Nỗi khổ Việt kiều

Xuân ,
Chia sẻ

Tôi định cư ở nước ngoài từ năm 20 tuổi, đến giờ đã được gần mười năm, cha mẹ đều là con một, họ hàng cũng tứ tán cả nên tôi không có nhiều mối liên hệ với Việt Nam.

Chồng tôi thì trái lại, tuy cũng đã ở bên này một thời gian dài nhưng cha mẹ, họ hàng bạn bè của anh ở trong nước vẫn còn rất nhiều. Năm nào cũng vậy, dù bận đến mấy anh cũng phải lặn lội về quê ít nhất một lần và nhất định đòi tôi đi cùng. Đó là việc khiến tôi hết sức mệt mỏi.

Không phải tôi không yêu Việt Nam, vấn đề là ở chỗ mọi người nhà anh. Quê chồng tôi là một vùng quê nhỏ và nghèo. Để đến được đó, chúng tôi phải đi máy bay mười mấy tiếng đồng hồ từ bên này, lại đi tiếp ô tô dăm bảy tiếng nữa, cuối cùng mới bắt taxi từ bến xe về nhà anh. Mà đường vào nhà anh vừa nhỏ vừa lầy lội, taxi cũng chẳng vào được, tôi phải vừa tay xách nách mang vừa cuốc bộ rõ lâu mới vào đến nơi.



Bố mẹ chồng thì không thích tôi. Các cụ đã già cả, nghiêm khắc nên lúc nào cũng nghĩ là tôi “hiện đại” quá. Nào là con không được mặc quần ngắn thế (quần chỉ ngắn trên đầu gối chút chút); nào là con là phận dâu con, về nhà phải chịu khó chào hỏi các bác các chú, đừng có rúc mãi trong phòng thế; con phải tập nấu ăn đi, luộc gà là việc đơn giản nhất rồi (ở bên kia tôi có ăn gà luộc bao giờ)…

Cô dì chú bác họ hàng của chồng tôi ở quê rất đông, có đến hơn trăm người là ít. Mỗi năm tôi về có một lần làm sao nhớ hết được, vậy mà ai gặp cũng hỏi tôi có nhớ bác T, chú X không. Thấy tôi ngập ngừng thì lại dỗi, bảo nhà mày đi lâu mất hết cả gốc rễ nguồn cội, nhà mày không coi bác ra gì. Sự cổ hủ còn thể hiện cả trong lúc ăn uống: đàn ông ăn trước ở mâm trên, đàn bà phải ăn sau và ở mâm dưới. Tôi thật không hiểu nổi, thế kỷ 21 rồi mà sao người ta lại còn có chuyện trọng nam khinh nữ đến thế?

Mà hình như bất kỳ ai tôi gặp cũng nghĩ cứ ở “bên Tây” nghĩa là “rất giàu có” thì phải. Lần nào về quê tôi cũng chu đáo chọn quà thật kỹ lưỡng. Vậy mà không ít lần tôi nhận được vẻ thất vọng thể hiện rõ trên mặt người nhận khi họ cầm quà của chúng tôi. Có lần tôi còn “vô tình” nghe thấy cô em họ của chồng nói rất to: Tưởng đi Tây về ghê gớm sao chứ, mấy cái áo này ra chợ có mà đầy. Nghe xong câu ấy tôi ức suýt khóc.

Cũng vì ý nghĩ “ở Tây giàu lắm”, ngoài khoản tiền hàng tháng chồng tôi gửi cho cha mẹ, cứ thỉnh thoảng các cụ lại nhắn sang bảo gửi về 200 đô cho con cô L ra Hà Nội học đại học, 500 đô cho chị Y đang ốm nằm viện…, cứ như chúng tôi là cái kho phát miễn phí không bằng. Nếu tôi có lỡ kêu ca gì thì mẹ anh mắng át đi ngay: “Chúng mày ở Tây lương tháng tính ra gần trăm triệu bên này mà không giúp được họ hàng làng nước một tí để người ta nói cho à? Đi đâu cũng đừng quên gốc rễ con ạ”.


Thì chúng tôi nào dám quên gốc rễ, nhưng các khoản tiền trả góp nhà, các loại hóa đơn, tiền chợ tiền búa, học phí cho con… có tháng nào nghỉ được đâu. Các cụ chắc hẳn không biết tối nào tôi cũng loay hoay với quyển sổ chi tiêu mà gạch khoản này, thêm khoản kia, bù khoản khác. Trong lúc ấy, thật sự tôi cũng chẳng quan tâm một người không biết tên ở một vùng quê xa xôi nào đó chê bai gì mình nữa. Xét cho cùng, những điều đó chẳng có gì liên quan đến tôi cả.

Cách đây mấy ngày, ở nhà anh lại nhắn sang: Con chú V muốn vợ chồng tôi bảo lãnh cho sang bên này làm việc. Mẹ anh ra lệnh cho vợ chồng tôi phải lo thủ tục gấp, rồi đón cháu sang, cho ở tại nhà chúng tôi đồng thời nuôi ăn nuôi mặc cho nó đến khi nó tìm được việc làm, có lương. Đến nước này thì quả thực quá sức chịu đựng. Tôi nói với anh, tôi nhất định từ chối. Con chú V là ai tôi chả biết, mà tôi cũng chẳng chắc mấy lần tôi về nó đã mở miệng chào tôi bao giờ chưa, sao tôi phải bảo lãnh rồi nuôi ăn mặc ở cơ chứ? Thế nhưng chồng tôi - vẫn cả nể và sợ mẹ như từ trước tới giờ thì bảo: “Thôi em ạ, mấy khi mẹ nhờ việc gì đâu, mình làm được thì cứ làm cho mẹ vui”.


Tôi thật không hiểu nổi anh. Cái “mấy khi mẹ nhờ” ấy của anh tháng nào mà chẳng có. Sao anh không bao giờ dám nói “không” với mẹ một lần nhỉ, kể cả khi bà vô lý đến nực cười như thế. Hay là tại tôi sống ở nước ngoài lâu quá rồi nên không hiểu nổi suy nghĩ người già Việt Nam? Vì chuyện này mà vợ chồng tôi gây chiến tranh lạnh. Chồng tôi kiên quyết làm theo lời mẹ, còn tôi một mực nói cứng: Anh thích anh tự mà đi bảo lãnh một mình, rồi mang nó đi đâu thì mang chứ tôi không cho vào nhà tôi đâu, khiến anh giận dữ hết sức. Không khí gia đình tôi suốt cả tuần nay căng thẳng không thể tả. Bây giờ tôi không biết phải làm sao, nhượng bộ anh và bố mẹ anh để đón cô cháu gái về hay tiếp tục giữ vững lập trường? Tôi thấy đắn đo quá…

Chia sẻ