Phụ nữ chúng tôi cứ phải thành đạt trong sự nghiệp mới có thể tìm thấy hạnh phúc sao? Ai bảo thế?

Phạm Hường,
Chia sẻ

Ai cũng cho rằng, phụ nữ ra ngoài đi làm và gặt hái thành công trong sự nghiệp sẽ hạnh phúc hơn phụ nữ ở nhà làm nội trợ. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều phụ nữ ở nhà làm nội trợ luôn cảm thấy hạnh phúc trong khi phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp thì không...

Gần đây, có rất nhiều bài báo khuyên phụ nữ nên độc lập về kinh tế, nên có một sự nghiệp thật vẻ vang thay vì cứ lùi lũi ở nhà làm nội trợ. Vì thành đạt trong công việc mới có thể khiến phụ nữ hạnh phúc. Dường như bây giờ căn bếp không còn giữ vị trí quan trọng số 1 trong cuộc sống gia đình, không còn là nơi sưởi ấm cho căn nhà, không còn là nơi cả nhà quây quần sau một ngày xa cách bên mâm cơm ấm sực.

Phải chăng người làm nội trợ đang bị coi khinh? Khi mà, rất nhiều chị em đang coi căn bếp như "địa ngục trần gian", các chị luôn động viên nhau hãy thoát thật nhanh ra khỏi căn bếp tù túng, phải ra ngoài đi làm và kiếm thật nhiều tiền để không bị "lép vế" so với chồng, để không bị gia đình chồng và xã hội coi thường.

Phụ nữ chúng tôi cứ phải thành đạt trong sự nghiệp mới có thể tìm thấy hạnh phúc sao? Ai bảo thế? - Ảnh 1.

"Làm nội trợ, tức là hàng ngày bạn phải "đầu tắt mặt tối" với hàng trăm thứ việc không tên và không lương mà vẫn thường xuyên nhận được vô vàn ánh mắt kì thị: "Vô công rồi nghề", "Ở nhà suốt ngày chứ có làm gì đâu?", "Thất nghiệp nên ở nhà làm con rùa lùi lũi trong xó bếp", "Ăn bám chồng",... Đó là chưa kể khi gia đình "cơm không lành, canh không ngọt", chồng ngoại tình nhưng vì phụ thuộc về kinh tế mà vợ vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Nếu buộc phải li dị, phụ nữ sẽ dễ mất quyền nuôi con vì không có khả năng về mặt tài chính. Phụ nữ không đi làm kiếm tiền thiệt thòi trăm đường" - chị Thu Ngọc (27 tuổi, TP.HCM) tâm sự.

Tuy nhiên, có một luồng ý kiến trái chiều khác cho rằng: Phụ nữ ở nhà làm tốt công việc nội trợ vẫn dễ dàng tìm thấy hạnh phúc trong khi phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp thì không. Nhiều phụ nữ thành đạt đã dành gần hết quỹ thời gian của mình cho công việc nên thường xuyên bỏ bê việc nhà, con cái thì bỏ mặc cho ông bà nội ngoại hoặc người giúp việc coi sóc, nấu nướng cũng chẳng thiết tha. Phụ nữ thành đạt hễ mở miệng ra là nhắc tới công việc, tiền bạc, chuyện thăng tiến. Những lúc bị "núi việc" đè, họ còn đem cả công việc lẫn stress về nhà, biến phòng ngủ trở thành phòng làm việc, biến chồng con thành sọt rác để họ xả stress hoặc nếu không xả stress thì cũng không quan tâm chu đáo tới chồng con.

Phụ nữ chúng tôi cứ phải thành đạt trong sự nghiệp mới có thể tìm thấy hạnh phúc sao? Ai bảo thế? - Ảnh 2.

