Những gia đình chưa kịp hình thành đã tan vỡ

,
Chia sẻ

Những cuộc chia tay sau khi sống thử một thời gian phần nhiều đều do nam giới khởi sướng, mặc dù chính họ là người đề nghị sống thử đầu tiên.

Những người có ý định sống thử thường dựa vào lý lẽ rất đơn giản: ở đời bất cứ cái gì có thử cũng tốt hơn không, hôn nhân chỉ hạnh phúc khi hai người hoà hợp với nhau. Vậy muốn biết chúng ta có hoà hợp với nhau không, tốt nhất là sống thử một thời gian. Nếu hợp thì kết hôn, không hợp thì chia tay. Còn hơn lấy nhau rồi mới nhận ra “ông chẳng bà chuộc” thì khổ cả đời hoặc ly hôn lại càng dang dở. Họ tin rằng, nếu một đôi có thể sống ấm êm dưới một mái nhà trong thời gian sống thử thì chắc chắn sẽ sống hạnh phúc với nhau sau khi kết hôn. Lý lẽ đó thoạt nghe có vẻ thuyết phục, nhưng họ đều là những người chưa trải qua hôn nhân nên mới tưởng rằng sống thử như thế nào thì khi sống thật sẽ như thế.

Thực ra hôn nhân ăn đời ở kiếp với nhau và sống thử một thời gian là hai lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian sống thử, người ta thường phải chiều nhau, ít nhất là có một người cố gắng tạo ra sự hoà hợp. Vì chỉ có như thế người kia mới tiếp tục chung sống với họ. Để đạt mục đích đó, họ sẵn sàng tự biến đổi mình đi cho hợp với người kia, và người kia đòi hỏi như thế nào họ cũng chấp nhận. Chính vì thế những đôi sống thử có vẻ tỏ ra hoà hợp nhưng đó là sự hoà hợp giả tạo. Điều đáng buồn là sau khi chính thức kết hôn họ không tiếp tục nếp sống như thế nữa. Con người thật của họ lại dần trở lại như nó vốn có. Vì bây giờ đã là vợ chồng rồi, không dễ gì bỏ nhau được nên họ không cố gắng sửa mình đi theo ý thích của người kia như thời gian sống thử nữa. Cho nên trong thực tế, rất nhiều đôi sống thử thấy êm đẹp họ mới kết hôn nhưng sau đó mới tỏ ra thất vọng. 
 
Qua trò chuyện với các cặp đôi đã từng sống thử, các chuyên gia tâm lý cho biết: “đa số những cuộc chia tay sau khi sống thử một thời gian phần nhiều đều do nam giới khởi sướng, mặc dầu chính họ là người đề nghị sống thử đầu tiên”. Trong thực tế vẫn có những người tự bào chữa cho việc sống thử của mình là: hoàn cảnh của tôi thì khác. Vậy những hoàn cảnh đó như thế nào? Khảo sát cho thấy, 76% phụ nữ chung sống trước hôn nhân ở độ tuổi còn khá trẻ, phần lớn là những người chưa có khả năng tự lập về kinh tế, một số người thiếu thốn tình cảm và ao ước chạy trốn khỏi một quá khứ không hạnh phúc.
 
Trong cuộc chung sống thử, tình yêu lãng mạn thường đội nón ra đi khi tình yêu vợ chồng lại chưa kịp đến.
 
