Phí chồng lên phí, khách hàng sử dụng ATM vẫn "dở khóc, dở cười"

Bài, ảnh: Thanh Thủy,
Chia sẻ

<a href="http://afamily.vn/doi-song/tu-132013-rut-tien-qua-atm-se-mat-phi-2012122810501281.chn" target="_blank">Quyết định thu phí nội mạng</a> mỗi lần giao dịch ATM đang gây bức xúc cho nhiều người dân. Mức phí tưởng nhỏ nhưng với hạn mức rút tiền thấp, khách hàng phải rút thành nhiều lần nên các chủ thẻ đang có cảm giác bị mất tiền một cách vô lý.

Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ, trong đó có biểu phí mới về các giao dịch tại máy ATM.  Theo đó, từ ngày 1-3-2013, phí rút tiền nội mạng không quá 1.000 đồng/giao dịch. Đến năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015.

Các giao dịch rút tiền ngoại mạng phải chi trả tối đa 3.000 đồng/giao dịch. Riêng phí chuyển khoản là 15.000 đồng/lần, còn phí vấn tin tài khoản, in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản tối đa 500 đồng/lần (nội mạng) đến 800 đồng/lần (ngoại mạng). Ngoài ra, chủ thẻ ATM còn phải chi trả cho ngân hàng phí phát hành thẻ là 100.000 đồng và phí thường niên nhiều nhất là 60.000 đồng/năm.

(Theo báo Người Lao Động)


Trước đó, trong năm 2012, rất nhiều lần các ngân hàng đã "đòi" thu phí giao dịch ATM. 

Lý do mà các ngân hàng đưa ra cho việc thu việc phí giao dịch nội mạng lần này là để duy trì hệ thống ATM, bảo trì vận hành máy móc, nhân lực. Các ngân hàng không ngừng "kêu ca" rằng hệ thống ATM khiến họ bị lỗ, thất thoát. Do vậy, việc thu phí là cấp thiết để họ "bớt lỗ", để phục vụ tốt hơn khách hàng.

Tới đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận việc thu phí nội mạng của các ngân hàng. Theo đó, phí rút tiền nội mạng áp dụng cho năm 2013 tối đa là 1.000 đồng/giao dịch. 1/1/2014, mức phí này sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch và từ 1/1/2015 sẽ là 3.000 đồng/giao dịch, bằng với mức phí rút tiền ngoại mạng hiện nay.


Hàng loạt phí “đắt đỏ”


Nếu mới nghe qua các khoản phí ngân hàng sẽ thu người sử dụng thẻ ATM thì xem chừng rất nhỏ nhặt, không đáng kể. Tuy nhiên, theo tính toán trước khi bị thu phí nội mạng ATM, hiện tại các chủ thẻ đang phải chịu hàng loạt mức phí từ chuyển khoản nội mạng, in sao kê, kiểm tra số dư, phí rút tiền ngoại mạng…

Chị Nguyễn Thị Phương (Phú Đô, Từ Liêm, Hà Nội) - khách hàng đang sử dụng thẻ thanh toán nội địa Fast Access của Techcombank cho biết, thẻ của chị nếu dùng sẽ phải chịu phí phát hành lần đầu 100.000 đồng, phí phát hành thay thế thẻ hết hạn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, phí dịch vụ phát hành nhanh (nếu khách hàng yêu cầu) 200.000 đồng/lần, phí thường niên (thu theo năm, căn cứ thời hạn hiệu lực thẻ) 50.000 đồng/năm, phí cấp lại PIN 30.000 đồng, phí tra soát khiếu nại (nếu chủ thẻ khiếu nại không đúng) 80.000 đồng, phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác 5.400 đồng/giao dịch, phí giao dịch khác (không bao gồm giao dịch hỏi PIN) tại ATM của ngân hàng khác là 3.000 đồng/giao dịch, phí cấp bản sao hóa đơn giao dịch là 80.000 đồng/hóa đơn…

Tính ra, nếu dùng hết các dịch kể trên, tổng các loại phí mà chiếc thẻ bé nhỏ của chị Phương "gánh" vào khoảng trên... 600.000 đồng/năm.

Phí chồng lên phí, khách hàng sử dụng ATM vẫn
 
Rẻ hơn biểu phí của Techcombank, biểu phí phát hành và sử dụng thẻ Vietcombank Connect 24 – loại thẻ phổ thông được đa phần các cơ quan tổ chức chọn làm để trả lương nhân viên – như sau: phí phát hành thẻ thông thường: 50.000 đồng/thẻ, phí phát hành nhanh 50.000 đồng/thẻ, phí phát hành lại/thay thế thẻ: 50.000 đồng/lần/thẻ, phí cấp lại PIN 10.000 đồng/lần/thẻ, phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng/thẻ, phí đòi bồi hoàn 50.000 đồng/giao dịch, chuyển khoản tại ATM trong hệ thống của VCB là 3.300 đồng/giao dịch, giao dịch ATM ngoài hệ thống của VCB, rút tiền mặt 3.300 đồng/giao dịch, truy vấn số dư 1.650 đồng/giao dịch, in sao kê 1.650 đồng/giao dịch, chuyển khoản 3.300 đồng/giao dịch…
 