"Tôi là phó phòng một công ty chế biến nông sản, còn chồng tôi là nhân viên văn phòng của công ty Luật. Tôi kiếm được nhiều tiền hơn chồng và bận rộn hơn chồng. Ở nhà, chuyện nhà cửa, cơm nước, con cái, tôi đành phó mặc cho chồng lo liệu. Một lần, cả hai con tôi đều bị sốt. Cả ngày đánh vật với con và căn bếp bừa bộn, thấy tôi đi làm về trễ, trong một phút bức xúc, chồng tôi đã hét lên: "Bố con tôi không cần tiền. Con tôi cần được mẹ chăm sóc lúc ốm đau. Cô ở đâu trong lúc chúng nó gào khóc gọi mẹ? Nếu bận kiếm tiền thế này thì cô đừng đẻ con nữa. Tôi chỉ có thể làm bố, không thể cùng một lúc vừa làm bố, vừa làm mẹ. Cô hiểu không?". Tôi giật mình nhận ra, đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa ngồi cùng một mâm cơm, cùng ăn với nhau một bữa cơm ấm cúng. Chồng tôi thường cho các con ăn trước, sau đó anh sẽ múc một tô cơm rồi tranh thủ ăn vội ăn vàng vì sau đó anh phải cho các con học. Tôi ít khi ăn cơm ở nhà, vì khi tôi trở về nhà thì đồng hồ đã điểm 9, 10 giờ tối" - chị Khánh Nga (35 tuổi) chia sẻ.

Phụ nữ làm nội trợ thực tế luôn có hạnh phúc riêng của họ: Hạnh phúc khi được tự tay chăm sóc từng góc nhỏ trong ngôi nhà của mình, hạnh phúc vì được chuẩn bị một bữa ăn tươm tất cho cả gia đình. Có người thích xông pha ra ngoài thể hiện mình, thì cũng có người thích ở nhà vun vén cho nhà cửa tinh tươm, cho cơm dẻo canh ngọt. Phụ nữ, có người thích làm giám đốc, có người chỉ mê nấu nướng và dọn dẹp.

Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm: "Ở nhà" và "ở không". Bạn ở nhà nhưng không có nghĩa là bạn ở không - tức bạn không làm gì cả. Bạn dọn dẹp nhà cửa, cơm nước và chăm sóc con. Một đống việc mà nếu ra ngoài có ai trả bạn 20 triệu để bạn làm công việc y chang cho nhà họ, chưa chắc bạn đã làm. Nội trợ là công việc bạn chỉ có thể làm tốt với tất cả yêu thương bạn dành cho chồng và các con của mình. Bạn sợ chồng bạn ngoại tình và bạn không dám li dị vì đã lỡ phụ thuộc kinh tế vào chồng? Bạn nhầm đấy! Bạn có biết, ở nhiều gia đình, họ trả lương cho người giúp việc cao như thế nào không? Bạn đừng vội nghĩ, chỉ có phụ nữ dở mới chấp nhận ở nhà làm nội trợ. Bà nội trợ nào cũng có giá trị riêng của mình. Không tin, bạn thử đi khỏi nhà vài ngày mà xem. Nhà cửa sẽ xáo xào lên khi không có bàn tay sắp xếp, vun vén của bạn.

Phụ nữ chúng tôi cứ phải thành đạt trong sự nghiệp mới có thể tìm thấy hạnh phúc sao? Ai bảo thế? - Ảnh 3.

"Bạn bè nhiều người nói tôi khờ, vì đã chấp nhận nghỉ làm ở nhà chăm con mà không tìm hiểu xem lương chồng được bao nhiêu một tháng. Vì có tháng chồng đưa tôi 10 triệu để đi chợ, có tháng chồng chỉ đưa 5 triệu. Kiểu gì tôi vẫn thấy đủ, không thấy thiếu thốn gì. Vì chồng tôi còn phải lo trả góp cho căn chung cư hai vợ chồng vừa mua. Anh nói "Nhà cửa, xe cộ em cứ để anh lo. Em cứ lo chăm con với cơm nước là được". Được cái chồng tôi rất dễ tính. Tôi nấu ngon thì nhắn tin cảm ơn, tôi nấu dở cũng ăn trong im lặng chứ không lên tiếng càm ràm. Tôi thấy việc kiểm soát chi tiêu của chồng rất mệt mỏi. Hạnh phúc của tôi đơn giản lắm: Chỉ cần một buổi sáng ra chợ tìm mua được bó rau vườn, mớ cá ngon hay mẻ quần áo vừa giặt gặp hôm trời nắng đẹp" - chị Nguyệt Thu (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Rõ ràng, nếu bạn đang cảm thấy hạnh phúc, thì đó là bởi vì công việc bạn đang làm, những thứ bạn đang có khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Bất luận đó là công việc gì: Giám đốc, phó phòng hay một bà nội trợ đảm đang. Hạnh phúc hay không thuộc về cảm nhận riêng, nhu cầu riêng và năng lực riêng của mỗi người, tuyệt nhiên không có thước đo nào chuẩn mực.

Chia sẻ