Phụ huynh tranh cãi về việc cho học sinh nạp thẻ, chơi game "Chinh phục vũ môn"

Lê Bảo,
Chia sẻ

Game “Chinh phục vũ môn” được được Bộ GD&ĐT triển khai đưa vào các trường học từ 10/2015, nhưng gần đây lại nhận được không ít ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh.

Học kiến thức bằng cách chơi game?

Gần đây, trên mạng xã hội, một phụ huynh ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện bất ngờ phát hiện ra con chơi Game do Bộ GD&ĐT khuyến khích. Phụ huynh này cho rằng con mình đang theo học trường THCS phải “gánh” khá nhiều chương trình học tập từ các môn học cũng như phải lo lắng bài vở hàng ngày, đặc biệt là các kỳ kiểm tra, thi cử vậy mà lại được khuyến khích chơi game thì không ổn chút nào. Người chơi game này còn được khuyến khích nạp tiền, cào thẻ để tiếp tục tham gia trò chơi. Chia sẻ của vị phụ huynh này lập tức thu hút nhiều người khác có con đang trong độ tuổi đến trường. Đa phần phụ huynh đã bày tỏ sự băn khoăn khi con em mình lại được cổ vũ chơi game.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Hoài Thanh, có con đang theo học lớp 7 tại một trường THCS thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy mỗi lần con đi học về đều chúi đầu vào máy tính để chơi game, khi tôi có quát mắng là không được chúi đầu vào chiếc điện thoại nhiều thì nhận được câu trả lời rằng cháu đang chơi game do trường phổ biến”.

chinh phục vũ môn
Giao diện của trò chơi trực tuyến "Chinh phục vũ môn".

“Tá hỏa trước câu trả lời của cháu, tôi liền nghiên cứu kỹ hơn xem cháu nói có đúng không thì bất ngờ đúng là loại game này do Bộ phát hành và phổ biến đến các trường học. Đúng là trong game có rất nhiều hành trình để giúp trẻ học tập, tìm hiểu kiến thức nhưng bản thân tôi chưa thấy ổn vì thời gian các cháu học trên lớp còn thiếu huống gì lại dành thời gian để chơi game”, chị Thanh nói thêm.

Trong khi đó, anh Hưng – một vị phụ huynh có con học lớp 6 tại một trường trên địa bàn Hà Nội cho rằng: “Trẻ nhỏ luôn thích cắm đầu vào tivi, ipad, điện thoại di động từ bé đến lớn. Việc các bậc phụ huynh làm mọi cách để các cháu tách khỏi những thứ này đã là điều khó khăn. Thậm chí có nhiều lớp như: Cai nghiện điện thoại, cai nghiện game, cai nghiện tivi… cũng đã được một số trung tâm mở ra. Thế nhưng Bộ GD&ĐT đưa game này khuyến khích các em chơi, tôi e rằng càng khiến các cháu bị hút vào trò chơi cũng như chiếc điện thoại, máy tính, ipad”.

chinh phục vũ môn

Đánh giá thêm về loại game này, anh Hưng nói thêm: “Tìm hiểu thì cách chơi khá dễ dàng, có nhiều sự lựa chọn cho trẻ khi chơi game, đặc biệt có nhiều cách chơi để giúp trẻ phát triển sự hiểu biết xã hội, văn hóa, cuộc sống. Tuy nhiên, việc hướng các cháu đến game tôi e rằng chưa phù hợp với tình hình giáo dục cho lắm, đặc biệt là muốn chơi thêm thì sẽ nạp thẻ cho nhân vật, cảm giác hoạt động này kích thích trẻ con để thu lợi nhuận”.

Một số bậc phụ huynh cũng đã nhận được lời đề nghị của con em mình xin tiền để mua thẻ nạp cho nhân vật, giá trị mỗi thẻ nạp từ 10.000 – 300.000 nghìn đồng. Sau khi nạp số tiền trên, người chơi sẽ nhận được vật phẩm, hoặc “trái tim” để tiếp tục “Chinh phục vũ môn”, và nếu người chơi tiếp tục thua và muốn tiến lên thì lại sẽ tiếp tục phải nạp thẻ.

chinh phục vũ môn
Giao diện bên trong trò chơi được thiết kế nhiều màu sắc như các loại game khác.

