Phim kinh dị Việt Nam: kinh dị nửa vời

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Không phải dự án phim kinh dị nào của Việt Nam cũng có sức hút với công chúng khi đã có không ít bộ phim thuộc thể loại này không để lại ấn tượng đáng kể khi ra rạp.

Sau phim Giữa hai thế giới, sẽ có thêm Ngôi nhà trong hẻm, Lời nguyền huyết ngải, Bẫy cấp 3 ra mắt khán giả trong thời gian tới. Nhiều dự án phim kinh dị cũng đang “rục rịch” được thực hiện như: Bàu trắng, Những con búp bê và mùa Noel năm ấy…

Những hình ảnh đầu tiên của bộ phim Lời nguyền huyết ngải (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Hãng phim Thiên Ngân sản xuất) vừa được nhà sản xuất hé lộ qua trailer đầy bí ẩn và lôi cuốn. Hy vọng đây sẽ là một tác phẩm điện ảnh kinh dị thật sự tạo được dấu ấn riêng khi ra rạp vào dịp Tết Nhâm Thìn.


Lời nguyền huyết ngải thu hút khán giả điện ảnh ngay từ những ngày tuyển diễn viên. Bùi Thạc Chuyên cũng là một đạo diễn tên tuổi có thể kỳ vọng vì đã thực hiện những phim để lại dấu ấn cá nhân. Nhưng không phải dự án phim kinh dị nào của Việt Nam cũng có sức hút với công chúng khi đã có không ít bộ phim thuộc thể loại này không để lại ấn tượng đáng kể khi ra rạp.

“Sáng tạo” trên lối mòn?

Sau nhiều “kiểu phim” hành động, hài hước, điện ảnh Việt như đang chuyển dòng theo xu hướng làm phim kinh dị khi có nhiều phim thể loại này đang được thực hiện và xếp hàng chờ ngày ra rạp từ cuối năm nay. Thắng hay thua phải chờ đến ngày phim ra rạp nhưng theo nhận định của người trong giới, phim Việt thời gian qua cứ lẽo đẽo đi sau các trào lưu của thế giới nhưng lại thể hiện không tới nơi.

Khi dự án phim thuộc thể loại kinh dị Ngôi nhà trong hẻm (đạo diễn Lê Văn Kiệt, hãng phim hải ngoại Cocoparis LLC – đơn vị đã sản xuất các bộ phim Chuyện tình Sài Gòn, Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng) công bố, nhiều người trong giới và cả khán giả trên diễn đàn dienanh.net đã nhận thấy nội dung phim khá giống với một bộ phim nước ngoài. Điều dễ nhận thấy là nội dung phim cũng gợi liên tưởng đến câu chuyện trong phim Giữa hai thế giới (đạo diễn Vũ Thái Hòa, Công ty BHD sản xuất) đã được ra mắt vào khoảng cuối tháng 7 vừa qua. So sánh như vậy không phải để phủ nhận sáng tạo của đạo diễn và ê kíp thực hiện nhưng chính điều này khiến những người trong giới lo ngại bởi sự chuyển dòng sang thể loại kinh dị có thể sẽ chỉ là một sự luẩn quẩn, chưa thật sự là “thay mới không khí” cho màn ảnh rộng.


Đạo diễn Lê Văn Kiệt nói rằng ông hoàn toàn tự tin với kịch bản tự tay viết và được chăm chút, chắt lọc từng chi tiết. Nhưng khán giả hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi bởi cảm nhận được những nét tương đồng với phim nước ngoài đã từng xem. Ấn tượng xấu của phim Giao lộ định mệnh (phim bị phát hiện quá giống với bộ phim Shattered) đã tạo nên “tâm lý dè chừng”, có khán giả đã chia sẻ trên diễn đàn dienanh.net: “Không phải mình cố tình bới móc nhưng thực sự thấy nội dung một vài phim kinh dị Việt cứ na ná những phim của nước ngoài”.

