Nỗi lòng người mẹ bán nhà chữa bệnh cho con

Theo Dantri,
Chia sẻ

Để chữa bệnh cho con chị đã quyết định bán nhà rồi bán cả mảnh đất cắm dùi và sẵn sàng bán cả mảnh đất rừng của mình.

Tôi cứ mường tượng ra cái cảnh, trong căn lều nhỏ bên bờ suối một đứa bé bệnh tật khao khát được đến trường, một người đàn ông ốm yếu ngồi bó gối nhìn vào rừng và một người phụ nữ bé nhỏ bươn bả trong cơn mưa rừng mùa lũ kiếm kế sinh nhai nuôi cả gia đình.
 
11 tuổi, bé Lương Thị Sim đã phải "sống chung" với căn bệnh viêm cầu thận mãn tính 5 năm trời

Để chữa bệnh cho con chị đã quyết định bán nhà rồi bán cả mảnh đất cắm dùi và sẵn sàng bán cả mảnh đất rừng của mình. Thế nhưng thông báo của bác sỹ khiến chị rụng rời: bệnh của con gái chị phải kiên trì chữa trị trong một thời gian rất dài.
 
Chị ngồi bó gối trên giường bệnh, mắt nhìn chăm chăm vào đứa con gái độc nhất đang thiu thiu ngủ. Hai mẹ con vừa nhập khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Nghệ An ngày 26/9. Chị cũng không nhớ bao nhiêu lần phải vượt hơn 200 cây số đưa con xuống đây để điều trị bệnh viên cầu thận mãn tính.

Chị Vi Thị Bé (bản Khun, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) kể chuyện bằng cái giọng đều đều của người quen khổ cực. Số phận chị hẩm hiu, chồng bị vôi cột sống nên không thể làm được gì, một mình chị phải gánh vác mọi việc trong nhà. Năm 2000, cháu Lương Thị Sim ra đời. Cái khổ, cái khó lại càng bám riết gia đình nhỏ này khi Sim nay ốm mai đau suốt.

Năm 2006, cháu Sim hay kêu đau bụng, đau lưng, mắt bắt đầu sưng húp lên, bụng trướng. Không có điều kiện đưa con đến bệnh viện khám, chị Bé chạy tìm nhà thầy lang cắt thuốc nam cho Sim uống. Sau 7 tháng, bệnh tình của Sim đã đỡ. Khỏi bệnh, Sim lại tiếp tục đi học. Chưa kịp mừng thì năm 2007 bệnh tình của cháu tái phát với những biểu hiện nặng hơn lần đầu. Gom góp tiền bạc đưa con xuống Bệnh viện Nhi Nghệ An kiểm tra, chị chết lặng khi các bác sỹ thông báo: Cháu bị viêm cầu thận tái phát, phải kiên trì chữa trị trong thời gian rất dài.

Điều trị 19 ngày ở Bệnh viện Nhi Nghệ An thấy tình hình có vẻ đỡ, chị lại mang con về. Đều đặn cứ 20 ngày chị lại vượt gần 200km từ nhà xuống Vinh để xét nghiệm và lấy thuốc điều trị cho con. Đến cuối năm 2009, bụng của Sim ngày càng trướng to, mắt, mặt sưng húp, thường xuyên bị đau lưng không thể ngồi được nên việc đi học cũng trở nên khó khăn hơn.
 
Mượn được cuốn sổ của PV, cô bé cúi rạp cả người xuống giường hí hoáy viết cho thõa nỗi nhớ sách vở.
 
Lúc này mọi tài sản trong nhà của chị đều đã bán để chữa bệnh cho con, chị bán nốt căn nhà sàn được 32 triệu đưa con chạy đi chạy lại giữa nhà và bệnh viện. Số tiền bán nhà cũng hết mà bệnh tình con không thuyên giảm, chị đành chuyển sang mua thuốc nam cho con uống. Hễ người ta bày ở đâu có thầy giỏi là chị gom góp tiền khăn gói đến mua thuốc. Chị lại bán nốt mảnh đất cắm dùi, đất miền núi, cho không người ta cũng không lấy chứ nói chi đến bán. May là mảnh đất đó có ít cây gỗ sắp đến kỳ thu hoạch nên người ta mới đồng ý mua cho với giá 6 triệu đồng.

