Những cô gái vượt lên quá khứ bất hạnh, theo học nghề "làm đẹp để sống, sống để làm đẹp"

Mộc Cát,
Chia sẻ

Có người từng lang thang khắp nơi tha phương cầu thực, có người trót dại dột trong tình yêu để một mình ôm lấy nỗi khổ đau. Và có người đã sa chân vào vũng lầy tệ nạn, tưởng đã ngã gục không thể thoát ra…

Đến Trung tâm giới thiệu việc làm (Q.3, TP.HCM) vào sáng sớm, chúng tôi có dịp chứng kiến một buổi dạy làm tóc miễn phí của dự án “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp”. Trong đôi mắt của các học viên đều lộ vẻ vui tươi, rạng ngời, khác hẳn những ngày mới chân ướt chân ráo vào lớp học. Nếu không trực tiếp tìm hiểu, khó có thể nhận ra nhiều người trong số họ từng có hoàn cảnh rất đau khổ và đáng thương.

6

Niềm vui của các chị em khi được học nghề tóc miễn phí.

Nỗi buồn sau những lọn tóc

Trong khi nhiều học viên đang hào hứng cùng nhau thực hành phần kết tóc giả, N.T.T (12 tuổi, quê Bình Dương) có phần rụt rè, đứng nép vào một góc. Một tháng tham gia dự án vẫn chưa làm em nguôi ngoai chuỗi ngày nặng gánh mưu sinh. T. kể, năm em lên 1 tuổi, cha đã bỏ nhà đi theo nhân tình. Ít lâu sau, hai chị em T. được mẹ và bà ngoại dắt díu lên Sài Gòn kiếm sống. Trong khi bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường, T. phải nai lưng làm đủ công việc từ bưng bê chén dĩa đến phụ bán quán cơm, bán nước.

1

5

Thầy Từ Chí Thành tận tâm dạy nghề tóc cho các học viên.

3 năm trước, đến lượt mẹ bỏ đi lấy chồng ở Đồng Tháp, để 2 chị em T. trơ trọi với bà ngoại ở lại căn nhà trọ tồi tàn. “Bà năm nay già lắm rồi, không biết còn bán vé số được đến khi nào. Mà em gái thì còn nhỏ quá” – Gương mặt vốn đã đen đúa của T. càng tối sầm lại khi nhắc kỷ niệm đau buồn.

Rồi T. được một lớp xóa mù chữ tình thương giới thiệu vào trung tâm. Giờ đây không còn lầm lũi một mình, xung quanh T. đã có rất nhiều bạn mới. “Các chị dễ thương lắm, em nhỏ tuổi nhất nên ai cũng quan tâm, giúp đỡ. Chỉ hi vọng nhanh chóng học xong để đi làm kiếm tiền nuôi ngoại và em gái. Từ đó đến giờ, chẳng có ngày nào cả nhà em được ăn một bữa cơm ngon” – T. bộc bạch.

7
Mới hơn 1 tháng học việc nhưng hầu hết các học viên đều đã thành thạo việc cắt móng tay và mát xa mặt.

8
Hiện dự án "Sống để làm đẹp, làm đẹp để sống" đã mở rộng đối tượng tham gia sang nam giới.

Với chị Đ.T.P.T (35 tuổi, quê Ninh Bình), lớp học dạy làm tóc miễn phí như một sự cứu cánh cho bà mẹ đơn thân. Nhiều năm trước chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, chị đã trót dại trao mình cho một kẻ tệ bạc. Ăn ở với nhau ít lâu thì chị mang thai, nhưng khi đề cập đến chuyện cưới xin cũng là lúc chị P.T. biết được bạn trai đã quen người khác. Sau những cuộc đụng độ bẽ bàng, P.T bỏ cuộc, nuốt nước mắt ôm bụng mang dạ chửa, tự mình đi làm công nhân kiếm tiền sanh con.

7 năm qua, chị P.T chật vật làm đủ nghề để nuôi dạy con khôn lớn, chịu đủ điều tiếng xã hội. Trong một lần lên mạng, chị đọc được thông tin về dự án dạy làm tóc miễn phí cho phụ nữ bất hạnh, liền tìm đến đăng ký. Đến nay chỉ sau một thời gian ngắn, người phụ nữ đã biết làm móng và mát xa mặt thuần thục.

