"Nhòm" trường cho con: "Chạy" trước 1 năm...

,
Chia sẻ

Vì mong con được vào “điểm” từ bé nên các bậc phụ huynh đã không từ bỏ một cơ hội nào để chạy trường cho con. Những câu chuyện chúng tôi lượm lặt dưới đây không ít bi hài.

Những câu chuyện chạy trường mà chúng tôi lượm lặt được dưới đây cực kỳ thú vị vì hầu hết các bậc phụ huynh đều rất mong ngóng con mình được vào “điểm” từ bé, để tạo cho con một nền tảng vững chắc. Từ những mong muốn này mà các phụ huynh không từ bỏ một cơ hội nào…

Từ chạy trước một năm…

Không phải cứ đến tháng 3-4 hàng năm của năm chính thức bé vào lớp 1 mới xảy ra chuyện các bậc phụ huynh đi “nhòm” trường mà có nhiều người đã để ý lo cho con từ trước đấy 1 năm, khi bé chính thức bước vào tuổi mẫu giáo lớn.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Sơn  - kỹ sư một công ty liên doanh nước ngoài xây dựng các khu đô thị tại Việt Nam là một ví dụ. Nhà anh là Hà Nội gốc, có đến 6 đời ở Hà Nội, lại ở trục phố rất trung tâm - Ngô Quyền. Thế nhưng, ngay từ khi được tiếp xúc với những ông chủ và đội ngũ người Tây làm việc tại công ty, anh Sơn muốn con mình “tây hóa” càng sớm càng tốt.
 
Cổng trường kín mít phụ huynh đến đăng kí học cho con. Ảnh minh họa

Ngay từ thời học mẫu giáo, cậu con trai anh đã được học ở một trường mầm non quốc tế. Đến khi bé vào lớp mẫu giáo lớn, anh đã phải chạy chọt để xin cho cháu vào một trường tiểu học quốc tế gần trường mầm non của mình. Được “bật xi-nhan” rằng, đưa trước “2 vé”, khi nào chuẩn bị nộp hồ sơ đưa nốt “2 vé” còn lại, con trai anh chắc chắn có một suất học ở đây, anh không ngần ngại “xì” tiền. Sau khi “đóng tiền nhận chỗ” rồi anh mới yên tâm làm tiếp công việc của mình.

Câu chuyện của chị Trịnh Hồng Hoa (GĐ một công ty in tư nhân) đi xin học cho con mới thật ly kỳ. Chị kể lại, vô tình một ngày chị vào một quán café quen thuộc, gặp một người phục vụ mới, hỏi thăm mới biết, cô này chính là chủ quán, đang làm giáo viên tại trường tiểu học Bạch Mai. Chị Hoa không ngần ngại hỏi thăm về chuyện tuyển sinh vào lớp 1.

Cô chủ quán bảo, năm nào trường cũng dành cho các giáo viên một suất xin vào lớp 1. Chưa kịp hỏi tiếp thì cô chủ quán đã nhanh nhảu: “Sang năm chị mới có suất vì năm nay, cháu chị vào lớp 1 rồi”. Chị Hoa liến thoắng hỏi “chị còn cháu nào sang năm vào lớp 1 không”, nghe cô chủ quán nói không, chị vui ra mặt liền bảo “Thế chị để suất đấy cho em nhé”. Và cuộc trao đổi card visit diễn ra nhanh chóng.  Thế là cũng từ đấy, những ngày lễ Tết, 20/11 chị đều cho con đến thăm cô chủ quán để tiện bề xin học.

Chị Hoa tâm sự “Có người quen vẫn hơn chứ vì chắc chắn, mình đi lại cho thành thân, sau này còn nhờ vả được nữa. Quan trọng nhất là cháu nó chắc chắn được vào học lớp 1 ở Hà Nội, chỉ sợ không xin học được lại phải đưa cháu về quê”… Thời điểm này khi nhiều bạn đồng trang lứa đang tất bật chuẩn bị đi xin học cho con thì chị đã yên tâm xin vào được một trường điểm khá nổi.