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến băn khoăn về tác hại khi con chơi game này thì cũng có ý kiến phụ huynh cho rằng đây là game nhưng theo kiểu trò chơi kiến thức, giúp các con học và tìm hiểu, ghi nhớ ốt hơn, khiến kiến thức được tiếp thu một cách sinh động hơn. Chị Hoàng Thị Mai (Hà Tây-Hà Nội) thì cho rằng: "Con gái tôi cũng thích chơi game này, tôi thấy chẳng sao, thậm chí cháu chơi còn hiểu biết hơn rất nhiều kiến thức. Cũng kiến thức đó thay vì thầy cô giảng trên lớp hay đọc được ở những cuốn sách thì giờ các con được tiếp cận ở một trò chơi, vừa gợi hứng thú vừa hiệu quả. Mà tâm lý trẻ con nó không thích học những thứ khô khan trong chương trình mà vẫn bị thu hút bởi cái gì hấp dẫn, màu sắc, gợi sự cạnh tranh, thi thố".

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

Được biết, loại game có tên “Chinh phục vũ môn” này thuộc Công ty cổ phần trò chơi giáo dục trực tuyến (Egame). Tháng 10/2015, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2. Tính đến nay, Game này đã thu hút được khoảng 1 triệu người chơi. Đối tượng chủ yếu là học sinh.

game
Bên cạnh ý kiến băn khoăn thì nhiều phụ huynh ủng hộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Thuận - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egame (đơn vị được phát hành game) cho biết: “Trò chơi giáo dục trực tuyến Chinh phục vũ môn được cấp phép phát hành. Điểm kinh nghiệm được tích lũy không phải do  nạp thẻ cào điện thoại hay tham gia thi thử mà được tính khi học sinh tham gia đều đặn 2 lần/tuần. Điểm kinh nghiệm thực chất là khuyến khích sự chăm chỉ, cần cù của học sinh. Các con thi tốt tức là nền tảng kiến thức vững chắc nên được cộng điểm kinh nghiệm để động viên các con chứ không phải nạp thẻ điện thoại để thi thử và lấy kinh nghiệm”. 

chinh phục vũ môn
Ở phòng học VIP thẻ tham gia 1 năm là 1 triệu đồng; phòng Mclass thẻ VIP là 1,5 triệu đồng/năm.

“Trong “Chinh phục vũ môn” như cổng game lớn trong đó có phần thi và đấu trường trí tuệ là miễn phí. Chỉ có phần phòng học là chúng tôi thu phí bài giảng và phí ở đây cũng rất rẻ, chỉ có vài nghìn/bài giảng và học sinh hoàn toàn tự nguyện chứ không hề bị ép buộc”, ông Thuận giải thích thêm.

chinh phục vũ môn
Chương trình toán học trong game.

Trước vấn đề này, trả lời báo chí, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT)cho biết: “Cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi tìm hiểu kiến thức tổng hợp dành cho học sinh phổ thông do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015. Từ hiệu quả của cuộc thi dành cho các em học sinh THCS, theo đề xuất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu, Bộ GD-ĐT đã thống nhất phối hợp với đơn vị này tổ chức cuộc thi lần thứ II (năm học 2015-2016) và lần thứ III (năm học 2016-2017).

Trong 2 lần đầu, cuộc thi được tổ chức cho các em học sinh THCS trên toàn quốc. Lần thứ III, năm học 2016 – 2017, cuộc thi đã mở rộng đối tượng cho các em học sinh lớp 3 – 5. Nội dung các câu hỏi của cuộc thi bao gồm: Kiến thức các môn văn hóa: chiếm 30% tổng số câu hỏi (gồm Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh...). Kiến thức xã hội chiếm: 30% tổng số câu hỏi (các lĩnh vực : Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Thể thao, IQ...). Kiến thức đời sống xã hội: chiếm 40% tổng số câu hỏi (các hiểu biết về xã hội, kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng…).

Hiện việc đồng ý hay không cách học và thi thông qua game này vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là các phụ huynh, tạo nhiều luồng tranh cãi khác nhau. Cách học và thi truyền thống đã tồn tại hàng chục năm qua, và những năm gần đây cũng đã có những thử nghiệm, phá cách trong việc dạy và học. Tuy nhiên, từ góc nhìn của phụ huynh thì bất cứ hoạt động giáo dục nào cũng cần được thử nghiệm, đánh giá trước khi phổ biến đại trà, bởi nếu không cẩn thận thì nó sẽ ảnh hưởng lên trí óc non nớt của HS, thậm chí tạo ra những hệ quả không đáng có.
Chia sẻ