Những mối quan tâm hàng đầu của cử tri da màu thế hệ Z ở Mỹ

Thanh Phương,
Chia sẻ

Lạm phát, quyền tiếp cận phá thai và công bằng chủng tộc là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri da màu thế hệ Z (những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012) ở Mỹ.

Những mối quan tâm hàng đầu của cử tri da màu thế hệ Z ở Mỹ - Ảnh 1.

Nhân viên bầu cử phân loại phiếu bầu Tổng thống Mỹ qua đường bưu điện tại Kenosha, bang Wisconsin, Mỹ, ngày 3/11/2020. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN

Đây là kết quả được đưa ra trong báo cáo của các tổ chức hành động vì công bằng chủng tộc công bố tuần trước.

Báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu khảo sát đối với các cử tri ở những bang chiến địa của Mỹ, trong đó có Michigan, Florida, Georgia và Virginia. Kết quả cho thấy có tới 87% số cử tri được hỏi nhấn mạnh quyền được phá thai cần được bảo vệ một cách hợp pháp và khoảng 50% số người được hỏi tin rằng họ có thể mang lại những chuyển biến tích cực về quyền tiếp cận phá thai cũng như nền kinh tế thông qua việc bỏ phiếu.

Cụ thể, 40% số cử tri thuộc thế hệ Z tham gia khảo sát cho rằng lá phiếu của họ có thể dẫn tới những thay đổi trong ngành cảnh sát, trong khi 52% tin rằng lá phiếu của họ có "sức nặng", tạo ra sự thay đổi trong quyền tiếp cận phá thai và 49% cử tri cho là lá phiếu của họ có thể tạo ra sự thay đổi đối với nền kinh tế. Mặc dù vậy, các cử tri trẻ tuổi vẫn bày tỏ quan điểm tiêu cực về tình hình nước Mỹ hiện nay, khi dùng những từ như "chán nản", "không vui", "bi quan" và "sợ hãi" để mô tả diễn biến trong nước.

Hiện chính trường Mỹ đang nóng lên khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí Thống đốc các bang và lãnh đạo chính quyền địa phương. Bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi như một cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả bầu cử cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ có tên gọi đầy đủ là “bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống”. Các nhà lập quốc tại Mỹ, xuất phát từ mong muốn xây dựng một hệ thống chính trị cân bằng và bền vững, đã đưa vào Hiến pháp hình thức bầu cử khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong khi Tổng thống Mỹ được bầu qua lá phiếu đại cử tri, thì lưỡng viện Quốc hội, Thống đốc các bang và chính quyền địa phương lại được bầu qua hình thức phổ thông đầu phiếu.

Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 4 năm, Hạ nghị sĩ nhiệm kỳ 2 năm, Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm. Do đó, cứ mỗi 2 năm, vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 1/3 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường được tổ chức vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 11 của năm bầu cử. Do đó, cuộc bầu cử năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới để bầu lại tất cả 435 ghế Hạ nghị sĩ; 35/100 ghế Thượng nghị sĩ và 36 Thống đốc bang và hàng loạt cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Từ ngày 28/10, cử tri tại một số bang có thể được phép đi bỏ phiếu sớm.

Chia sẻ