Quan điểm đang khiến MXH dậy sóng: Thật vớ vẩn khi phụ nữ tự coi mình là đầy tớ mà đòi người ta đối xử như nữ hoàng

Min,
Chia sẻ

Một người phụ nữ luôn coi việc được đàn ông thương yêu, trân trọng là một niềm may mắn lớn lao, là một phép màu, thậm chí là ân huệ; thì tất nhiên mọi thứ người đàn ông của cô ấy làm đều sẽ chỉ như 1 sự ban ơn của kẻ bề trên: đầy trịch thượng và gia trưởng!

"Lấy chồng như đánh một canh bạc" - câu nói mà cộng đồng chị em hay bảo ban nhau trong những chủ đề xoay quanh tình yêu hôn nhân được đăng tải mỗi ngày trên mạng xã hội. Ấy vậy mà, có lẽ chị em không nhận ra, câu nói mang đầy tính hên xui may rủi đó vô tình đã đưa chị em vào thế bị động khi giao phó số phận, cuộc đời mình vào tay của người chồng.

Bằng cách nào đó, chị em đã tự mặc định trong đầu mình, sự sướng khổ của bản thân trong tương lai không phải do mình có thể định đoạt mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự "hào phóng" ban tặng ân huệ, ban tặng tình yêu của người đàn ông mình sẽ cưới làm chồng. Các chị tự bán rẻ giá trị của mình và đánh đồng tất cả phụ nữ đều như nhau, để rồi khi có một cặp vợ chồng hạnh phúc với cuộc hôn nhân của họ - thứ mà các chị không có được thì các chị lại bắt đầu than thở bài ca hên xui may rủi, đoán già đoán non bằng chính cái tư tưởng bé mọn ấy.

Và đó cũng chính là nội dung của một đoạn tâm thư dài dưới đây khi đề cập thẳng tới lối suy nghĩ bị động, lệ thuộc của đại đa số phụ nữ trong thời buổi hiện nay. Đoạn tâm thư này được một người dùng mạng đăng tải trong một hội nhóm chị em với nội dung như sau:

"Lúc nãy rỗi hơi ngồi lướt Facebook, vô tình đọc được 1 bài báo giật cái title nguyên văn là: "Được chồng Tây chiều như bà hoàng, vợ Việt cho rằng đó là điều mình xứng đáng được hưởng". Ôi cha mẹ ơi, phải có 1001 chị em nhảy vào comment với giọng điệu không thể hằn học hơn, kiểu như: "Đáng cái gì mà đáng, chẳng qua là ăn may thôi", "đúng là đàn bà, ăn nhau ở cái số hên xui; "rồi để xem hạnh phúc được bao lâu mà tinh tướng", "đến lúc nó bỏ cho thì mới biết thế nào là xứng đáng", vân vân và mây mây. 

Xuất hiện từ năm ngoái, bài viết này vẫn khiến chị em dậy sóng: Tự coi mình là đày tớ mà vẫn muốn người ta đối xử như nữ hoàng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa) 

Đùa chứ, đọc được những comment đấy, tôi vừa thấy ngứa mắt, vừa thấy buồn cười. Không hiểu là vì các chị chán ghét cuộc đời quá nên hễ thấy ai sung sướng, viên mãn là phải lồng lộn lên phẫn nộ; hay là tại vì các chị sống quen với một cái xã hội luôn cho rằng sinh ra làm đàn bà đương nhiên là khổ, định mệnh của đàn bà là phải: vất vả, hy sinh, nhẫn nhịn, cam chịu, nên khi thấy một người phụ nữ khác "cả gan" khẳng định rằng cô ta xứng đáng được hạnh phúc thì các chị bức xúc, không chấp nhận nổi? 

Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi mà tư tưởng phong kiến lỗi thời vẫn còn ảnh hưởng trầm trọng trong đời sống xã hội; ở nơi này, đàn bà vẫn ấu trĩ tin rằng: sướng khổ cuộc đời mình là do một người đàn ông khác định đoạt và hạnh phúc của họ hoàn toàn là phụ thuộc vào sự may rủi. Phụ nữ Việt Nam hiện đại đã được cha mẹ khuyến khích học hành, kiếm tiền, làm chủ kinh tế. 

Xuất hiện từ năm ngoái, bài viết này vẫn khiến chị em dậy sóng: Tự coi mình là đày tớ mà vẫn muốn người ta đối xử như nữ hoàng - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa) 

Tuy nhiên, ít cha mẹ nào dạy con gái họ hãy biết trân trọng chính bản thân mình. Họ dạy con PHẢI quá nhiều: phải biết tề gia nội trợ, phải biết nấu nướng, phải biết khâu vá, phải biết chăm sóc trẻ em và người già, phải biết cư xử thanh tao, vân vân và mây mây. Để làm gì? Để sau này không bị ế chồng, không bị mẹ chồng chửi cho là bố mẹ đẻ không biết dạy con.

