Những cách trả lời cực hay và rất khoa học khi con tò mò về giới tính - Cha mẹ nào cũng cần "bỏ túi" để giải đáp cho con

Mai Phùng,
Chia sẻ

Nếu đứa con 5 tuổi của bạn hỏi rằng "Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu?" hay "Làm sao con chui vào bụng mẹ được?" thì bạn thường trả lời trẻ như thế nào?

Những câu hỏi tò mò về giới tính, sinh sản của trẻ khi còn nhỏ thường khiến cha mẹ cảm thấy lúng túng, xấu hổ vì e ngại phải giải thích những chuyện "của người lớn". Đôi khi cha mẹ lo lắng vì con còn quá nhỏ để hiểu về giới tính và bối rối loay hoay tìm cách giải thích hợp lý mà không ảnh hưởng đến sự ngây thơ, trong sáng của con.

Sự thật là theo nhiều nghiên cứu, những thông tin khoa học mà bạn trò chuyện về giới tính là những điều THỰC SỰ CÓ LỢI cho trẻ, chứ không phải CÓ HẠI cho trẻ. Nghiên cứu chỉ rõ rằng đối với những trẻ em được bố mẹ giáo dục giới tính một cách cởi mở, thẳng thắn từ nhỏ có tỷ lệ TRÌ HOÃN các hoạt động liên quan đến tình dục khi chúng lớn lên LÂU HƠN và có TRÁCH NHIỆM CAO HƠN với các hoạt động tình dục mà chúng tham gia.

Một video giáo dục giới tính rất thú vị cha mẹ có thể cho trẻ xem khi học những bài học về giới tính. 

Vì an toàn tình dục cho con, hãy nắm bắt cơ hội trò chuyện cởi mở và khoa học về giới tính khi trẻ thắc mắc hỏi bạn cho dù trẻ còn nhỏ. Hãy tạo niềm tin và là nơi đầu tiên và mãi mãi trẻ tìm đến khi thắc mắc về sức khỏe giới tính. Bởi bạn biết đó, nếu bạn không luôn ở đó, không mở lòng chia sẻ thông tin, trẻ sẽ ngay lập tức tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác như bạn bè, internet... 

Và thế giới đó đầy rẫy nguy hiểm, cạm bẫy, sai lầm có thể để lại những tổn thương sâu thẳm sau này. Trò chuyện về giới tính không phải là một cuộc trò chuyện dài đơn thuần, mà bạn cần dành cả đời thong thả, từng chút một cho rất nhiều cuộc trò chuyện từ khi con còn nhỏ cho tới khi con trưởng thành. Và điều đó thực sự quan trọng cho sự phát triển giới tính và đảm bảo sức khỏe tình dục lành mạnh suốt đời của con sau này.

Vậy cha mẹ nên bắt đầu như thế nào khi trẻ thắc mắc: Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu?

Em bé được tạo ra như thế nào? - Ảnh 1.

Bạn hãy hít thở một hơi thật sâu và thư giãn, hãy nhìn nhận câu hỏi từ góc nhìn dựa trên tâm lý trẻ theo từng độ tuổi và điềm tĩnh trả lời con. Sau đây là từng trường hợp:

- Vào khoảng 4 tuổi, bộ não của trẻ sẽ bắt đầu hiểu về KHÔNG GIAN và THỜI GIAN, trẻ sẽ bắt đầu tìm hiểu về khái niệm này: Khi nào? Ở đâu? Hôm qua, hôm nay... Trẻ bắt đầu biết đến bố mẹ trước khi có trẻ, và sau khi có trẻ. Do đó câu hỏi của trẻ "Con đến từ đâu?" biểu hiện một sự phát triển não bình thường. Một câu hỏi mang tính chất thời gian, không gian, nơi chốn. Và mẹ nên đưa ra câu trả lời chính xác và khoa học cho trẻ: "Con biết là tất cả mọi người đều là trẻ sơ sinh khi được sinh ra phải không? Và trước khi được sinh ra thì con sẽ ở và phát triển trong một nơi rất đặc biệt trong cơ thể mẹ gọi là tử cung – dạ con".

- Khi trẻ lớn lên một chút, khoảng 5 tuổi, não bộ của trẻ sẽ phát triển phần học hỏi đến những CHUYỂN ĐỘNG. Đó là lý do trẻ thích chơi xe, chạy nhảy... nên sẽ có lúc trẻ băn khoăn về việc làm sao một em bé đang ở trong tử cung của mẹ lại ra ngoài được, đó là sự kết nối giữa hai khoảng không gian - trong bụng mẹ và thế giới bên ngoài. Việc đó diễn ra như thế nào? Do đó trẻ sẽ hỏi "Làm sao em bé ra ngoài được?", hay "Em bé ra khỏi bụng mẹ bằng cách nào?". 

Và câu trả lời chính xác đó là "Đường âm đạo". Chúng ta không thể trốn tránh hay vòng vo câu trả lời này, vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự tư duy của trẻ về sự kết nối không gian, thời gian, kết nối sự vật. Và thực chất âm đạo chỉ là một bộ phận trong cơ thể giống như những bộ phận khác như mắt, mũi, tay, chân vậy. Do đó đưa những thông tin khoa học, chính xác với tâm thế bình thản sẽ tạo cho trẻ có sự tin tưởng và luôn tìm đến cha mẹ trong những thắc mắc về giới tính. 

