Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao

Hoàng Bằng,
Chia sẻ

Để đến được nơi hái măng, người dân miền núi xã Thần Sa phải thức dậy từ tờ mờ sáng, vượt núi băng rừng với nhiều hiểm nguy luôn rình rập…

Nhọc nhằn nghề hái măng rừng

Vượt núi băng rừng khi trời còn tờ mờ sáng với chiếc gùi trên lưng, con dao gài thắt lưng, bà con dân tộc miền núi xã Thần Sa huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) lại bắt đầu một ngày đi hái lộc rừng.

Bà Hoàng Thị Duyên (xóm Ngọc Sơn, xã Thần Sa) cùng con dâu thức dậy sớm, gói cơm mang theo, đi ủng, đeo gùi, dao gài thắt lưng để vào rừng tìm măng.

Để đến được nơi hái măng, người dân nơi đây phải thức dậy thật sớm, đi khoảng nửa ngày do măng thường mọc trên núi cao. Mỗi ngày đi hái măng, người ta phải ở lại rừng sâu cả ngày trời, đến khi mặt trời xuống núi mới trở về. Măng được mang xuống chân núi để bán cho thương lái.

Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao - Ảnh 1.

Đường núi cheo leo hiểm trở, mưa ẩm, trơn trượt nhiều muỗi vắt, nên đi hái măng phải mang khăn trùm kín mặt, áo dài tay, đeo găng tay, mang theo dao và gùi đựng.

Theo chân bà Duyên vượt qua những cung đèo dài, băng qua các con suối lại leo ngược dốc đứng trơn trượt. Đi bộ chừng 3 giờ đồng hồ mới đến được nơi lấy măng. Măng vào mùa này chủ yếu là măng ngọt hay còn được gọi là măng vầu. Tỏa ra mỗi người đi một hướng, mắt tập trung quan sát những mầm măng nhô lên khỏi mặt đất, bà Duyên nhanh tay dùng dao đào măng rồi cẩn thận bóc từng lớp vỏ tỉ mỉ.

“Những mầm măng mới nhú lên khỏi mặt đất còn được gọi là măng củ, ăn sẽ ngon hơn nhưng phải mất công đào lên khỏi mặt đất. Măng nhô lên khỏi mặt đất mà cao đến đầu gối thì chỉ việc dùng dao chặt rồi bóc cho vào gùi, còn nếu măng cao quá gối rồi thì sẽ không lấy để những vụ sau còn có để lấy vì đây là lộc rừng phải biết bảo vệ rừng. 

Muốn tìm măng ngon phải tìm tới những bụi tre vầu già. Nếu không phải là người bản địa thì khó biết cách hái măng, người lấy măng không chỉ phải quen thông thổ và có bí quyết mà còn phải tinh mắt, đôi chân khỏe và đôi bàn tay khéo léo”, bà Duyên chia sẻ kinh nghiệm.

Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao - Ảnh 2.

Vỏ măng thường rất là ngứa dù đã đeo găng tay nên khi bóc măng phải có kinh nghiệm và phải bóc thật nhanh.

Với kinh nghiệm lâu năm và kỹ năng bóc măng chuyên nghiệp của mình, bà Duyên nhanh chóng có được những búp măng non trắng nõn bỏ vào chiếc gùi sau lưng.

Đi rừng hái măng khá vất vả, nhiều hôm mưa to gió lớn, cây cối đổ rất nguy hiểm. Nếu đứng ở dưới chân rừng nhìn lên đồi măng bạt ngàn, chắc hẳn, nhiều người sẽ nghĩ rằng, măng mọc sẵn trên đất, cứ việc lấy cuốc đào lên. Nhưng công việc hái măng của người vùng cao không hề đơn giản như vậy. Mỗi khi chui vào bụi nứa, người hái măng phải đối diện với gai góc, muỗi vắt, trơn trượt, thậm chí cả những nguy hiểm từ rắn, ong rừng. Vì vậy, rủi ro khi đi rừng hái măng không phải là chuyện hiếm đối với người vùng cao.