Chủ thẻ ghi nợ nội địa Active plus của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng phải chịu hàng chục loại phí: Phí phát hành thẻ 55.000, phí phát hành lại thẻ 44.000 đồng/lần, phí phát hành lại thông báo mã PIN 20.000 đồng/lần, phí tra soát (khi chủ thẻ khiếu nại không đúng) 20.000 đồng/lần, phí rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng khác 3.300 đồng/giao dịch, phí chuyển khoản trên ATM của ngân hàng khác 1.650 đồng/lần…
 
Nhìn những mức phí ATM thông thường như rút tiền mặt tại các ngân hàng khác hay vấn tin tài khoản, in sao kê… cứ nghĩ là lặt vặt chỉ từ hơn 1.000 đồng tới hơn 3.000 đồng/ lượt nhưng nếu cộng vào với nhau thì sẽ thấy con số này không hề nhỏ chút nào. Dù được trả lương 1 tháng 1 lần, nhưng tôi không rút hết vì khó bảo quản và tiêu hết ngay. Và như thế, trung bình 1 tháng tôi rút tiền 5 lần, kiểm tra tài khoản, chưa kể không phải lúc nào cũng rút đúng cây ATM phát hành thẻ. Sơ sơ, tôi cũng mất vài chục nghìn tiền phí. Trong khi tiền lãi ngân hàng họ trả thì chỉ vài nghìn đồng”, chị Phương chia sẻ.

Hạn mức thấp, trả toàn... tiền lẻ

Dù phải chịu hàng loạt các mức phí “đắt đỏ” như vậy nhưng thực tế các chủ thẻ ATM vẫn đang phải chịu khống chế số lần và hạn mức rút tiền/ lượt giao dịch được các Ngân hàng đơn phương đưa ra.

Thông thường hạn mức rút tiền/ lượt giao dịch của một số Ngân hàng lớn là từ 2 – 10 triệu đồng/ lượt giao dịch nhưng cũng có lúc hạn mức này lại chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng/lượt.

Loại thẻ ATM mình dùng có hạn mức rút tối đa là 5 triệu đồng/lượt và bình thường nếu rút vẫn được như vậy. Nhưng cũng đã có không ít lần khi giao dịch ngoài ngân hàng hạn mức này lại chỉ còn ở mức 200.000 đồng/lượt, thực sự, cũng chẳng biết là thế nào cả, đành phải chấp nhận giao dịch tiếp và mất thêm phí”, chị Mai Hương (Đống Đa, Hà Nội) kể.

Không những vậy, chất lượng dịch vụ của nhiều cây ATM như: tình trạng nghẽn mạng, không rút được tiền, máy hỏng, hết tiền, nơi để máy còn tình trạng mất vệ sinh, xếp hàng dài để chờ rút tiền vào dịp lễ, Tết… cũng đã khiến khách hàng không khỏi bức xúc.

Cũng theo tìm hiểu của PV, việc trả các loại mệnh giá tiền qua máy ATM phải hợp lý nhưng không ít khách hàng lại nhận được cả triệu tiền mệnh giá 10.000 đồng cùng lúc.

Phí chồng lên phí, khách hàng sử dụng ATM vẫn

Máy hỏng, trục trặc thì không nói nhưng bực nhất là sử dụng một số cây ATM của BIDV hay Vietinbank, dù tiền giao dịch vẫn thu như bình thường nhưng thay vì trả tiền chẵn không ít lần lại trả ra cho mình tới gần cả triệu cùng lúc đều là tiền lẻ loại mệnh giá 10.000 đồng. Tiêu cũng được nhưng cho vào ví nhiều khi rất bất tiện”, anh Phạm Sơn Hà (Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cũng cho hay, dù phải chịu nhiều mức phí nhưng người sử dụng thẻ ATM đang bị cảnh ngân hàng cung cấp dịch vụ ATM đơn phương khống chế số lần và hạn mức rút tiền/giao dịch, cũng như chất lưọng dịch vụ ATM còn nhiều điều đáng phàn nàn.

Việc thu tiền nội mạng có thể khiến người sử dụng ATM thiệt hại hơn do các ngân hàng tiếp tục hạ hạn mức rút tiền/giao dịch xuống để buộc chủ ATM phải thực hiện nhiều lần giao dịch hơn và do đó sẽ phải mất nhiều tiền phí giao dịch nội mạng hơn. Nên Ngân hàng nhà nước cần cân nhắc thời điểm, mức thu, các điều kiện, cũng như trách nhiệm xã hội của các bên có liên quan để bảo đảm sự hài hoà lợi ích quản lý nhà nước chung, phát triển phương thức thanh toán chi tiêu không dùng tiền mặt trong thời gian tới”, TS Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