Em bé được tạo ra như thế nào? - Ảnh 2.

Những gợi ý để bắt đầu trò chuyện với con về giới tính.

- Và rồi khoảng 6 tuổi trẻ sẽ hiểu và tò mò về NGUYÊN NHÂN - HỆ QUẢ. Ví dụ như khi ăn vào thì sẽ no hoặc đồ vật bị ném sẽ rơi xuống đất... Do đó trẻ sẽ thắc mắc về việc tại sao em bé lại vào ở trong tử cung mẹ được? Và đó là một câu chuyện nhỏ cha mẹ cần trả lời cho trẻ một cách khoa học và rõ ràng. Câu trả lời đơn giản là "Tinh trùng bé xíu từ cơ thể bố sẽ gặp trứng trong cơ thể  mẹ và khi tinh trùng kết hợp với trứng, đó là tế bào kết hợp đầu tiên đó sẽ lớn dần lên thành em bé trong tử cung của mẹ".

- Đó là khi trẻ học được bài học về nguyên nhân và hệ quả: "Tinh trùng + trứng = Em bé".

- Và đôi khi trẻ sẽ hỏi tiếp "Nhưng làm sao mà tinh trùng trong người bố gặp được trứng trong người mẹ?". Đây có lẽ là câu hỏi khó nhất đối với cha mẹ, nhưng mong rằng cha mẹ nên nhớ đối với trẻ nhỏ, đó là câu hỏi về khoa học, về sự phát triển logic bình thường của não bộ và sinh lý. Dưới góc nhìn của cha mẹ, đó là nói về sex, nhưng dưới góc nhìn của trẻ, đó là về thắc mắc khoa học. Cha mẹ cần nhất là trả lời một cách bình thường như khi trẻ thắc mắc về việc ăn uống hay đi chơi vậy: "À, tinh trùng trong dương vật của bố sẽ đưa khớp vào âm đạo của mẹ như ráp hình ấy, để dẫn đường cho tinh trùng bơi vào cơ thể mẹ để tìm gặp trứng".

Nếu bạn cảm thấy xấu hổ hay bối rối khi nói những từ như âm đạo, tinh trùng, dương vật, tử cung... thì bạn nên tập trước một mình trước gương hoặc nói chuyện với chồng/vợ... để có thể trò chuyện với trẻ một cách điềm tĩnh, tự nhiên và thoải mái. Và nếu câu trả lời của bạn làm trẻ cảm thấy xấu hổ, hãy nói với trẻ xấu hổ về chuyện này là điều bình thường. Không sao cả!

Bạn thấy đấy, khi trẻ hỏi bạn về giới tính, bạn hay nghĩ đến chuyện QUAN HỆ TÌNH DỤC Ở NGƯỜI LỚN. Nhưng dưới lăng kính của trẻ, đó chỉ là sự  phát triển tâm sinh lý bình thường ở lứa tuổi của trẻ và bạn cần chia sẻ thông tin môt cách khoa học, đơn giản với tâm trạng điềm tĩnh, thoải mái.

Và đừng lo lắng khi trẻ biết chính xác câu chuyện xảy ra như thế nào. Anh chàng Turbo 6 tuổi nhà mình sau khi đã hiểu hết câu chuyện của con người lại tiếp tục tò mò về gà. Em hỏi mình làm sao "Tinh trùng của gà trống đưa vào trứng gà mái được khi trứng cứng thế?" và sau khi mình giải thích, em còn một mực lấy quả trứng gà trong nhà ra ấp trứng... để chờ trứng nở ra gà con mặc kệ mẹ giải thích đó là trứng không trống, không nở được. Em vẫn tự tin: "Không sao. Con có cách. Con sẽ chờ nhìn thấy sao băng và ước quả trứng này nở ra một em gà đẹp để con nuôi".

Giáo dục giới tính cho con luôn là một đề tài nhạy cảm và không dễ dàng đối với bậc cha mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo cho một tương lai của trẻ khi trưởng thành có những mối quan hệ lành mạnh và quan hệ tình dục an toàn. Việc chú tâm học hỏi và giáo dục giới tính cho trẻ khi còn nhỏ không những cung cấp cho trẻ những kiến thức bổ ích mà còn gắn chặt sợi dây kết nối tình cảm tâm sinh lý giữa cha mẹ và trẻ một cách hiệu quả và lâu bền. Cha mẹ sẽ luôn ở đó, nơi an toàn và tin tưởng nhất cho trẻ tìm đến mỗi khi cần.

Vài nét về tác giả:

Mai Phùng là một dược sỹ, tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; là người đồng sáng lập EQ Cup - nơi cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học thần kinh và EQ dành cho cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ.

Bên cạnh đó, chị Mai Phùng còn là tác giả của cuốn sách "Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ". Đây là cuốn sách hướng dẫn cha mẹ cách nâng niu cảm xúc, tâm lý của trẻ trước, trong và sau mỗi bữa ăn, mở ra cho các bà mẹ một con đường nhẹ nhàng, hiệu quả để rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi.

Bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết của chị Mai Phùng TẠI ĐÂY.

Em bé được tạo ra như thế nào? - Ảnh 3.

Chia sẻ