"Phát khổ" với hình ảnh phụ nữ Việt qua truyền thông

Quynh Anh,
Chia sẻ

Mấy ngày gần đây, bộ ảnh áo dài “xuyên thấu” của một hoa hậu được nhiều báo mạng đăng tải và nhận được dư luận trái chiều. Từ đó, nảy sinh nhiều vấn đề về hình ảnh người phụ nữ Việt qua các sản phẩm hình ảnh được đưa tới công chúng.

Diễn nhầm vai trong áo dài truyền thống?

Trang phục chủ yếu của người Việt Nam vẫn là Áo dài. Đây là loại trang phục được cộng đồng sử dụng không phân biệt vị trí xã hội với chiều dài lịch sử bền vững từ quá khứ đến hiện tại, là niềm tự hào của dân tộc, cũng là sự ngưỡng mộ của thế giới ao ước được một lần ngắm nhìn. Đôi tà Áo dài Việt Nam là dấu hiệu thể hiện nét đẹp ý nhị, kín đáo, cái dịu dàng ý tứ bên trong. Vì thế chiếc Áo dài là một trong số ít những trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của một thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc.

Với quan điểm đó, một bộ phận dư luận không bàn tán đến chuyện hoa hậu mặc đẹp hay xấu, mà chĩa hẳn mũi nhọn công kích vào tà áo trong suốt nhìn xuyên thấu với những tư thế có phần không được đàng hoàng. Mặc áo dài mà lại với tư thế đó thì xem ra người mẫu không thuộc bài cho lắm. Bởi trái với thông điệp về vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ Việt, bộ ảnh có phần phơi bày quá nhiều da thịt, gây phản cảm cho người đọc. Dẫu hoa hậu đã giải trình về mục đích của bộ ảnh là để phục vụ công tác quyên góp từ thiện, thì lời phân trần của cô xem ra không đọng được nhiều giá trị trong lòng bộ phận độc giả nói trên. Cũng có bộ phận người đọc có quan điểm đồng ý và cảm thông với ekip chụp hình.

Đồng quan điểm, một nhà xã hội học cho biết: "Bạn muốn diễn tả sức sống, sự quyến rũ gợi cảm của một thanh nữ, thì không cần bạn phải biểu cảm theo phong cách ấy. Vì nội tại trong Áo dài, khi bạn chuyển động, cái mềm mại bay bổng của hai tà áo, nét gợi cảm ở phần da thịt lấp ló bên hông đã thể hiện tính cách dương ở trong âm vô cùng đặc biệt, chứ không cần bạn phải oằn oại. Người đọc cảm thấy mình bị xúc phạm khi quốc sĩ bị đem ra thể nghiệm sai hướng. Do đó họ phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu. Đồng ý rằng giữ gìn và quảng bá Áo dài không chỉ dừng lại vào việc treo trong bảo tàng, in trong sách ảnh, mà phải đưa vào được trong đời sống thực tế hiện nay. Tuy nhiên, chính sự hòa quyện giữa đạo đức và giá trị thẩm mỹ trong tà Áo dài Việt Nam mới chính là sợi chỉ đỏ minh chứng cho sức sống trường tồn và tính ứng dụng cao của loại hình trang phục này."

Nặng nề hơn nữa, nhiều phản hồi về việc này cho thấy, chính việc "không hiểu giá trị quốc gia" của ekip chụp hình đã vô hình biến bộ ảnh thành một sản phẩm quảng bá méo mó về hình ảnh phụ nữ Việt Nam thời đại. Sự việc này gợi lại cuộc họp Thảo luận về Dự thảo Luật quảng cáo cuối năm 2011.

Méo mó hình ảnh phụ nữ Việt trong các sản phẩm truyền thông

Một bộ nhận diện thương hiệu hay bài viết, clip quảng cáo đều có tác động hai chiều tới dư luận do tính phổ biến trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo mạng và truyền hình - hai công cụ có sức mạnh lan thông tin nhanh nhất hiện nay.

Trong cuộc họp nói trên, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của phụ nữ đã bị hạ thấp thông qua các quảng cáo có nội dung phụ nữ ở nhà nội trợ phục vụ chồng với các hành động trong ngày chỉ quanh quẩn ở nấu nướng, giặt giũ... còn hình ảnh đàn ông thì ngược lại. Do quảng cáo có tính truyền tải thông điệp với đối tượng đại chúng, nên theo một số đại biểu, những quảng cáo trên đã đưa ra "lời nhắn nhủ" về bất bình đẳng giới - một thông điệp có tính sai lệch nghiêm trọng với tiêu chí phát triển của thế giới ngày nay. Dẫu biết văn hóa gốc rễ từ kinh tế nông nghiệp của nước ta có thiên hướng trọng truyền thống thiên về âm tính, tức, phụ nữ ở nhà nội trợ cho chồng, nhưng đến mức bất bình đẳng giới như vậy, thậm chí "phơi bày cơ thể" phụ nữ trong một số quảng cáo hình và bộ ảnh thì cần phải xem xét lại.

Cách cư xử thiếu tôn trọng của một số quảng cáo đối với phụ nữ Việt Nam cũng có tác hại nghiêm trọng tới công tác giáo dục cũng như tác hại của những bộ ảnh của người nổi tiếng. Người ở độ tuổi thanh niên có thể đứng trên quan điểm thẩm mỹ riêng để đồng tình với những hình ảnh ấy. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh, đặc biệt cuối cấp 2, đầu cấp 3, việc tràn lan các hình ảnh từ mặt trái của truyền thông đã biến những thông điệp méo mó thành các trào lưu.


Đơn cử việc người lớn đang "ngộ độc" với áo dài siêu mỏng của nữ sinh như tác giả một bài báo về áo dài nữ sinh đưa tin: "Theo tìm hiểu, đa phần nữ sinh "dám" mặc áo dài siêu mỏng đến lộ cả quần chip thường a dua với bạn bè và cùng chung một quan điểm về "cái đẹp" với bạn bè. Nói cách khác, theo tâm lý đám đông, thấy áo dài bạn mình mỏng tang và khoe được cả làn da cơ thể, nữ sinh "hò zô" thể hiện mình bằng cách... càng mỏng càng tốt. Chưa kể những nữ sinh "vượt qua" được tâm lý đám đông bằng cách chơi trội nội y khác màu với tà áo trắng. Thế là trên sân trường, lấm tấm những chấm hồng, chấm tím lẩn khuất sau tà áo dài trắng vốn là ẩn dụ của sự đoan chính và thánh thiện."

Do đó, để tránh những tác hại xấu do mặt trái của truyền thông gây ra, cần lắm công tác giáo dục ý thức, tri thức thẩm mỹ cho từng độ tuổi thích hợp để có định hướng đúng đắn trong văn hóa ăn mặc, quan điểm và lối sống.

Chia sẻ