Câu chuyện bà tôi

Phạm Thị Hòa,
Chia sẻ

Có lẽ chẳng có sự đánh đổi nào lớn hơn sự hi sinh!

Bà tôi – tính đến nay đã ngót nghét 83 tuổi. Sinh ra trong cái thời loạn lạc của đất nước, như bao phụ nữ khác cùng thời, bà gồng gánh tuổi trẻ trên những con đường  ra chiến trận và còn gồng gánh cả gia đình trên đôi vai!

Tôi biết rằng, thời của bà, khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, sự đói nghèo, những người phụ nữ như bà tôi – những người phụ nữ làm thay công việc của chồng, gánh gác chuyện nhà, chuyện con để chồng yên tâm ra trận rất nhiều, nhưng tôi vẫn xin kể, bởi trong tôi – Bà là người phụ nữ tôi cảm phục nhất!

Bà lấy ông tôi năm 18 tuổi, bà đẹp lắm! Tôi được nghe bố và mẹ kể lại rằng, ngày ấy bà có rất nhiều người “ướm” muốn lấy bà làm vợ. Bà có nước da trắng, thân hình cân đối, tính tình dịu hiền…và nụ cười rất tươi! Bà lại còn rất khéo léo “tay nói tay làm”. Mọi công việc từ nhà cửa, ruộng vườn bà đều làm được và làm rất giỏi. Ngày ấy, hôn nhân phụ thuộc vào cha mẹ “đặt đâu ngồi đấy” nên bà lấy ông tôi cũng là do cha mẹ sắp đặt. Lấy nhau 7,8 năm, ông tôi phải đi đánh giặc bảo vệ tổ quốc, khi ấy, bà vừa sinh con út - bố tôi được 1 năm. Một tay bà tiễn chồng ra trận, một tay bà gánh vác việc chăm sóc 4 người con mà bác đầu cũng chỉ khoảng 7 tuổi.

Ông tôi đi đánh trận hơn 1 năm, không thư từ, không tin tức (bởi ngày ấy việc liên lạc vô cùng khó khăn). Một mình bà chăm bố và các bác tôi ăn học, phải nói là vất vả như thế nào. Một người phụ nữ mới chỉ 25, 26 tuổi, còn quá trẻ để có thể lo lắng được tất cả mọi việc chu toàn đến vậy. Có phải do hoàn cảnh, hay cũng do tính tình cứng cỏi, kiên cường, yêu thương gia đình hết mực của bà mà bà đã làm tất cả mọi việc từ đồng áng, lên ngược lấy củi bán đổi lấy gạo, xuống xuôi buôn thúng, buôn rau, mắm tôm,… cũng chỉ để lo cho các con đủ ăn đủ mặc và chờ chồng trở về. Từ một người phụ nữ đẹp, da bà trở nên nám sạm, đen đúa, mới 28 tuổi nhưng trông bà như ngoài 35. Tính tình bà cũng thay đổi, bà trở nên ghê gớm hơn, chua ngoa hơn. Lớn lên tôi được nghe kể rằng bà là một trong những người phụ nữ ghê gớm nhất trong cái thời ấy!

Cũng phải thôi, cuộc sống khó khăn như vậy, một tay bà lo lắng hết mọi việc thì thử hỏi làm sao bà không thay đổi, không ghê gớm thì làm sao đủ sức chống trọi lại cuộc đời!

Ông tôi đi đánh giặc, không thư từ, không tin tức bởi có lẽ ngày ấy các phương tiện liên lạc rất khó khăn. Chiến tranh ác liệt có người đi trở về, người không. Bà tôi cũng biết vậy nhưng bà vẫn chờ, hi vọng một ngày nào đó ông sẽ trở về, cùng bà chăm sóc con cái, gia đình. Vì thế bà luôn cố gắng, vẫn chạy hết ngược đến xuôi hi vọng rằng ông có thể yên tâm ngoài mặt trận.Tôi nghe bà kể, có những lúc ốm liệt nằm ở giường, con cái còn nhỏ, ông bà cố thì giúp đỡ nhưng cũng chỉ một phần, cơm chẳng đủ ăn nhưng bà vẫn phải cố gắng gượng dậy đi đồng vì không làm lấy gì mà ăn! Có lẽ vì vậy mà sau này, sức khỏe của bà rất yếu, mỗi khi trái gió trở giời bà thường đau khắp người, nhức nhói các khớp. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng may mắn thay, các bác tôi, bố tôi lớn lên trong vòng tay bà chẳng bệnh chẳng tật gì mặc dù ngày xưa thuốc tây rất ít, chủ yếu là thuốc nam.

Gần 30 tuổi, bà vẫn hay lam hay làm như vậy, thoáng đây mà ông đi đánh giặc cũng được gần 3 năm. 3 năm không phải là thời gian dài nhưng không có tin tức từ ông, từng ấy cũng đủ làm cho bà mòn mỏi. Ấy vậy… mà ông không trở về! Giấy báo tử báo ông mất do một đợt dội bom càn quét của địch. Bà khóc, không biết rằng bà đã khóc bao nhiêu lần nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên bà nức nở! Nhưng có lẽ trong thời chiến, việc có người đã ra đi và những người còn ở lại chiến đấu giống như “số phận” và khi số phận ấy đã an bài lên bà, bà chấp nhận, bà khóc, nhưng bà không gục ngã, mất chồng, bà vẫn còn 4 người con cần mẹ. Cũng chính vì con, bà không đi bước nữa. Theo tôi được biết, khi ông mất được vài năm, cũng có người hỏi bà nhưng bà từ chối thẳng thừng vì bà muốn dành toàn tâm toàn ý lo cho “những khúc ruột” của bà.

Bà ở vậy cho đến bây giờ, hơn 80 tuổi, cũng là hơn 50 năm ở vậy nuôi con. Có lẽ sự hi sinh của bà, hay của tất cả những phụ nữ Việt Nam thời ấy, làm sao có thể nói hết được thành lời. Giờ đây, các bác đã có gia đình, có con, có cháu, ai ấy đều khỏe mạnh, hạnh phúc, tôi nghĩ bà cũng vì vậy mà vui vẻ tuổi già. Tôi thầm cảm ơn bà, cảm ơn sự chịu đựng, hi sinh của bà, của những người như bà – Những người phụ nữ thay chồng nuôi con, là hậu phương vững chắc cho chồng, những người gián tiếp mang lại hòa bình cho Tổ quốc, Dân tộc.


Chia sẻ