Trong 7 dòng phim phổ biến thuộc thể loại kinh dị, điện ảnh Việt thường chỉ khai thác dạng phim kinh dị hỗn hợp (mixed horror: kinh dị kết hợp tình cảm, tâm lý, hài và hành động hoặc liêu trai kỳ bí). Sự hạn hẹp về dòng phim cũng để lại hệ lụy là sự bó hẹp về không gian và nhân vật. Âm thanh cũng là yếu tố chính được chọn để tạo nên hiệu ứng cho khán giả với loại phim này.

Kinh dị nửa vời

Hollywood khai thác khá nhiều phim thể loại kinh dị, có thể đo được sức hút của dòng phim này khi được công chiếu tại Việt Nam. Các nhà làm phim Việt đón bắt được tâm lý người xem và cũng rục rịch “dọn đường” cho phim kinh dị. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, việc so sánh phim kinh dị Việt với thế giới quả là khập khiễng, nó khác nhau một trời một vực. Phim nước ngoài cuốn khán giả theo nỗi sợ hãi, hồi hộp trong từng tình tiết dồn dập. Trong khi đó, phim Việt yếu tố ma, kinh dị nếu không tạo… tiếng cười thì cũng khiến người xem giật mình bằng hiệu ứng âm thanh nhiều hơn là nỗi sợ được gieo giữ và đè nén từ mỗi tình huống trong phim.


Hầu hết những phim đã ra mắt từ giai đoạn “thử nghiệm trở lại” với Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn (Hãng phim Nguyễn Chánh Tín vào năm 2007) đến nay đều nhạt nhòa và chưa đủ sức làm nên những dấu ấn nhất định cho thể loại này. Nếu xét về góc độ lôi cuốn được người xem đến phút cuối, những người trong nghề vẫn chỉ nhắc đến Giao lộ định mệnh.

Bộ phim Cột mốc 23 mới đây cũng tạo được sự chú ý bằng câu chuyện của một cô gái trước ranh giới của cái chết, bị cuốn vào hàng loạt tình huống rùng rợn qua sắp xếp của một đôi oan hồn… Tuy nhiên, nhà sản xuất đã rút lui ở “phút thứ 89” để gia cố lại khi yếu tố gây cười trong phim bị dư luận phản ứng. Tiếng cười vốn không phải là gia vị phù hợp với thể loại phim kinh dị, cố tình lồng ghép để tạo thêm sức hút hài hước nhưng rất dễ gây tác dụng ngược.

Điện ảnh theo trào lưu chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn, các nhà làm phim hiểu rõ điều này nhưng họ đều gặp nhau trên đường đua đến cái đích doanh thu. Nói vui theo những người làm nghề, trong nỗ lực tạo sự chú ý, kích thích tò mò để khán giả đến với rạp nếu phim không có “sao” thì nên “bí ẩn”.

Đề tài kinh dị vẫn đang được nhiều đơn vị sản xuất khai thác trong những nỗ lực sáng tạo mới nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng nó sẽ lại đi vào vết mòn của “kiểu nhát ma nhưng khán giả cười” như trên sân khấu kịch thời gian qua.

Thiếu nền móng

Một đạo diễn có tiếng trong giới nhìn nhận: “Có thể thấy rằng nhiều năm nay, điện ảnh Việt có sự đóng góp lớn của thế hệ đạo diễn nước ngoài. Họ đã mang về những món ăn có sức hút cho màn ảnh rộng. Được học hỏi và trau dồi từ môi trường đào tạo chuyên nghiệp nhưng các đạo diễn Việt kiều cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong cách, tư tưởng của các nhà làm phim nước ngoài nên cái gọi là “na ná nhau” hoàn toàn có thể. Đó cũng chính là một thất bại của đạo diễn Việt kiều khi mang những cái đã cũ của thế giới về làm thành cái mới cho mình”. Đạo diễn này cũng nói thêm rằng điện ảnh Việt vốn không xây được cái móng bền vững cho thể loại phim kinh dị, vì thế khi nền tảng ấy được thế hệ đạo diễn trẻ gầy dựng thì việc ảnh hưởng của phim nước ngoài là khó tránh khỏi.



Chia sẻ