Cuộc đời tôi và chữ nghèo

Thân Thị Hằng,
Chia sẻ

Các cụ có câu "giàu từ trong trứng giàu ra, khó từ ngã bảy ngã ba khó về". Tôi sinh ra đã nghèo. Lớn lên trong cảnh nghèo khó. Giờ đây đã có gia đình nhưng vẫn nghèo. Nhưng tôi không nản chí. Tôi luôn tin và hy vọng vào tương lai. Có cố gắng nhất định sẽ thành công.

Thời Tiết mùa đông Hà Nội mấy hôm nay cứ như một cô gái đỏng đảnh. Thay đổi thất thường. Con trai bị ho nên quấy mẹ hơn mọi khi.

Vậy là mình đã lấy chồng được hơn 1 năm và có con trai hơn 14 tháng tuổi rồi. 28 tuổi chưa quá già để gọi là từng trải ở đời và cũng không còn trẻ để gọi là bồng bột. Hôm nay mới có chút thời gian để ngồi ngẫm nghĩ lại về cuộc đời mình.

Cuộc đời tôi và chữ nghèo 1

Nhà tôi có 3 anh em, bố tôi làm thợ mộc, mẹ tôi làm ruộng. Nhà tôi nghèo, nếu không nói là quá nghèo. Trong trí nhớ của tôi, ngày tôi còn bé, tháng ba giáp hạt, mẹ tôi đã phải gánh một gánh rơm khô đi bộ 4km sang làng bên bán để mua được một đấu gạo cho anh, em tôi ăn. Ngày đi học, tôi học rất khá. Nhưng có lẽ ấn tượng với các bạn về tôi ngoài việc tôi học khá còn là nhà tôi rất nghèo. Miếng ăn, bữa đói bữa no nhưng bố mẹ vẫn cố cho anh em tôi đi học. Tôi đến trường nhiều ngày với cái bụng rỗng, và tấm áo manh quần cũ được mẹ may lại từ quần áo người lớn được người ta cho. Đến tháng ba nhiều bữa anh, em chúng tôi phải ăn rau luộc, chuối xanh luộc và sung luộc thay cơm. Anh, em chúng tôi cứ như vậy lớn lên trong cái nghèo vây quanh. Tôi đi học, luôn là người đóng góp các khoản tiền muộn nhất lớp. Nhưng bù lại tôi học khá hơn các bạn. Ngày đó ước mơ lớn nhất của tôi là có thể học được hết cấp 3, sau đó tôi sẽ đi làm thuê để dành tiền đi học tiếp. Ngày bé ước mơ của tôi là trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh.

Cuộc đời tôi và chữ nghèo 2

Anh trai học hết cấp 3, ở nhà phụ mẹ làm ruộng sau đó đi bộ đội. Sau 3 năm anh hết nghĩa vụ ra quân, muốn đi học lái xe nhưng bố kiến quyết không đồng ý. Bố nói rằng đời bố tôi khổ vì thất học cũng chỉ vì nghèo nên bố tôi muốn anh em tôi phải cố gắng học hành. Bố mẹ không có tài sản gì chỉ có cái chữ thôi.

Năm 2004 tôi tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ tôi cố gắng vay mượn cho tôi 300 ngàn để đi thi Đại học. Tôi thi vào Khoa Sư phạm của Đại học Quốc Gia nhưng không đỗ. Mà chỉ đỗ vào ngành báo phát thanh của trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình. Nhưng nhận được giấy báo nhập học, tôi thấy lo lắng nhiều hơn vui. Tiền đâu để đi học chứ. Lúc đó có một người chú họ đang làm giảng viên đại học, có con nhỏ, muốn tôi ra bế em để thi lại đại học vào năm sau. Đổi lại người ta sẽ giúp đỡ anh trai tôi (đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp) tìm việc làm. Ban đầu bố mẹ hỏi ý tôi thế nào. Thật sự trong thâm tâm tôi luôn giằng xé nhiều mẫu thuẫn, tôi vừa muốn đi học, vừa muốn ra Hà Nội bế em để anh tôi có công việc tốt. Bố không nói gì, nhưng tôi biết nhiều đêm bố đã không ngủ, mái tóc bố bạc thêm. Sau đó bố quyết định, dù khó khăn thế nào, tôi vẫn cứ đi học, nếu muốn tôi vẫn thi lại đại học được. Tôi không đồng ý vì trong nhà khi đó không có nổi 100 ngàn. Nhưng bố rất kiên quyết, bố nói tôi không muốn đi học, đi đâu thì đi.