“Hái măng là chấp nhận những rủi ro, nguy hiểm, muốn  hái được những búp măng ngon phải chui vào bụi rậm để tìm hốc măng, vì chỗ đó thường thiếu ánh sáng, gai góc, ẩm ướt”-bà Duyên cho biết.

Bà Đồng Thị Du (xóm Ngọc Sơn xã Thần Sa) cũng là người gắn bó với nghề hái măng nhiều năm Bà Du kể, có lần chui vào bụi nứa để tìm măng dưới gốc, ngẩng đầu lên thấy tổ ong vò vẽ lơ lửng bên trên, đành “bỏ của chạy lấy người”.

“Một lần khác khi trời vừa mưa xong, tôi vào rừng hái măng cách đó không xa ở cánh rừng bên cạnh đất bị sạt lở khiến tôi khiếp hồn bạt vía”, bà Du nhớ lại.

Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao - Ảnh 3.

Bà Đồng Thị Du gùi những búp măng lấy được về nơi tập kết để bán cho thương lái

Công việc hái măng đã rất mệt nhọc nhưng sau khi măng hái xong việc bóc măng tại chỗ cũng vất vả không kém. Để những ngọn măng tại chỗ đất quang, dùng tay bóc bỏ vỏ rồi đúc những ngọn măng trắng ngần vào gùi, vào tải. Khi bóc măng, lông măng đâm bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát.

Trĩu nặng gánh măng rừng

Sau một ngày vất vả, ai cũng hái được những gùi măng nặng trĩu mang về điểm tập kết. Vạt áo, khăn mũ, quần áo của họ ướt sũng mồ hôi và lấm lem đất, khuôn mặt đỏ bừng vì nóng. Tranh thủ nghỉ ngơi ăn vội nắm cơm gói mang từ nhà đi.

Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao - Ảnh 4.

Bà Duyên ăn tạm nắm cơm sau một buổi hái măng vất vả

Để kịp bán măng cho thương lái, ăn vội nắm cơm xong, họ nhanh chóng quẩy măng xuống chân núi. Đường lên thì dốc dựng đứng khó khăn là vậy nhưng khi xuống còn vất vả hơn nhiều. Dốc dựng đứng, trên lưng mỗi người còn đang phải gùi thêm vài chục cân  măng tươi nên từng bước đi cũng phải chậm rãi tay chống gậy và dò từng bước.

Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao - Ảnh 5.

Gánh măng trĩu nặng, tạo thế cân bằng khi xuống núi bước chân càng trở nên vững vàng hơn.

Trung bình một ngày, một người hái được 60 – 70 kg măng tươi, nhà nào đông người sẽ hái được từ một đến vài tạ. 

Giá thì tùy vào thời điểm, măng đầu mùa thì sẽ đắt hơn, mỗi kg sẽ bán được khoảng 10.000 -  15.000 đồng, nhưng thường dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, thương lái sẽ đến tận chân núi thu mua. Mỗi ngày hái măng cũng thu về cho mỗi người từ 400.000- 500.000 đồng.

Nhọc nhằn nghề hái “lộc rừng” trên rẻo cao - Ảnh 6.

Nhờ thời tiết thuận lợi mưa ẩm thấp vào mùa xuân măng ngọt khi ăn vừa có vị đắng vừa có vị ngọt, ăn rất lạ miệng

Tuy nhiên, nhiều hôm thương lái ép giá hoặc không đến thu mua, bà con phải đem măng về nhà luộc lên để hôm sau đem ra chợ bán hoặc để lại phơi làm măng khô.

Dù giá thành không cao nhưng sản lượng nhiều nên cũng thu về số tiền khá ổn định cho người dân nơi đây. Số tiền bán măng đủ để nhiều gia đình trang trải cuộc sống./.

Chia sẻ