Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa

Bài - Ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Gần 12 năm làm điều dưỡng, chị U. cho biết nghề này có rất nhiều áp lực. Áp lực phải thức khuya dậy sớm, làm việc theo ca trực bất kể ngày đêm, rồi có lần còn bị cha bệnh nhi cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu.

Sự việc này xảy ra vào đầu tháng 5 tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM).

May mắn là nữ điều dưỡng kịp thời tránh né nên không bị thương. Tuy nhiên một màn hình camera tại quầy nhận bệnh đã hư hỏng.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 1.

Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM).

Điều dưỡng N.T.U (32 tuổi, ngụ TP.HCM) kể lại, lúc đó khoảng 21 giờ đêm, bé B.A (1 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) được người nhà đưa đến trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm khóc nhiều, nôn ói.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ cấp cứu cho rằng bệnh nhi cần được can thiệp phẫu thuật.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 2.

Khu vực quầy nhận bệnh nơi xảy ra sự việc.

"BV không có khoa Ngoại nhi nên bác sĩ trực mới quyết định sẽ chuyển bé sang BV Nhi đồng 2 điều trị tiếp. Tuy nhiên khi giải thích với người nhà, vì không hiểu và tưởng rằng nhân viên y tế tắc trách nên người cha liên tục chửi bới mọi người. Sau đó gia đình tự ý ẵm bé rời viện. Ra đến quầy nhận bệnh, người cha bất ngờ cầm chiếc nón bảo hiểm trên tay đập mạnh xuống vị trí của nữ điều dưỡng đang viết hồ sơ" – điều dưỡng U. kể.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 3.

Màn hình camera bị hỏng sau khi người nhà bệnh nhi đập trúng.

Sau khi sự việc xảy ra, dù trích xuất camera xác định rõ khuôn mặt đối tượng, tuy nhiên Ban giám đốc BV quyết định không nhờ cơ quan công an can thiệp.

Liên quan đến mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế, theo các điều dưỡng, việc họ bị người nhà bệnh nhân chửi bới, lăng mạ là chuyện cơm bữa. Thậm chí sẽ có lúc bị người mình vừa cứu mạng tấn công.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 4.

Môi trường làm việc áp lực, nguy hiểm là thứ mà các điều dưỡng và nhân viên y tế đang phải đối mặt.

"Có lần hai băng đại ca giang hồ đánh nhau khiến một người chết, một người bị thương đưa vào BV. Họ kéo vào bao vây, hăm dọa rằng ai mặc áo blouse trắng sẽ chém người đó. Dù rất sợ nhưng sau khi đi trốn, các bác sĩ và điều dưỡng tụi em phải thay đồ bình thường ra băng bó, cứu chữa cho họ trước sự giám sát của công an" – Nữ điều dưỡng kể.

Gần 12 năm làm điều dưỡng, chị U. cho biết ngoài những áp lực đến từ người nhà bệnh nhân, nghề này còn có rất nhiều áp lực. Áp lực phải thức khuya dậy sớm, làm việc theo ca trực bất kể ngày đêm khiến người điều dưỡng rất mau già. Việc phải gắn mình nhiều giờ trong BV cũng khiến bản thân nữ điều dưỡng gặp khó khăn trong việc chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Đó là chưa kể cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn khi mức đãi ngộ chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 5.

Trong hoàn cảnh nào, người điều dưỡng cũng phải tận tâm chăm sóc cho bệnh nhân.

Dù vậy, động lực để theo nghề với chị U. cũng chính từ những bệnh nhân mà cô chăm sóc.

"Nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hay chấn thương nặng, mình sơ cứu khẩn cấp rồi chuyển họ đến ngay cho bác sĩ. Khi bệnh nhân được cứu sống và khỏe mạnh, họ tìm đến gặp ekip điều trị cảm ơn. Dù khi đó chỉ là một bó hoa nhỏ hay giỏ trái cây thôi thì bản thân mình và các anh chị cũng cảm thấy rất vui, vì bệnh nhân đã hiểu và trân trọng nhân viên y tế" – điều dưỡng Uyên trải lòng.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 6.

Điều dưỡng chính là người tiếp nhận, theo sát bệnh nhân từ đầu.

Đã về hưu từ năm 2004, cô Trần Thị Tam Hỷ (69 tuổi, quê Thừa Thiên Huế), có 44 năm gắn với nghiệp điều dưỡng ở chuyên khoa Sản, BV Nhân dân Gia Định. Trong buổi họp mặt nhân Ngày điều dưỡng thế giới, người phụ nữ xúc động chia sẻ lại ca "đỡ đẻ" mà mình không thể nào quên.

"Lúc đó là buổi chiều của hơn 20 năm về trước, sản phụ mang thai ngược được chuyển từ BV quận Thủ Đức đến trong tình trạng vô cùng nguy cấp: Cơ thể và chân đã ra ngoài nhưng đầu bị vướng lại.

Tiếp nhận trong tình huống này, một tay tôi đỡ thân người, tay còn lại dùng kỹ thuật kéo đầu ra sau cùng, trong khi băng ca vẫn đẩy vào phòng mổ. May mắn là khi lôi được ra, đứa bé bật khóc trong ít phút. Điều này thật kỳ diệu, vì suốt quãng đường từ Thủ Đức đến đây khá xa, đầu bé hoàn toàn mắc kẹt trong người bà mẹ nhưng đứa nhỏ vẫn sống sót" – bà Hỷ kể.

Ngần ấy năm gắn với nghề chăm sóc bệnh nhân, bà Hỷ đúc kết lại, cốt lõi của công việc điều dưỡng nằm ở chữ tâm. Có tâm và coi người bệnh như người thân của mình, mọi trở ngại đều có thể vượt qua.

Nữ điều dưỡng trải lòng từng bị bệnh nhân cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu, côn đồ kéo đến hăm dọa - Ảnh 7.

Các điều dưỡng tại BV Nhân dân Gia Định đang hướng dẫn thân nhân người bệnh cách vệ sinh tay.

"Ngày xưa trong ghế nhà trường, tôi được thầy dạy phải chăm chút bệnh nhân thật kỹ lưỡng, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ như dắt một bà bầu qua đường. Tôi mong các bạn điều dưỡng trẻ bây giờ dù bận rộn đến đâu hãy cố gắng nở nụ cười với bệnh nhân. Hãy nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc họ, giải đáp thắc mắc khi họ cần.

Chăm sóc bệnh nhân cũng là cách để nâng cao tay nghề, bởi điều dưỡng là người theo sát bệnh nhân ngay từ lúc nhập viện, những chẩn đoán ban đầu của mình giúp ích rất nhiều cho bác sĩ. Giờ mình già rồi, cũng phải đi khám bệnh thường xuyên nên mình hiểu bệnh nhân muốn gì. Một nụ cười là liều thuốc vô cùng quý giá đối với bệnh nhân" – bà Hỷ tâm sự.

Chia sẻ