Hết nhà, hết đất, vợ chồng con cái dắt díu nhau ra bờ suối dựng cái lán để ở. Lo thuốc thang cho con, cho chồng rồi ăn uống chi tiêu trong nhà nữa, chị phải nai lưng đi làm. Hết hái măng về phơi khô lại vào rừng chặt lùng bán cho các cơ sở sản xuất hương. Thân đàn bà yếu ớt nhưng chị phải gồng người lên mà vác cả bó lùng to từ trong rừng ra nhưng mỗi ngày cật lực cũng chỉ được 70-80 nghìn đồng.

Các bác sỹ nói là bệnh tình của Sim phải kiên trì chữa trị trong một thời gian dài. Hai vợ chồng tôi chỉ được mỗi mình cháu, nếu cháu có mệnh hệ gì thì… Sắp tới chỉ còn mảnh đất rừng cuối cùng chắc cũng phải bán nốt mà lo cho cháu thôi”, chị Bé ngậm ngùi.

Chợt bé Sim tỉnh giấc, thấy cuốn sổ của tôi bé rụt rè mượn rồi hí hoáy viết. Chị Bé nước mắt ngắn dài: "Bệnh tật nên cháu phải nghỉ học suốt. Xuống đây chữa bệnh nhưng cháu chỉ hỏi khi mô được về nhà đi học. Nghe con hỏi tôi chỉ biết khóc”.

Sim đưa trả cho tôi cuốn sổ, dòng chữ tên bố, tên mẹ được Sim viết nắn nót tròn trịa rất đẹp. “Cháu nhớ trường, nhớ lớp, nhớ cô giáo và các bạn nữa. Cháu chỉ mong nhanh khỏi bệnh để được đi học thôi”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Hoa - Trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết: “Bệnh nhân Lương Thị Sim bị mắc hội chứng thận hư tiền phát tái phát - một dạng mãn tính của viêm cầu thận. Bệnh này mang tính chất hay tái phát nên liệu trình điều trị lâu dài. Hiện tại chi phí điều trị của cháu đang do bảo hiểm chi trả nhưng cái khó nhất là phải kiên trì, gia đình phải mất công sức, tiền của đi lại nhiều vì cứ 2 tuần cháu lại phải đến kiểm tra, làm lại các xét nghiệm và lấy thuốc điều trị một lần”.
 
Hết đất rồi, liệu chị còn gì để bán mà cầm cự sự sống cho đứa con độc nhất?
 
Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Vi Thị Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu ông Lô Văn Tốn cho biết: “Đây là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã, chồng yếu, con đau, một mình chị Bé phải gồng gánh mọi việc, khổ lắm. Hiện tại xã đang cố gắng hết sức để giúp đỡ gia đình trong phạm vi khả năng của mình nhưng là xã miền núi nên cũng không giúp được bao nhiêu. Trước mắt, UBND xã quyết định miễn toàn bộ chi phí đóng góp đầu học năm cho cháu Lương Thị Sim đồng thời tạo điều kiện hết sức để gia đình chị Bé được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước”.
Tôi cứ mường tượng ra cái cảnh, trong căn lều nhỏ bên bờ suối một đứa bé bệnh tật khao khát được đến trường, một người đàn ông ốm yếu ngồi bó gối nhìn vào rừng và một người phụ nữ bé nhỏ bươn bả trong cơn mưa rừng mùa lũ kiếm kế sinh nhai nuôi cả gia đình.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Vi Thị Bé, bản Khủn, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Nghệ An


 

Chia sẻ