Nhưng nói về tận cùng sự bất hạnh không thể không nhắc đến chị P.T.T.N (39 tuổi, quê Thái Bình) khi đã nếm trải đến ba lần đổ vỡ hạnh phúc gia đình, kéo theo đó là sự ra đời của 2 đứa trẻ khát tình cha. Quá túng quẫn, N. bước vào con đường trở thành gái bán hoa kiếm tiền nuôi con, nhưng cũng chính tại đây, N. lại cho ra đời thêm một hình hài nghiệt ngã. Cái vòng lẩn quẩn ấy tưởng đã kéo dài mãi cho đến một ngày, N. được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM giới thiệu đến với dự án.

1

Mỗi học viên đến với dự án đều mang những hoàn cảnh ngang trái khác nhau.

Đổi thay

4 tháng học nghề, từ một người phụ nữ bi luỵ, vùi mình vào hố đen xã hội, N. đã trở thành một thợ làm tóc lành nghề. Bằng sự quyết tâm làm lại cuộc đời, sau một thời gian tằn tiện, N. đã có thể mở một tiệm tóc riêng, thu nhập đến 8 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: “Nếu tích cóp đủ vốn, một thời gian tới em sẽ về quê mở tiệm tóc, sống cuộc đời bình dị bên mẹ và các con. Nếu không có dự án dạy làm tóc miễn phí, có đến trong mơ em cũng không nghĩ mình được như ngày hôm nay”.

12

9

Rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp khoá học đã có việc làm ổn định tại các salon tóc lớn trên địa bàn TP.HCM.

Giống như N., chị T. (36 tuổi, quê Cần Thơ) cũng đã có những nốt trầm của cuộc đời. Lấy chồng năm 23 tuổi và có 2 đứa con nhưng cũng vì “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cả hai cay đắng buông tay. Khoảng thời gian đi “làm đêm” với chị T. quả thực như giấc mộng dài. Và lại một lần nữa, chính Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đưa người phụ nữ đến với con đường “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp”.

Vốn đã rất khéo tay, nên ngay khi học xong và ra mở tiệm, khách đến ủng hộ chị T. nhiều không đếm xuể. Mới mấy tuần trước, người phụ nữ vừa nhận hai học viên nữ vào học việc hoàn toàn miễn phí. Chị T. cười sảng khoái: “Ngày trước mình được dạy nghề miễn phí nên mới quay lại được con đường lương thiện. Giờ mình giúp lại cho mấy em nhỏ, để nó sớm có việc làm ổn định mà không sa ngã, coi như là một cách tạ ơn đời vậy mà”.

Nhưng đáng mừng hơn cả là việc chồng chị T. được chồng cảm thông, ngỏ ý muốn quay trở lại. Hạnh phúc sau một khoảng thời gian dài đứt quãng giờ sắp được chắp nối khiến chị T. càng trân trọng hơn cuộc sống hiện tại của mình.

7

2

Chị P.T.N.H (25 tuổi, bìa trái) thì thành công hơn khi đã có cho mình một tiệm thẩm mỹ riêng.

11

Nụ cười đã nở trên đôi môi những người phụ nữ thành đạt.

Còn rất nhiều những trường hợp khác đã học thành tài, quay trở lại và thành công trong cuộc sống. Nhìn họ, chúng tôi càng thấy những chuỗi ngày khổ cực tìm kiếm học viên, dõi theo họ suốt từ lúc cắt từng chiếc móng tay đến khi trở thành thợ lành nghề thật xứng đáng” – anh Từ Chí Thành (28 tuổi), chuyên viên điều phối kiêm giảng viên giảng dạy trực tiếp dự án “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” cho biết.

3

4
Giờ đây ngoài việc trang bị nghề nghiệp cho chính mình, các học viên của dự án còn đem yêu thương, nhân ái lan rộng ra cộng đồng, xã hội bằng việc tổ chức những buổi cắt tóc miễn phí. (Ảnh: Dự án "Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp")

Có lẽ với những người khởi xướng dự án này, động lực lớn nhất để đi đến con số 17 khoá học như ngày hôm nay là nhìn những người phụ nữ vươn lên toả sáng sau khi đã ngụp lặn trong những vũng lầy cuộc đời. Quan trọng, họ đã có cơ hội để làm lại, để thay đổi, để bước tiếp và cảm thấy mình còn giá trị trong cuộc đời này...

 Dự án “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” bắt đầu từ tháng 6 năm 2009. Cụ thể, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khi đến với dự án sẽ được một khoá đào tạo nghề tóc miễn phí 6 tháng. Dự án đã được nhận rộng ra 35 quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam kể từ khi phát động, đến nay đã có 17 khóa học được khai giảng, giúp cho hàng ngàn phụ nữ bất hạnh có công việc ổn định. Hiện dự án đã mở rộng sang đối tượng là nam giới.

Chia sẻ