Đến cận ngày khai trường mới có trong danh sách…

Cũng giống như bao nhiêu phụ huynh khác, chị Lê Mai Khánh (nhân viên PR tại một công ty truyền thông) cũng phải chạy đôn chạy đáo xin học cho con vì hộ khẩu một nơi, cư trú một chỗ dù vẫn trong cùng một “bầu trời Hà Nội” này. Khoảng đầu tháng 6 năm ngoái, chị vào trường học để xin hỏi về hồ sơ, được nhắn là tháng 7 bán. Tháng 7 ra thì được cho biết là đã bán xong!

Sau đó, chị được một giáo viên “mách”có người còn một suất để “bán” đấy, chị vội hỏi tên, địa chỉ, sau đó lần mò mới ra được người này. Anh này khẳng định chắc chắn con chị sẽ vào được trường với điều kiện phải “đầu tiên” trước. Xác định mất một khoản tiền cho việc xin học của con, chị không ngần ngại “đầu tư” và sau đó cứ cách ngày lại điện thoại hỏi thăm tin tức một lần. Nhưng anh này vẫn cứ hẹn “yên tâm”.
 
Chị kể: Những ngày ấy như ngồi trên đống lửa, trẻ con cả nước đã tựu trường từ ngày 17/8, con mình đến tận gần ngày khai trường vẫn ở nhà. Thế là chị lại hẹn và bổ sung thêm “đầu tiên” cho anh kia, 1 tuần sau chị nhận được điện thoại, đưa con đến trường nhận lớp. Chị cười, rồi thở phào nhẹ nhõm, kể lại câu chuyện  của năm trước mà cứ như mới xảy ra ngày hôm qua.
 
Ảnh minh họa

Chị bảo, hình như chị gặp phải một cây cầu dài (suất bán lại vài cầu) nên mới lâu thế chứ bình thường, đa phần là xong trước ngày tựu trường hàng năm. Cũng vì hình như phải qua cây cầu dài nên số tiền chị chuẩn bị bị đội lên rất nhiều so với thực tế, dù tình hình năm nào cũng phải trên dưới chục triệu mới “chạy trường” được.

Cũng nằm trong danh sách cận ngày mới được đến trường như con chị Hương là con trai anh Đ.H.H (một phóng viên của tờ báo khá nổi). Anh kể lại, năm ngoái, anh cứ ung dung ngồi chờ nhà trường gọi điện đến nộp học phí xây dựng trường và một mớ những gạch đầu dòng chờ đến tiền như đứa cháu đã từng phải đóng khi bắt đầu vào trường. Nhưng chờ đến gần 1 tháng, vẫn không thấy gọi có cuộc gọi nào, anh đành đích thân lên trường, gặp hiệu trưởng, “chém gió” vài câu, cốt để lộ ra công việc của mình thì ngay lập tức được hiệu trưởng xoa dịu “Sao em không nói trước. Trường này ưu tiên con em cán bộ mà”. 

Anh tâm sự “Mình cũng thấy buồn khi phải lôi nghề ra để dọa thiên hạ nhưng chẳng đặng đừng, mình không làm cách ấy, con mình chắc chắn sẽ nhỡ học mất một năm. Thiệt thân nó lắm. Thôi, đành phải hạ tự trọng của mình xuống một tí vậy”.

Thời điểm này lại là thời kỳ sôi động của việc chọn trường và chạy trường cho các bé vào lớp 1. Lại không biết có bao nhiêu chuyện hay ho sẽ xảy ra trong năm nay. Chỉ tiếc rằng, ngày xưa đất nước đã phải tổ chức “bình dân học vụ” để xóa mù chữ cho người Việt Nam, tỉ lệ phổ cập giáo dục tiểu học thi thoảng lại được công khai để dân vui vì người nước mình đã biết hết chữ. Thật buồn, sau khi việc phổ cập giáo dục tiểu học được phủ sóng toàn quốc thì lại đến việc cha mẹ phải chạy trường cho con vào lớp… 1!
 
Phi Phi
Tổng hợp
Chia sẻ