Phụ nữ là nhất!

Theo Gia Đình Việt Nam,
Chia sẻ

Xung đột giữa hai phe trong gia đình bùng nổ sau một trận cãi vã. Nhưng cũng nhờ chuyện này mà tôi và bố mới thấm thía tầm quan trọng của những người đàn bà khi chỉ một thời gian không có bóng dáng họ trong nhà.

Mẹ chồng rủ con dâu đi… bụi

Nghe các chiến hữu chia sẻ kinh nghiệm khi phải đứng giữa chèo chống phân xử trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khiến tôi không khỏi băn khoăn. Cưới vợ, tôi chỉ nơm nớp lo sợ đến một ngày nào đó sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh muôn đời không thể tránh khỏi. Lúc ấy tôi không biết mình sẽ phải làm thế nào, đứng về phía ai trong số hai người phụ nữ mà mình thương yêu ấy. 

Nhưng rồi những lo lắng của tôi chỉ là hão huyền. Thúy - vợ tôi - nhanh chóng thân thiết với mẹ tôi sau ngày cô ấy về làm dâu. Hai người họ như tìm thấy nhiều điểm chung, nhiều sở thích giống nhau. Thúy rất khéo léo trong cách ăn nói và biết chiều theo ý của mẹ tôi. Trong bữa ăn, hai mẹ con trò chuyện không ngớt về những nhân vật phim Hàn Quốc, những chuyện “dưa lê” của hàng xóm láng giềng. 

Đến tối, Thúy còn ngồi dưới phòng khách tiếp tục cùng xem phim với mẹ đến muộn mới lên phòng. Cuối tuần, cô ấy chở mẹ tôi đi lượn phố mua sắm. Mẹ tôi cũng rất hài lòng về Thúy, thường nấu những món cô ấy thích hoặc mua thuốc bắc về sắc cho con dâu tẩm bổ.

Có lẽ sự hòa hợp giữa mẹ chồng - nàng dâu này một phần là do mẹ tôi đã tìm thấy Thúy như một người bạn tâm giao. Trong nhà thì tôi luôn bận bịu với công việc cơ quan, không có thời gian dành cho mẹ nhiều. Bố và mẹ tôi thì luôn khắc khẩu và cũng không hợp nhau nhiều thứ. Hàng ngày bố tôi đều đến nhà bạn chơi cờ hoặc tham gia câu lạc bộ hưu trí làm thơ, đánh cầu lông. Bố tôi đi thì thôi, về nhà là hai ông bà hục hặc nhau từ chuyện nọ đến chuyện kia.

Yên tâm rằng sẽ không có sóng gió gì giữa mẹ chồng và nàng dâu, nhất là khi Thúy có bầu nên tôi dồn sức phấn đấu và đầu tư cho công việc. Dự án tôi nhận càng nhiều, đi làm từ sáng tới tối mịt, có khi phải đem việc về nhà làm, hoặc đi tiệc tiếp đối tác đến tận khuya. Cuối tuần nhiều lúc tôi cũng phải lên công ty để hoàn thành dự án cho kịp. Quỹ thời gian dành cho gia đình của tôi hầu như không có. 

Tôi thấy Thúy có vẻ buồn và bắt đầu phàn nàn về sự bận rộn của tôi. Cô ấy muốn tôi dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, cần người lắng nghe những tâm sự, chia sẻ những khó khăn mỗi ngày. Nhưng công việc đã vào guồng quay thì tôi không thể dừng lại. 

Thúy nói nhiều mà tôi không thay đổi nên cô ấy tỏ thái độ giận dỗi. Cả ngày đi làm mệt mỏi, tôi chẳng còn hơi sức nào mà dỗ dành. Có lẽ vì tâm trạng trong giai đoạn bầu bí càng nhạy cảm nên Thúy rơi vào stress nặng. Cô ấy không nói với tôi một lời nào trong suốt cả một tuần liền, nhìn thấy tôi mà như nhìn thấy người vô hình. Nhiều đêm tôi thấy cô ấy nằm khóc nức nở. Tôi biết nhưng đành ngó lơ.