Liên năm nay 21 tuổi. Cô đã tốt nghiệp phổ thông nhưng thi đại học 2 lần không được và hiện chưa có việc làm. Thời thơ ấu của cô đi qua trong một gia đình thường có chuyện lục đục bởi cha cô là một người đàn ông nát rượu và phóng túng. Năm ngoái, cô bắt đầu yêu một anh chàng 27 tuổi, là kỹ sư trong một xưởng chế biến gỗ ở Hà Nội. Anh ta thuê một căn hộ 16 mét vuông ở tầng 5 một khu tập thể cao tầng. Đến sống với anh ta, công việc của Liên gần giống với ô-sin, chỉ khác là được ăn cùng mâm và ngủ cùng giường với chủ, chờ anh ta xin việc cho đi làm. Anh hứa khi nào có điều kiện sẽ đưa Liên về quê thưa chuyện với gia đình nhưng hôm nọ, bố anh ta ra Hà Nội thăm con, anh lại bảo Liên tạm lánh đi đâu mấy ngày. Lẽ ra, Liên phải có nghị lực sẵn sàng vật lộn với cuộc sống để trưởng thành, để khẳng định một chỗ đứng dù là khiêm tốn trước khi đến với hôn nhân thì cô lại hy vọng việc chung sống với một người đàn ông sẽ đưa đến một phép màu. Chính vì thế, nhà xã hội học David Mayers nhận xét: "Việc chung sống trước kết hôn đã làm chậm lại quá trình trưởng thành của con người". Theo ông, vấn đề không phải là "Bạn chung sống với ai?" mà "Bạn là người thế nào ?".
 
Nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành để tìm đáp án cho câu hỏi: Tại sao người ta quyết định chung sống với nhau mà lại không đăng ký kết hôn? Có phải cả hai cùng muốn thử hay vì hiện tại, họ chưa có điều kiện tổ chức đám cưới cho đàng hoàng? Khi đặt những câu hỏi này riêng rẽ với từng người nam và nữ, các nhà nghiên cứu đã nhận được những câu trả lời không giống nhau: 87% phụ nữ trả lời rằng họ sẵn sàng đăng ký kết hôn nhưng người bạn trai chưa sẵn sàng, trong khi đó 74% nam giới trả lời rằng họ chưa đủ điều kiện làm chồng, làm cha nên chưa muốn đăng ký. Vả lại, họ muốn sống thử để xem người vợ tương lai có phù hợp với mình không? Một tỷ lệ đáng kể trong số họ đã qua một lần hôn nhân đổ vỡ mà theo họ là vì lấy nhau quá vội vàng nên lần này, họ không muốn đi vào vết xe cũ.

Với đàn ông – người mà các nhà nghiên cứu gọi là những “nhà thám hiểm” bao giờ họ cũng bị cuốn hút bởi cái mới. Thực tế cho thấy có đàn ông “cặp bồ” với người đàn bà không hơn vợ họ một điểm gì, chỉ vì đó là “người khác”. Không phải chỉ khác về hình hài, vóc dáng mà khác cả cá tính, sở thích,  cả những rung động mà vợ họ không có. Chính vì thế, thời gian sống thử đã biến người mới thành người cũ và không có nhà thám hiểm nào lại hứng thú với miền đất mà mình quá quen thuộc, họ lại háo hức đi tìm miền đất mới. Điều đó trả lời câu hỏi vì sao nhiều cuộc sống thử không tiến tới kết hôn mà hơn 90% có nguyên nhân từ phía nam giới.

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý hôn nhân và gia đình thì sự chia tay của những đôi "vợ chồng hờ" không có gì là lạ. Các nghiên cứu cho thấy, tình yêu có thể đến bất ngờ, có thể có cả "tình yêu sét đánh" nhưng đó là tình yêu lãng mạn không bao giờ tồn tại được lâu. Còn tình yêu trong đời sống vợ chồng không phải là tình yêu lãng mạn, tuy rằng có thể có yếu tố lãng mạn, nó được xây dựng trên tình thương yêu và trách nhiệm với nhau cùng với bao nhiêu nghĩa vụ của con người. Vì vậy tình yêu ấy không xuất hiện ngay sau khi người ta mới chung sống với nhau. Nó phải có thời gian để hình thành, phát triển và củng cố. Có khi nó đòi hỏi phải có nhiều năm cùng nhau khắc phục những khó khăn nảy sinh mới khẳng định được. Nhưng trong cuộc chung sống thử, tình yêu lãng mạn thường đội nón ra đi mà tình yêu vợ chồng lại chưa đến. Vì vậy không ít cặp vợ chồng hờ có những cái kết đau lòng đáng để chúng ta suy nghĩ kỹ trước khi đi đến một cuộc sống thử đầy mạo hiểm.
 
TTH - HA
Tổng hợp
Chia sẻ