Nỗi niềm dâu “quê”

,
Chia sẻ

Cũng giống như bao cô gái, họ lên xe hoa về nhà chồng nhưng trong họ luôn bị một tâm lý là gái quê với những nỗi niềm mặc cảm.

 
Lần đầu tiên về nhà ra mắt gia đình người yêu, Lành đã bắt gặp những cái nhìn thiếu thân thiện của mẹ Khang. Tốt nghiệp đại học tài chính kế toán, Lành một thân lập nghiệp ở Hà Nội. Lành đang làm cho một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan với mức lương nhiều người phải ao ước. Nhưng họ hàng nhà Tuấn đặc biệt là mẹ và mấy bà chị thì luôn coi Lành là một cô gái tỉnh lẻ, “yêu Tuấn chỉ vì muốn có hộ khẩu Hà Nội” và thua kém con trai Tuấn về mọi mặt.

Đám cưới Lành diễn ra không trọn vọn khi gia đình bên nhà trai tổ chức miễn cưỡng. Quê tận Tuyên Quang, nên chỉ có vài người tham dự niềm vui của Lành. Giờ làm dâu trong ngôi nhà đầy tiện nghi và sang trọng nhưng Lành luôn cảm thấy mình lạc lõng cô đơn.

Cố gắng để trở thành nàng dâu ngoan, Lành luôn tìm cách để gần gũi, thăm hỏi mẹ chồng nhưng bà lại luôn ngờ vực vào sự nhiệt tình của con dâu. Bất cứ hành động nào của Lành cũng bị bà ròm ngó.

Làm dâu được hai năm, Hồng, cô gái quê Nghệ An, chẳng có chút quyền hạn gì trong nhà chồng. Sống chung với gia đình chồng, mọi việc từ đi chợ hàng ngày cho đến mua bán, những việc lớn trong nhà đều do mẹ chồng điều khiển. Hồng chỉ biết một dạ hai vâng.

Có lần đi làm về, Hồng tình cờ nghe được câu chuyện của mẹ chồng nói với hàng xóm: “Con bé này nó lấy thằng Thái nhà tôi đúng là chuột sa trĩnh gạo, tự nhiên là gái thủ đô, giờ về quê tha hồ lên mặt. Con dâu gì mà chẳng bao giờ biết biếu mẹ chồng cái gì, suốt ngày xui chồng bênh vợ”. Hồng im lặng, rơi nước mắt nghĩ thân phận mình buồn tủi.

Hồng ít khi gọi điện về nhà cũng vì đã từng bị mẹ chồng nhắc nhở “buôn điện thoại gì mà lắm thế, có chuyện gì đâu mà suốt ngày gọi về quê”. Cả năm, Hồng chỉ về quê có một hai lần. Về nhà có một mình, họ hàng hỏi han chàng rể, Hồng chỉ biết nói lái: “Chồng con đang bận đi công tác”. Rồi bạn bè cũng ngại chẳng bao giờ đến chơi.

Nghe cái tin Ngân lấy chồng thủ đô, bạn bè ai cũng kêu: “số mày sướng, giờ có chồng Hà Nội chẳng phải lo gì”. Ai sống trong hoàn cảnh của Ngân mới hiểu cảnh làm dâu thế nào. Mẹ chồng có kiot ở chợ Đồng Xuân, Ngân phải  nghỉ việc để chạy chợ giúp mẹ. Đang làm hành chính ở một công ty tư nhân, giờ động tới chuyện tiền nong, kinh doanh đối với Ngân quả là khó khăn. Nhiều lần tính toán nhầm lẫn, Ngân bị mẹ chồng lườm nguýt: “Các cô ở nhà quê tưởng kiếm tiền dễ, mấy lần thế này thì sạt nghiệp”.

Hàng xóm xung quanh ai cũng khen: “Có nhà chồng giàu có, tha hồ sướng…” mà đâu biết cô cũng phải cắn răng sống cảnh phân biệt dâu quê. Buồn nhất là có một  số người họ hàng nhà chồng coi khinh người nhà quê. Nhìn cháu dâu mấy bà cô dè bỉu “Gái thành phố đầy mà không chịu lấy, tự nhiên rước con bé quê ra vừa già lại vụng. Thằng cháu mình nó dại, chứ không chẳng ma nào nó ròm ngó tới…”.

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Từ khi Lành có mang, mẹ chồng mới thay đổi cách đối xử. Bà không còn xích mích hay để ý gì tới Lành chỉ vì điều quan trọng đối với bà là đứa cháu đích tôn đang trong bụng. Lành không phải đụng tay vào việc nhà, nhiệm vụ quan trọng là phải có đứa cháu trai nối dõi. Mẹ chồng thay đổi tính, Lành cũng cảm thấy thoải mái hơn chút ít nhưng vẫn mặc cảm về thân phận của mình.

Từ những hậm hực với mẹ chồng nên đã nhiều lần chị Hồng trút cả lên chồng. Chồng của Hồng chỉ biết làm nguôi ngoai cơn nóng giận của vợ bằng cách an ủi rằng “mẹ anh nói vậy chứ không có ác ý gì”. Anh thường rỉ tai với vợ: “cố gắng một chút, khi nào có điều kiện vợ chồng mình sẽ có nhà riêng”.

Còn Ngân, một lần trả tiền hàng bị hụt mất hơn một triệu. Không chịu nổi những lời ác ý của mẹ chồng coi thường “dân nhà quê”, vợ chồng Ngân quyết định thuê nhà ở riêng. Từ đó, chẳng bao giờ, Ngân muốn quay trở về nhà chồng. Cái tiếng “con dâu hư” trong mắt mẹ chồng không biết đến bao giờ mới thay đổi được.  

Xã hội hiện đại, một số ít người dân thành phố vẫn luôn có con mắt ác cảm với những cô gái xuất thân từ tỉnh lẻ về làm dâu trong nhà mình. Chính những quan niệm sai lầm đã tạo ra một khoảng cách ngăn cản tình cảm mẹ chồng nàng dâu trong gia đình, khiến người chồng vào tình trạng khó xử. Không thể nào đánh giá con người qua nguồn gốc xuất thân của họ.

Tuyết Mai

Chia sẻ