Trong bữa ăn, tôi bị mẹ nhắc nhở chuyện không quan tâm để ý đến vợ con. Tôi phát khùng lên: “Con kiếm tiền về nhà cho cả nhà này chứ có phải cho riêng con đâu. Giờ bận trăm công nghìn việc còn điên đầu chưa giải quyết hết. Có mẹ chia sẻ với vợ con là được rồi. Trời đánh tránh miếng ăn mà mẹ cứ thế”.

Mẹ tôi cáu tiết nói: “Ở cái nhà này, đàn bà chỉ như osin không công thôi. Được cả bố lẫn con đi mất mặt từ sáng đến đêm, không bao giờ biết chuyện nhà thế nào bao giờ”. “Này, bà nói lại đi nhé. Đàn ông còn làm nên công to việc lớn chứ đàn bà thì làm được việc gì to tát”, bố tôi nóng mắt nói. “Không to tát mà xã hội người ta cũng phải vinh danh người phụ nữ đấy. Không chỉ có ngày Quốc tế phụ nữ mà còn có Ngày Phụ nữ Việt Nam nữa. Thử hỏi có ngày đàn ông nào không?”, mẹ tôi vặc lại. “Vớ vẩn, vớ vẩn hết sức. Đàn bà chỉ xếp hạng 2 thôi. Ba cái việc vặt trong nhà còn không xong mà đòi vinh danh nỗi gì”, bố tôi nói.

Phụ nữ là nhất! 1

Mẹ chồng rủ con dâu đi… bụi (Ảnh minh họa)

Nghe đến đây, mẹ tôi hét lên: “Ba cái việc vặt thì từ nay bố con ông làm đi, mẹ con tôi không làm nữa”. Bố tôi đứng phắt dậy, kéo áo tôi: “Đi, giờ ra nhà hàng thiếu gì đồ ăn, còn ngon gấp vạn lần ở nhà ấy”. Bố tôi lôi tôi ra ngoài, bắt taxi đến quán bia gần nhà.

Sau khi tôi và bố đã ních cả chục vại bia, liền kéo nhau về nhà. Nhà cửa tối om, bát đũa ăn xong cũng còn dang dở. Tôi lảo đảo lên phòng, thấy tủ quần áo mở toang, bới lung tung lộn xộn. Ngăn quần áo của vợ tôi trống trơn, chỉ còn sót lại vài bộ quần áo cũ.

Tôi lao sang phòng bố mẹ, thấy cũng bừa bộn không kém. Chưa kịp để tôi nói gì, bố tôi đã bảo: “Mẹ mày lôi quần áo ra đem đi đâu rồi đây”. Tôi lắp bắp nói: “Quần áo của vợ con cũng thế”. Tôi và bố nhìn nhau chỉ vài giây, rồi chợt hiểu ra vấn đề: Thúy và mẹ tôi đã bỏ đi.

Tôi vội vã gọi điện nhưng Thúy đã tắt máy. Tôi gọi sang nhà vợ nhưng mẹ vợ tôi nói không thấy Thúy về và hỏi tôi có chuyện gì. Tôi vội lấp liếm rằng chắc vợ tôi đi siêu thị nhưng quên không đem theo điện thoại. Tôi thẫn thờ hỏi bố: “Làm thế nào bây giờ hả bố”. 

Trái với thái độ lo lắng của tôi, bố tôi bảo: “Trò này mẹ mày vẽ ra chứ không còn ai vào đây. Già rồi còn lắm chuyện. Thích ra ngoài ở thì cho ra ngoài luôn”. Lát sau, ông nói tiếp: “Hai mẹ con bà ấy kéo nhau đi kiểu gì chẳng đỡ đần nhau được, không phải lo. Cứ cho ra ngoài nếm trải một thời gian đi cho biết. Mày chớ có đi tìm đấy, không được là kẻ phản bội hiểu chưa”.

Nếm trải những ngày vắng đàn bà

Mặc dù bố đã dặn nhưng tôi vẫn chạy đôn đáo nhờ người quen tìm xem tung tích của hai người ở đâu. Trong khi đó, tôi và bố phải sống những ngày không có phụ nữ. Nhà cửa bừa bộn không ai dọn dẹp. Bố tôi đành gác lại mấy vụ chơi cờ, làm thơ để ở nhà dọn rửa. 

