Những sứ giả có cánh cuối cùng

Hà My,
Chia sẻ

Đã gần 80 năm nay, bất chấp lũ lụt, lốc xoáy và địa hình xa xôi, những chú chim bồ câu vẫn tiếp tục mang thông tin quan trọng vòng quanh bang Odisha ở Ấn Độ.

Sau khi mạng xã hội và điện thoại thông minh cung cấp thông tin tức thì, bưu thiếp và thư từ hầu hết đã lỗi thời. Nhưng ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ, cảnh sát đang nỗ lực để bảo tồn một phương tiện thậm chí còn lâu đời hơn thế - bồ câu đưa thư.

Được sử dụng từ năm 1946 để giữ liên lạc giữa các trạm ở vùng sâu, vùng xa và với các đơn vị đang di chuyển, chim bồ câu cảnh sát của Odisha cũng là phương thức liên lạc đáng tin duy nhất trong trận lụt tàn phá năm 1982 và cơn siêu bão năm 1999. Thật vậy, những chú chim bồ câu đã giúp cứu sống nhiều người.

Những sứ giả có cánh cuối cùng - Ảnh 1.

Ông Anil Dhir, Ủy ban Di sản Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Ấn Độ làm việc với cảnh sát để điều hành dịch vụ. Khu vực này không có kết nối điện thoại hoặc vô tuyến, vì vậy bang đã được quân đội cấp 200 con chim bồ câu Bỉ như một thử nghiệm truyền thông.

Ông Dhir tin rằng, “Odisha là nơi duy nhất trên thế giới có dịch vụ bồ câu đưa thư và là một ví dụ độc đáo về truyền thống cổ xưa được lưu giữ trong thời hiện đại”. Ông cho biết thêm: “Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru đã sử dụng dịch vụ này để gửi một tin nhắn cho các quan chức nhà nước ở Cuttack từ Sambalpur (nam Odisha) vào ngày 13/4/1948”.

Theo ông Dhir, chim bồ câu Bỉ được chọn chủ yếu vì khả năng bay đường dài của chúng (lên tới 24km chỉ trong 15-25 phút), đồng thời chúng có thể sống tới 20 năm. “Hiện tại, khoảng 155 con chim bồ câu như vậy đang được cảnh sát chăm sóc. Chúng tôi có hai chuồng ở Cuttack và một ở Trường Đào tạo cảnh sát Angul, trung tâm Odisha”.

Những chú chim bồ câu được dạy để cung cấp ba loại dịch vụ: tĩnh (một chiều), boomerang (hai chiều) và di động (được sử dụng bởi các đơn vị cảnh sát đang di chuyển để liên lạc với trụ sở chính). Các thông điệp được nhét vào một hộp nhựa hình viên nang và buộc vào chân chim bồ câu.

Mặc dù việc sử dụng chim bồ câu làm sứ giả lần đầu tiên được ghi nhận ở Ai Cập vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, nhưng chúng được sử dụng ở Ấn Độ lần đầu vào thời Mughal thế kỷ 16. Chim bồ câu lên ngôi trong thời chiến, mang thông điệp bí mật giữa các trại quân sự và được sử dụng rộng rãi trong hai cuộc Thế chiến, truyền thông tin khắp châu Âu, Ấn Độ và Myanmar.

Những sứ giả có cánh cuối cùng - Ảnh 2.

Theo cô Esha Munshi, nhà quan sát chim và người sáng lập Thư viện Lông vũ Ahmedabad, nơi lưu trữ lông vũ của 120 loài chim, chim bồ câu Bỉ có bản năng tìm đường đặc biệt tốt, biến chúng thành những ứng cử viên hoàn hảo. “Chim bồ câu đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như sứ giả. Khả năng tập trung của chúng vào một vị trí địa lý dựa theo hướng của mặt trời và từ trường của Trái đất là vô song. Chúng tương tự như chim bồ câu viễn khách - một loài hiện đã tuyệt chủng -được sử dụng rộng rãi ở Mỹ để chở thông điệp trong chiến tranh”, cô nói.

Chính phủ tiểu bang Odisha chi 4,900 Bảng (142 triệu VND) mỗi năm để duy trì đàn chim bồ câu và trả lương cho nhân viên. “Việc huấn luyện chim bồ câu bắt đầu khi chúng được 5 - 6 tuần tuổi. Ban đầu chúng được phép bay những quãng đường nhỏ từ 3-5 km để nhận diện địa hình và thực hiện các loại dịch vụ khác nhau.

Sau khi được đào tạo, chúng giữ độ chính xác trong việc lập bản đồ tuyến đường trong nhiều thập kỷ. Những con chim này có thể bay xa tới 800km với tốc độ 55km/h, tùy thuộc vào thời tiết”, một trong những nhân viên cho biết. “Quản lý chim bồ câu không khó vì chúng rất thông minh. Tôi biết từng con chim và chúng cũng có thể nhận ra chúng tôi qua giọng nói”, nhân viên nói thêm.

Những sứ giả có cánh cuối cùng - Ảnh 3.

Nhưng dịch vụ này đang bị coi là lỗi thời và tốn kém. Hiện chim bồ câu hầu hết chỉ được sử dụng cho các mục đích nghi lễ như diễu hành Ngày Độc lập. “Nhiều quan chức chính phủ coi bồ câu đưa thư là một sự lãng phí tài nguyên. Ngày càng có nhiều đề xuất về việc giải tán dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, lại có một sự phản đối kịch liệt từ công chúng”, người quản lý bồ câu giấu tên cho biết.

Ông Dhir cho biết, ông rất hào hứng với sự kiện bay nghi lễ gồm 60 con chim bồ câu do cảnh sát Intach và Odisha lên kế hoạch từ thành phố Bhubaneshwar đến Cuttack. “Sẽ có sự tham gia của công chúng và sinh viên, những người sẽ được chứng kiến dịch vụ thú vị này. Mục đích của chúng tôi là giữ cho truyền thống này càng lâu càng tốt. Đó chính là sự bảo tồn văn hóa”, ông Dhir nói.

Chia sẻ