Tôi đi học cao đẳng vào năm sau tôi thi đỗ đại học. Ngày tôi đi học, mẹ phải chạy vạy ngược xuôi vay lãi được hơn một triệu cho tôi ra Hà Nội nhập học. Tôi đi học mang theo bao hoài bão ước mơ và sự kỳ vọng của bố mẹ. Nhập học xong tôi cũng háo hức đi tìm việc làm thêm để đỡ đần bố mẹ nhưng tiền thì mất oan mà việc thì không được. Cuối cùng bạn lớp trưởng giới thiệu cho tôi công việc tạp vụ ở một công ty. Tôi làm vào buổi chiều thứ 2, thứ 4, thứ 6. Công việc của tôi là lau sàn nhà, hút bụi, lau bàn làm việc, dọn rác, và có cả dọn nhà vệ sinh nữa. Tôi cũng cố gắng học để mong có được học bổng đỡ đần thêm cho mẹ. Nhưng mãi năm thứ ba tôi mới có học bổng. Nó cũng làm cho tôi đỡ được nhiều khoản chi phí và đóng học phí của năm đó. Năm thứ 4 đại học, tôi chọn học chuyên ngành Khảo cổ học, một chuyên ngành mà rất hiếm khi có con gái theo học. Đơn giản vì học Khảo cổ rất vất vả. Các bạn học chuyên ngành khác, chỉ ngày ngày lên thư viện đọc tài liệu. Nhưng học khảo cổ không chỉ học lý thuyết suông được. Chúng tôi phải đi thực tập trên công trường khai quật. Bàn tay phải tự cầm cuốc đào đất, tự tay mình rửa từng mảnh hiện vật. Tốt nghiệp Đại học, khi chưa nhận được bằng tốt nghiệp, vì không thể xin bố mẹ chu cấp nữa, tôi và cô bạn cùng học khoác ba lô vào Thanh Hóa, xin làm khai quật khảo cổ tại Đàn Nam Giao gần Thành Nhà Hồ. Hàng ngày dạy từ 5h sáng, 5h 30 phút có mặt trên công trường. Thời tiết ở miền Tây Thanh Hóa thật kinh khủng, công trường khai quật trên sườn núi Đốn Sơn, đất thì rắn, trời thì oi nóng. Là con gái nhưng da tôi đen nhẻm đi, hai bàn tay chai sần. Tiếng là cán bộ khảo cổ trông công nhân khai quật, nhưng có rất nhiều công việc bản thân chúng tôi phải tự tay cầm bay, cầm nạo để làm việc. Công trường khai quật có nhân công đủ mọi thành phần lứa tuổi. Bản thân chúng tôi là con gái, đôi khi không tránh khỏi những lời nói khó nghe. Nhưng tôi đã theo nghề này và bản than gia đình tôi cũng không thể quen biết hay chạy vạy ai đó lo cho tôi một công việc nhàn hạ. Cứ thế, ngày ngày tôi ra công trường khai quật, làm công việc tay chân giống như một người lao động thực thụ.

Cuộc đời tôi và chữ nghèo 3

Năm 2010, cú sốc lớn, nên đã xin nghỉ và về quê. Hy vọng có thể tìm được việc khác tốt hơn. Nhưng ngành học của chúng tôi thật khó để có thể xin việc trái ngành. Tôi trở thành người thất nghiệp. Sau bao ngày suy nghĩ, tháng 7 năm 2011 tôi quyết định xin vào làm ở một trường mầm non tư thục. Ban đầu tôi xin làm phụ bếp quát nhà, rửa rau. Nhưng người quản lý nói thấy tôi hiền lành hỏi tôi có thể trông trẻ không. Tôi thật sự lo lắng vì tôi đâu có học mầm non nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định thử. Tôi cố gắng nhìn các chị cách chăm sóc trẻ và vì khi thất nghiệp tôi cũng trông con cho anh trai tôi. Các bé rất quý tôi. Tôi không quát mắng hay ép bé ăn. Các chị phụ huynh cũng rất quý. Tôi đã từng nghĩ sẽ không thể theo được nghề mình đã chọn khi học đại học. Nhưng làm ở trường mầm non được một thời gian thì cơ hội quay về công việc khảo cổ lại đến với tôi. Cơ quan tôi bây giờ tổ chức thi tuyển viên chức. Tôi đã nộp hồ sơ thi và xin đi khai quật tại công trường khai quật nút giao Văn Cao – Hoàng Hoa Thám. Ngày ngày, tôi ra công trường  khai quật. Có hôm 9h tối mới từ bến xe bu‎ýt trở về nhà. Những ngày đầu lên xe bu‎ýt nhiều ánh mắt cứ nhìn làm tôi thấy ngại. Nhìn bộ dạng tôi khi đó có lẽ giống với một người làm nghề khuân vác hay lao công, đại loại như thế. Ba lô, mũ tai bèo, khoác ngoài là một chiếc áo bộ đội cũ, đôi giầy bảo hộ lấm tấm bùn đất. Nhưng nếu ai đã từng đến công trường khai quật một lần thì sẽ thấy điều đó là bình thường. Nhiều hôm từ trên xe bu‎ýt đi bộ về nhà trọ, bất chợt gặp cô bạn, váy áo đi chơi với bạn trai, bản thân cũng thấy chút tủi thân. Nhưng suy nghĩ lại, tôi lại thấy hoàn toàn bình thường, đó là công việc của mình mà. Tôi vẫn ngày ngày ra công trường và chờ đợi hy vọng vào kết quả thi. Mặc dù khi đi thi, tôi không có nhiều cơ hội về nhiều mặt.

