Nỗi niềm đàn bà trụ cột

Theo Me&be,
Chia sẻ

Cưới nhau được 3 năm, hầu như mọi vật dụng trong nhà Nga đều tự sắm, bởi lương chồng đưa mỗi tháng không đáng kể. Đã thế, Nga còn khổ vì chồng hay dỗi.

“Mình mỗi tháng kiếm ngót chục triệu. Xã nhà mình lương thấp, công ty lại đang khó khăn nên tháng đưa được 2 triệu, tháng thì ít hơn. Bao lo toan cơm áo gạo tiền, nội – ngoại hai bên rồi tiền học mẫu giáo cho con chồng chất lên mình. Thế nhưng, chưa bao giờ mình nhận được sự thông cảm hay động viên từ chồng” – Nga (nhân viên kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu) than.

Ảnh minh họa

Nga cho biết, chồng mình hiền, có trách nhiệm với gia đình nhưng hay mặc cảm kém vợ, thành ra động tý là... dỗi vặt. Nga thích sắm mới quần áo, mỹ phẩm cũng là vì lý do công việc thì bị chồng trách lãng phí, rồi còn “mỉa mai” vợ là “kiếm được vài đồng đã ti toe”. Xong, chồng Nga còn dỗi... không thèm ăn cơm. Con ốm, Nga muốn mua thuốc ngoại cho con thì chồng bảo là: “Điên, thuốc ngoại đắt tiền là do phí nhập khẩu, chứ thuốc nào chả có từng ấy thành phần”... Nga không nghe chồng, quyết làm theo ý mình thì chồng “đình công” bằng cách con ốm vẫn đi nhậu tới khuya, bỏ mặc vợ một mình xoay sở lo cho con...

“Nhiều khi cứ nghĩ hay là mình kiếm tiền hơn chồng là một cái tội” – Nga nói.

Từ ngày yêu nhau, Lam (làm việc trong một ngân hàng) đã kiếm tiền nhiều hơn bạn trai đến 4 lần. Kết hôn xong, không phải chuyện chồng đưa ít tiền khiến Lam mệt mỏi mà áp lực ở chỗ chồng luôn bất mãn, nghĩ mình kém hơn vợ nên vợ nói gì là để bụng. Chẳng hạn, lần mới đây, Lam muốn đổi tivi “xịn”, chồng than loại đó đắt, Lam buột miệng: “Có đáng bao nhiêu...” thì chồng cáu kỉnh, nói vợ không ra gì. Những lần sau, nếu Lam có đề xuất mua cái nọ, sắm cái kia thì chồng tỏ vẻ... không cần, vừa nghe vợ nhưng mắt vẫn dán vào tivi.

“Tháng nào mình cũng phải gồng lên tính toán để lo sinh hoạt gia đình, tiền học cho con... Hôm nào bận việc về muộn là chồng để bếp núc y nguyên, dù mình đã gọi điện nhắn chồng rửa rau, cắm hộ cơm trước” – Lam ca cẩm.

Không ít lần, Lam khuyên chồng thử đổi việc để cải thiện kinh tế cho gia đình nhưng chồng Lam không tiếp thu, còn... sinh sự với vợ.

Trong gia đình, khi người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng thường khiến chồng nảy sinh tâm lý tự ti, khó chịu. Tùy hoàn cảnh, vợ chồng có thể động viên nhau để cùng tìm cách cải thiện thu nhập, khi đó người vợ không phải làm trụ cột đơn độc nữa mà trong nhà sẽ có hai trụ cột. Kinh tế được cải thiện, người chồng kiếm được tiền nhiều hơn cũng sẽ bớt tâm lý bất mãn. Tất nhiên, cũng cần lường trước trường hợp chồng “xông pha” mà bị thất bại để tránh cằn nhằn, cau có, xỉa xói khiến gia đình có khi còn tan nát hơn trước.

Tuy nhiên, với những người chồng an phận hoặc không có điều kiện nâng cao thu nhập thì gợi ý trên khó hiệu quả. Nhiều trường hợp, người vợ có cơ hội kiếm tiền tốt hơn người chồng (do có điều kiện, do năng động, dám mạo hiểm...); trong khi đó, người chồng cứ “ì ạch” hoặc hầu như dậm chân tại chỗ... Lúc đó, đòi hỏi cả hai vợ chồng phải tâm lý và thông cảm cho nhau. Người vợ tránh tỏ ra coi thường hay so sánh chồng mình với những anh chồng giỏi kiếm tiền khác... Nên nhìn vào mặt mạnh của chồng và động viên để chồng tự tin hơn, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến tốt hơn. Còn người chồng cũng nên thông cảm cho vợ, không nên bất mãn, cố chấp, ỷ lại vợ hay lười nhác việc nhà...
Chia sẻ