Nhưng mấy ai biết dạy con mình rằng nó xứng đáng ĐƯỢC những gì? Họ vô tình tước bỏ mọi giá trị của con gái mình. Hóa ra một cô gái luôn phải cố hoàn thiện bản thân chỉ để làm hài lòng một người đàn ông xa lạ và gia đình của anh ta sao? 

Xuất hiện từ năm ngoái, bài viết này vẫn khiến chị em dậy sóng: Tự coi mình là đày tớ mà vẫn muốn người ta đối xử như nữ hoàng - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa) 

Cuối tuần vừa rồi, tôi đi du lịch với vợ chồng một chị bạn. Chị cưới chồng năm 40 tuổi, vì có bệnh nên phải cắt bỏ buồng trứng từ lâu, anh chị không có con, chỉ nuôi hai chú chó. Anh chiều chị ngọt ngào đến mức khiến một đứa hai mấy tuổi đầu như tôi phải thầm ghen tị. Anh thậm chí có thể tự đi shopping một mình và mua về cho chị cơ man nào là quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm với size vừa khít và kiểu dáng thì khỏi chê, chị em tôi chỉ việc ngồi một chỗ cafe tán phét.

Chị nói với tôi rằng: phụ nữ châu Á chúng mày khổ cũng một phần bởi chúng mày tự hành hạ bản thân. Một người phụ nữ luôn tự tin, luôn biết xác định giá trị của mình, biết mình xứng đáng được yêu thương, chăm sóc thì người đàn ông khi đến với cô ấy sẽ chiều chuộng, nâng niu cô ấy như 1 điều hiển nhiên. Ngược lại, một người phụ nữ luôn coi việc được đàn ông thương yêu, trân trọng là một niềm may mắn lớn lao, là một phép màu, thậm chí là ân huệ; thì tất nhiên mọi thứ người đàn ông của cô ấy làm đều sẽ chỉ như 1 sự ban ơn của kẻ bề trên: đầy trịch thượng và gia trưởng!

Xuất hiện từ năm ngoái, bài viết này vẫn khiến chị em dậy sóng: Tự coi mình là đày tớ mà vẫn muốn người ta đối xử như nữ hoàng - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa) 

Chẳng hiểu vì sao trên Trái Đất này vào năm 2017, vẫn có những nơi xem việc đàn bà được đàn ông yêu chiều là điều kỳ quặc, vô lý, hiếm lạ. Và hoặc là bỉ bôi cho rằng đó là sự may mắn diệu kì; hoặc là ngờ vực đó chỉ là vài tháng ngày ngắn ngủi. Từ bao giờ mà những điều tưởng chừng như hết sức bình thường lại trở nên bất thường đến vậy. Oái oăm thay! Nói cho cùng, nếu đến chính bạn còn tự hạ thấp bản thân mình thì đừng hy vọng có một thằng cha bỏ mẹ nào đó trân trọng bạn. Bạn luôn tự coi mình là đầy tớ mà lại mơ ước người ta đối xử với bạn như nữ hoàng ư? Vớ vẩn!".

Đoạn tâm thư với đầy ý nghĩa và đánh đúng vào tâm lý của chị em bên trên, ngay sau khi được đăng đàn ít lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng "500 chị em" trong hội nhóm đăng tải. Tất nhiên, vì bài viết chứa nhiều quan điểm và góc nhìn cá nhân nên không tránh khỏi dưới phần bình luận cũng xảy ra không ít tranh cãi.

Xuất hiện từ năm ngoái, bài viết này vẫn khiến chị em dậy sóng: Tự coi mình là đày tớ mà vẫn muốn người ta đối xử như nữ hoàng - Ảnh 6.

Nhưng bất ngờ là cũng có nhiều chị em nhận ra, bài viết ấy có đề cập tới con số 2017, tức là từ năm ngoái và cũng không ít người đã xác nhận, bài viết này vốn đã từng làm mưa làm gió mạng xã hội vào thời điểm giữa mùa hè năm trước, nó được viết bởi nữ nhà văn trẻ, kiêm Facebooker nổi tiếng có tên Kim Oanh.

Thôi thì thực hư đã phơi bày, nhưng suy cho cùng dù của ai, được đăng tải vào giai đoạn nào đi chăng nữa thì những giá trị mà nó mang lại vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Chắc chắn, đọc xong chị em sẽ tự nhủ lại bản thân và suy nghĩ của mình về cái chuyện xem việc cưới chồng như đánh một canh bạc, đồng thời nhìn nhận lại đúng giá trị của bản thân, đúng không nào?

Chia sẻ