Nỗi đau ở lại

Minh Phương,
Chia sẻ

Bao kìm nén bấy lâu giờ như được dịp để giải tỏa. Mắt Chiến đỏ ngầu, hằn lên vẻ giận dữ, anh đập mạnh tay rồi tóm lấy tờ đơn ly hôn...

“Em không nói với anh thì nói với ai? Anh cố tình không hiểu em…”, tiếng Nhung nức nở vì thấy Chiến sừng cồ khi bị mình trút tuốt tuột mọi bực tức trong ngày với mẹ chồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Chiến phải gồng mình lắng nghe những lời than vãn, chì chiết của Nhung về mẹ. Không một ngày nào Nhung để cho anh được yên đầu bởi những câu chuyện vụn vặt mà Nhung gom lại rồi cố chắp vá, thêm thắt, đẩy nặng tình tiết, biến mẹ chồng thành một bà già nhỏ mọn, khắt khe, khó tính và chuyên hành hạ con dâu.

Ngồi vào mâm cơm Nhung lải nhải, than vắn thở dài ngay trước mặt mẹ chồng mặc cho bà rưng rưng nước mắt, vừa lùa thìa cơm vào, đang mắc nghẹn nơi cổ họng. Tối đến, vừa chui vào giường định quàng tay âu yếm vợ thì Nhung lại tiếp tục bài ca muôn thuở khiến Chiến phát cáu phải chạy ra ngoài phòng khách ngồi ôm tivi chờ vợ ngủ say rồi mới mon men thở dài, nằm xuống bên cạnh.
 

Dần dần việc Nhung nhiếc móc, nói nọ kia về mẹ cộng với công việc căng thẳng mệt mỏi khiến Chiến thêm chán trường. Anh thường xuyên bỏ bê nhà cửa, lang thang nơi quán xá tới tận khuya mới về. Về đến nhà, anh cũng tránh chạm mặt vợ, để khỏi phải nghe những câu dằn hắt của Nhung.

Sự việc lên tới đỉnh điểm khi Nhung biết chồng cố tình lảng tránh mình, Nhung chờ bằng được chồng về rồi xối xả gào thét: “Mẹ con anh thay nhau hành hạ tôi. Cái này có còn là cái nhà nữa hay không?! Bây giờ anh giỏi rồi! Anh bỏ nhà cửa đi thâu đêm, anh không thèm nhìn mặt vợ anh. Tôi chán lắm rồi. Anh kí đi!”. Dứt lời, Nhung giáng mạnh tờ đơn ly hôn xuống bàn.

Bao kìm nén bấy lâu giờ như được dịp để giải tỏa. Mắt Chiến đỏ ngầu, hằn lên vẻ giận dữ, anh đập mạnh tay rồi tóm lấy tờ đơn ly hôn: “Cô tưởng cái nhà này cô là kẻ khốn khổ à? Cô nhìn quanh đi. Cô xem bản thân mình có đúng là một người vợ, người con dâu không? Sáng cô mở miệng ra là cạnh khóe đủ điều. Tối về mong được tí thời gian nghỉ ngơi thì cô lại oang oang cái miệng. Năm lần, mười lượt tôi bảo cô nhún nhường, vì mẹ già có phần lẩm cẩm… Cô nhất mực khiến bà ăn không nổi, sống cũng không xong. Cô đừng có mang cái tờ đơn kia ra dọa tôi. Nếu cô nghĩ giữa chúng ta chỉ có tờ giấy ấy là sự ràng buộc thì đây, tôi kí mà không cần suy nghĩ gì thêm…”, nói xong, Chiến cầm bút, ký roẹt trước sự sững sờ, hốt hoảng của Nhung.
 

Tối đấy, Chiến cùng mẹ dọn ra khỏi căn hộ chung cư vừa mua được nửa năm với mong muốn đón mẹ từ quê lên để vợ chồng có thể dễ bề chăm sóc, phụng dưỡng. Vậy mà tính cách ích kỷ cộng với thái độ, lời ăn tiếng nói hỗn hào của Nhung đã như ngọn lửa bùng lên, thiêu rụi mọi nỗ lực, mơ ước và sức chịu đựng của Chiến thì có giới hạn. Anh không thể để mẹ mình cả đời đã khổ cực vì con giờ còn chút sức tàn lại bị nàng dâu tối ngày xơi xơi mắng nhiếc…

Một tháng sau, sau ba lần hòa giải không thành, Nhung và Chiến có mặt tại tòa. Nhung đứng khóc lặng, nói không nên lời trước sự khẳng định chắc nịch của Chiến: “Cô chưa bao giờ muốn thay đổi bản thân vì người khác mà chỉ muốn người khác thay đổi vì mình. Người ta thay đổi bao nhiêu, cô không hài lòng bấy nhiêu. Cô sẽ không bao giờ thay đổi, chính cô là người đã nhấn chìm tổ ấm của mình bằng giọng điệu chát chúa đầy ấm ức…”. Chiến quay lưng bước đi, bỏ mặc Nhung trơ trọi với nỗi đau của người phụ nữ không thể vun vén, tạo nên cảm giác ấm cúng cho bữa ăn và cuộc sống gia đình.

Chia sẻ