Phim Việt từ sách lên màn ảnh: thành công và thất bại (phần 2)

Phương Linh,
Chia sẻ

Việc chuyển hóa những ý tưởng độc đáo và trừu tượng từ tác phẩm văn học thành hình ảnh thực cũng là thách thức đối với các nhà làm phim.

6. Chạy án

Bộ phim truyền hình dài tập này được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Như Phong. Điểm nổi bật là cả phim và truyện đã nêu lên được một thực trạng khá nóng trong xã hội. Tuy nhiên, ngay sau khi bộ phim ra đời, đã có khá nhiều phản hồi từ khán giả về những hạt sạn khó nhằn của phim, cả về hiện thực đời thường và về kiến thức tin học.


"Chạy án" vẫn gây sốt dù nhiều sạn

Đoạn bắt Mã "đại gia", công an bắn chỉ thiên một phát mà súng hết đạn luôn. Đoạn bà Dung vào thăm Cục trưởng Đức trong bệnh viện, bà lôi từ trong túi ra hai hộp sữa. Điều làm tôi buồn cười nhất đó là: Hai hộp sữa, một là Growshool dùng cho trẻ 6 tuổi trở lên, một là Friso dành cho trẻ em còn ít tuổi hơn loại kia”.

Lúc cảnh quay hai chiến sĩ cảnh sát chuẩn bị đu dây xuống, ta có thể thấy cả hai đều mặc áo có tấm dán phản quang có dòng chữ CSCĐ. Có lẽ lực lượng cảnh sát sợ tội phạm không nhận ra họ là cảnh sát?”…

Đây là một vài trong số rất nhiều những hạt sạn được khán giả chỉ ra sau khi bộ phim được công chiếu.

Việt Anh giành được giải Vai diễn ấn tượng trong phim này

Nhiều khán giả cũng cho rằng bộ phim xây dựng nhân vật không hợp lý, nhạt nhẽo, giải quyết vấn đề quá đơn giản, nhiều đoạn không thực tế. Điều dở nhất là phim khá dài nhưng không mở ra một hướng giải quyết hay suy nghĩ mới nào về thực trạng được nêu ra như cán bộ cấp cao góp vốn kinh doanh với xã hội đen vẫn không bị lộ, cán bộ công an nhận tiền của xã hội đen cũng không bị xử lý gì, các đường dây lạm dụng quyền lực vẫn không bị phanh phui…

Mặc dù vậy, phim vẫn nhận được giải Phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2005-2006 và giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất cho NSƯT Tiến Đạt, giải Vai diễn ấn tượng cho diễn viên Việt Anh.

7. Đừng đốt

Bộ phim Đừng đốt được chuyển thể từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn sách "best seller" từng khiến người đọc cảm động về câu chuyện kỳ lạ nhưng có thật của liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm và sự lưu lạc của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm trước khi nó được trả về với gia đình.



Tuy khai thác một câu chuyện có thật trong lịch sử theo kiểu đề tài “nêu gương”, tuy nhiên, những thước phim trong bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn tạo được sự đồng cảm ở nhiều khán giả hôm nay. Chiến tranh, những mất mát và hy sinh cũng như nỗi đau dai dẳng của cuộc chiến khiến người xem phải suy nghĩ, nhưng trên tất cả là sự nể phục tâm hồn trong sáng, tình yêu, sự dũng cảm tuyệt vời của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.


Bộ phim còn mang đến cho khán giả một thông điệp về hòa bình và sự bao dung đối với những người lính ở bên kia chiến tuyến.

8. Người đàn bà mộng du

Bộ phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn Thanh Vân chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhân vật trung tâm của bộ phim là một người đàn bà tên Quỳ đi ra từ trong chiến tranh. Những năm tháng đẹp nhất của Quỳ đã nằm lại trong cuộc chiến với người cô yêu và những người yêu cô – những người như ga xép trong cuộc đời người đàn bà, mà như một “người đàn bà mộng du”, Quỳ gắn chặt mãi mãi cuộc đời mình với chuyến tàu.


Một cảnh trong phim

Người đàn bà mộng du của đạo diễn Thanh Vân là một phim chiến tranh tốt. Tuy nhiên, không chỉ có cảm giác thiếu hụt ở nhân vật nữ chính, khán giả cũng thấy ức chế với những cảnh chiến tranh quen thuộc như bom đạn, bệnh viện… dù đạo diễn đã rất cố gắng tìm tòi, sáng tạo. Thêm vào đó là sự thiếu ăn khớp giữa hình ảnh và nhạc phim.


Tuy vậy, Người đàn bà mộng du cũng một lần nữa khẳng định tài năng của diễn viên Hồng Ánh với sự nghiêm túc đầu tư cho vai diễn của cô.

9. Mê thảo - thời vang bóng

Bộ phim của nữ đạo diễn Việt Linh phỏng theo truyện Chùa đàn của Nguyễn Tuân nhưng có nhiều thêm thắt và thay đổi. Bộ phim không đề cập đến chùa Đàn – ngôi chùa được lấy làm tên tác phẩm của nhà văn, cũng như đã giảm đi rất nhiều chất thần bí, kinh dị của câu chuyện.


Bộ phim đã được nhận giải nhì của Quỹ Cổ động Phát hành Quốc tế (Promotion Internationale des Films du Sud) và giải Bông hồng vàng tại Liên hoan phim Bergamo (Italia). Điểm đặc sắc nhất của phim là việc sử dụng âm nhạc khiến người xem xúc động. Bản “Tống biệt” sử dụng trong bộ phim chỉ với một người hát và hai cây đàn nguyệt đệm đã hoàn toàn chinh phục khán giả dù chưa từng nghe ca trù.


Bên cạnh đó, màu sắc, hình ảnh và ánh sáng trong phim cũng được thực hiện một cách rất nghệ thuật. Ngoại cảnh và trang phục trong phim đã dựng lại xuất sắc một thời điểm lịch sử của Việt nam, với đình làng, giếng nước, cảnh nuôi tằm quay tơ, áo the thâm, khăn đóng…

10. Thương nhớ đồng quê

Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh được chuyển thể từ hai truyện ngắn Những bài học nông thônThương nhớ đồng quê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong bộ phim, sự trong sáng của làng quê chính là một điểm tựa tinh thần sau những đảo lộn về giá trị văn hóa và đạo đức của con người.


Thương nhớ đồng quê là một bài hát ru buồn man mác về nỗi niềm của chàng trai nhạy cảm 17 tuổi tên Nhâm. Đó không phải là nỗi buồn lãng mạn của một học sinh giỏi Văn, mà là nỗi buồn thương cho những kiếp người bị giam giữ trong cái mênh mang bất tận của những cánh đồng quê Việt Nam.




Chia sẻ