Tối nào tôi về, bố tôi cũng than mỏi lưng, chùn gối. Tôi và bố cũng phân công một người cho quần áo vào máy giặt, người kia sẽ rút và gấp quần áo. Tôi không biết cách dùng máy giặt, lại còn đổ bột giặt vào cùng ngăn nước xả vải. Còn bố tôi thì mải đi đánh cờ nên không kịp rút quần áo lúc trời mưa. Quần áo mấy ngày mới dồn lại giặt còn bị ngấm mưa. Báo hại hôm sau tôi không có quần áo mặc đi làm, phải mượn tạm bộ complet cũ của bố tôi trông rộng thùng thình lại già khú.

Phụ nữ là nhất! 2
Cũng nhờ chuyện này mà tôi và bố mới thấm thía tầm quan trọng của những người đàn bà khi chỉ một thời gian không có bóng dáng họ trong nhà. (Ảnh minh họa)

Bình thường chuyện nấu nướng đều do mẹ và vợ tôi lo hết. Nay bố con tôi có vào bếp cũng chẳng biết nấu thế nào. Bố tôi bảo: “Không có cơm thì ăn cơm hàng, lo gì”. Gia đình tôi có thói quen ăn cơm sớm nhưng giờ sáng hầu như không có hàng cơm nào bán, chủ yếu là bún cháo phở. Hai bố con không còn chọn lựa nào khác đành ăn những thứ này nhưng tôi thấy không đủ no, đến tầm 10h sáng là bụng đã lại réo sùng sục. 

May là đến bữa tối, tôi và bố được hưởng thụ những tháng ngày “đời sống cao” ở nhà hàng, đủ thứ sơn hào hải vị. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bố tôi vẫn nhỡ miệng nhận xét: “Bọn này không biết nấu đúng kiểu nhỉ, phải cho cả riềng như mẹ mày vẫn nấu chứ”, “Mẹ mày nấu món này đậm đà chứ không nhạt thếch thế này”… Chi phí ăn uống ở nhà hàng không phải là ít nên sau chuỗi ngày “thả cửa”, bố tôi bảo: “Giờ ít tiền thì mình ăn cơm bụi”. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp nhưng đến ngày thứ ba, bố tôi ăn phải thức ăn ở hàng cơm bụi đã bị thiu nên bị tiêu chảy và phải nhập viện.

Khi tôi còn đang lo cuống cuồng sức khỏe của bố thì vợ tôi đã đem cháo đến viện. Thì ra, mẹ tôi đã cùng vợ tôi đến thuê nhà một bà bạn của mẹ tôi. Tuy nhiên, hai người vẫn dõi theo từng động tĩnh của bố con tôi. “Mẹ vẫn giận nên không vào thăm bố, chỉ nấu cháo bảo em đem vào thôi”, vợ tôi nói. 

Tiễn vợ tôi ra sân bệnh viện, tôi bảo: “Em tha lỗi cho anh. Anh sẽ sửa chữa sai lầm. Để anh với bố đến đón mẹ với em về, chứ không có hai người bố con anh sống khốn khổ lắm”. “Em không biết đâu. Anh với bố làm thế nào mà thuyết phục mẹ chứ mẹ vẫn giận lắm”, vợ tôi đáp.

Mẹ tôi vẫn đều đặn gửi cháo đến cho tới lúc bố tôi khỏi hẳn. Tôi mua một bó hoa thật to, rồi chở bố đến nhà thuê. Tôi giúi bó hoa vào tay bố, đẩy ông tiến lại phía mẹ. “Bà về nhà với bố con tôi đi. Hoa này tặng cho bà đấy”, bố tôi ngượng nghịu nói. 

Mẹ tôi vênh mặt đáp: “Ngày gì mà tặng hoa thế này?”. “Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10”. “Ô, thế không phải là ngày vớ vẩn à”. “Không, không hề vớ vẩn”. “Thế phụ nữ chúng tôi có phải là hạng 2 không”. “Không, phụ nữ là nhất!”. Cả bốn người trong gia đình tôi cười vang, báo hiệu ngày sum họp đã trở lại.


Chia sẻ