên đầu họ. Cho nên nhân viên không chịu nổi, cảnh người nghỉ việc, người làm mới ra vào liên tục như cái chợ.

Ở công ty của Hằng, em gái sếp còn giữ chân trưởng phòng kế toán, chồng của cô này là trưởng bộ phận quản trị mạng. Thỉnh thoảng có họp các trưởng ban, nhân viên vẫn thường trêu nhau là họp gia đình, bởi 2/3 số người tham dự đã ở chung nhà.

Linh kể: “Thời đại này, mà bà ta đề ra cái luật là đi làm phải quần vải, áo sơ mi, không được mặc quần jeans áo phông, áo không có cổ, không đi dép xỏ ngón, con trai không để tóc dài lòa xòa, con gái mặc váy phải ngang gối trở xuống…. Ông sếp nghe vợ dụ dỗ cũng đồng ý ra nội quy như thế, ai vi phạm phạt 50.000 đồng/lần. Mà nói thật, công ty có phải hoành tráng gì đâu, cũng thường thường bậc trung, nhân viên dáng dấp thì lôm côm, mặc đúng quy chuẩn được một tuần thấy tệ quá nên bà ta bảo cho trở lại bình thường. Chỉ khổ, đám nhân viên vừa mất một đống tiền để lo trang phục mới”.

Đó là chưa kể, đôi lúc các cặp vợ chồng này còn âu yếm một cách tự nhiên khiến “dân tình” chỉ biết quay mặt đi. “Có lần trong giờ làm việc, mình cần gặp giám đốc, giõ cửa phòng mãi chẳng nghe được gì, mình bèn đẩy cửa vào thì chứng kiến cảnh không nên thấy. Vừa sượng mà vừa bực, công sở chứ có phải nhà đâu mà họ cứ xem phòng giám đốc như phòng ngủ ấy”- Linh vẫn chưa thỏa cơn bức xúc về môi trường làm việc gia đình ở công ty mình.

Thế nhưng, cô tiếp tục: “Đau nhất là vụ thưởng Tết năm ngoái, ông sếp công bố trong cuộc họp là sẽ có 1-3 tháng lương tùy vào vị trí. Nhưng đến kề ngày giáp Tết, mình nghe bà vợ bảo: “Thưởng ít thôi”. Thế là ông sếp của mình cũng gật gù đồng ý, tội cho nhân viên đang hí hửng được nhiều tiền, rốt cuộc chỉ còn lại có 1/3 so với hứa hẹn”.

TheoThủy Nguyên
Zing
Chia sẻ