Cuộc đời tôi và chữ nghèo 4

Khi nhận được kết quả thi, khỏi phải nói tôi đã vui mừng như thế nào? Tôi hồi hộp chờ đợi ngày nhận quyết định tuyển dụng, với hy vọng khi có công việc ổn định sẽ cố gắng làm việc để giúp đỡ bố mẹ trả nợ. Nhưng cuộc đời luôn có những điều bất ngờ xảy ra mà bản thân mình không thể tính trước được. Nhận được quyết định trúng tuyển viên chức cũng là ngày tôi biết mình đang mang một mầm sống. Hoang mang tuột độ là tâm trạng của tôi khi đó. Tôi không biết mình sẽ đối diện với bố mẹ, mọi người ở cơ quan như thế nào? Làm sao nuôi được con với đồng lương của một viên chức tập sự? Tôi sống những ngày đó trong tâm trạng khủng hoảng, lo sợ. Nhưng nhờ có mẹ và những người bạn đã ủng hộ và tin tưởng tôi, nên tôi đã vượt qua được giai đoạn đó. Một đám cưới được diễn ra. Đành rằng niềm vui chưa hẳn đã trọn vẹn, nhưng với tôi như vậy đã là quá đủ. Mọi người ở cơ quan biết chuyện đều động viên tôi, giúp đỡ tôi để tôi có thể hoàn thành công việc và yên tâm sinh con.

Cuộc đời tôi và chữ nghèo 5

Hết 4 tháng nghỉ sinh, tôi quay trở lại Hà Nội, bắt đầu công việc và chăm con. Chồng là bộ đội xa nhà. May mà có mẹ chồng xuống trông con giúp. Nhưng đồng lương eo hẹp của một viên chức tập sự công với tiền lương bộ đội ít ỏi chồng gửi về thật sự nhiều lúc khiến tôi thấy nản lòng. Có đôi khi tôi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, vì sống giữa thủ đô mà thấy chật vật quá. Rồi khi con ốm, con đi viện phải chạy vạy ngược xuôi để vay mượn tiền, tôi thật sự thấy nản chí. Những lúc như thế mẹ tôi đã luôn động viên tôi, nhắc tôi nhớ về những năm tuổi thơ khốn khó để tôi thấy rằng mình đã từng sống khổ sở và khó khăn như thế nào. Giờ đây không gì là không thể nếu mình cố gắng. Tôi đã cố gắng vượt qua. Cố gắng sống, làm việc và nuôi con trong cái nghèo khó bủa vây. Trong đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến tiền nhà, tiền sữa, tiền bỉm. Nhưng vượt qua tất cả, giờ đây con trai tôi đã hơn 14 tháng tuổi. Trộm vía, bé rất ngoan và đáng yêu. Mỗi ngày đi làm về, chỉ cần nhìn thấy con cười là tôi thấy mình có thêm động lực để bước tiếp. Nhớ lại quãng thời gian đã qua tôi cũng nhận thấy mình thật liều lĩnh khi lấy chồng và sinh con khi mà không có gì trong tay cả. Nhưng giờ đây nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn lựa chọn những gì mình đã làm. Mẹ luôn động viên tôi rằng: Trong cuộc sống biết nhìn lên thì cũng phải biết nhìn xuống. Tôi có công việc, có gia đình, có con cái. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn nhưng không phải ai cũng có được. Chợt nhớ đến môt câu nói “Cuộc sống chỉ đáng sống khi có một việc gì đó để làm, có một ai đó để yêu thương".
Chia sẻ