6 bài tập về nhà phải mất cả đời để hoàn thành của thầy giáo trẻ gây xúc động: "Hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây"

Miss Hóng,
Chia sẻ

Từng câu từng chữ trong bài tập về nhà nghỉ hè của thầy giáo Đỗ Đức Anh khiến không chỉ học sinh, phụ huynh lớp thầy chủ nhiệm mà cả MXH đều phải suy ngẫm.

Thời đi học, chắc hẳn nghỉ hè là quãng thời gian sung sướng nhất của mỗi học sinh. Tuy nhiên 4 chữ "bài tập về nhà" đã khiến không ít người phải lo lắng. Thế nhưng mới đây, có một phong thư "bài tập về nhà" vô cùng đặc biệt đã khiến cả MXH xôn xao.

Câu chuyện nhỏ nhặt nhưng có ý nghĩa to lớn của một thầy giáo trẻ lại có sức lan tỏa vô cùng mãnh liệt trên MXH. Đó là thầy giáo Đỗ Đức Anh cùng với bài tập về nhà đặc biệt của mình. 

Ngày 25/5 vừa qua, trong buổi họp phụ huynh của lớp 10A9, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP. Hồ Chí Minh, thầy giáo chủ nhiệm Đỗ Đức Anh đã trao cho mỗi phụ huynh một phong thư với nhan đề ghi bên ngoài là "Bài tập về nhà". 

6 bài tập về nhà phải mất cả đời để hoàn thành của thầy giáo trẻ gây xúc động: Hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây - Ảnh 1.

Phong thư "Bài tập về nhà" của thầy Đỗ Đức Anh.

Những tưởng đây sẽ là những bài tập vừa dài vừa khó, là nỗi "ác mộng" của các học sinh trong thời gian nghỉ hè. Nhưng không phải! Nhiều học sinh của thầy Đức Anh đã phải bật khóc khi đọc "bài tập về nhà" của mình còn phụ huynh lại không khỏi suy ngẫm. Nội dung "bài tập về nhà" của thầy Đức Anh:

"Bài tập số 1: Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả năm học vừa rồi chưa được như ý.

Bài tập số 2: Hãy tận hưởng mùa hè của mình với tất cả năng lượng tuổi trẻ. 

Bài tập số 3: Hãy tranh thủ trau dồi khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần thiết. 

Bài tập số 4: Các bạn nam hãy luôn biết cách vượt qua giông bão cuộc đời với tinh thần của một chiến binh. Các bạn nữ hãy đứng dậy, tô thêm son, mỉm cười và kiêu hãnh tiến về phía trước. Bởi vì nếu em không phải là một cái cây thì chẳng lý gì chúng ta lại cứ phải đứng im một chỗ. 

Bài tập số 5: Một buổi tối nào đó trong đời, nếu em cảm thấy cô đơn hay buồn tủi, hãy hồi tưởng lại những ký ức dịu dàng của thầy trò mình. Hoặc lúc nào đó muốn một ai đó lắng nghe nỗi thất vọng cùng cực của mình, hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây. 

Bài tập số 6: Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc, nghe!

Thời gian nộp bài: Em sẽ có rất nhiều thời gian để hoàn thành 6 bài tập về nhà này, hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể làm xong. 

Người ta thường nói trưởng thành không phải là lúc ta làm được những chuyện lớn lao mà là lúc ta hiểu được những điều bé nhỏ. Con đường trưởng thành sẽ luôn có sự rời xa theo cách này hay cách khác. Nhưng hãy tin, lời tạm biệt thực ra không phải là lời từ biệt mà là một lời hứa "Hẹn gặp lại". 

Thầy rất vui vì trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, chúng ta đã gặp gỡ… Tạm biệt em! Hoài mong em nộp bài. 

From: Thầy Đỗ Đức Anh". 

Liên hệ với thầy Đức Anh, thầy giáo trẻ cho biết, sau khi gửi cho các phụ huynh, anh có đề nghị phụ huynh hãy để "bài tập về nhà" trước cửa phòng hoặc trên gối của con. Và nếu có thể được, các phụ huynh hãy để cho con em mình thực hiện ngay bài tập đầu tiên.

6 bài tập về nhà phải mất cả đời để hoàn thành của thầy giáo trẻ gây xúc động: Hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây - Ảnh 2.

Thầy Đức Anh và học sinh.

Thầy Đức Anh còn nói thêm: "Cuối năm học trước, tôi đã viết một lá thư dài cho học trò của mình. Nhưng năm nay, tôi gửi gắm những lời dặn dò của mình cho học sinh thông qua "Bài tập về nhà". Bởi tôi nghĩ bài tập thì các em dễ hình dung hơn, dễ đọc lại và dễ thực hiện hơn."

Sau khi được đăng tải lên MXH, "Bài tập về nhà" của thầy Đức Anh nhanh chóng được dân mạng chia sẻ. Hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận đã xuất hiện phía dưới "bài tập về nhà" đặc biệt này. Ai ai cũng đồng tình và khen ngợi cách làm sáng tạo của thầy giáo trẻ:

- Cốt lõi của giáo dục là tình yêu thương, không phải kết quả!

- Tuyệt vời! Thời đại 4.0 của thiết bị hiện đại mà có những lời quá hay của thầy dặn trò quả thật là quý giá vô cùng. Giá trị hơn nữa là phong thư, nó không phải là inbox hay email.

- Còn đâu đó những tấm lòng người thầy khiến người ta ấm lòng.Tâm huyết dành cho nghề luôn bùng cháy, tình cảm dành cho bao lứa học sinh vẫn dạt dào. Thật đáng trân trọng!

Hiện tại, câu chuyện về "bài tập về nhà" đặc biệt này vẫn đang được cộng đồng mạng ủng hộ và chia sẻ.

Chia sẻ