Nhìn lại những bộ phim Việt hóa từ kịch bản Hàn

Mít,
Chia sẻ

Những bộ phim Việt hóa từ kịch bản Hàn đã đem lại cho điện ảnh nước nhà món ăn nhiều vị. Nhưng liệu nó có thoát ra cái bóng quá lớn của phiên bản gốc?

Những nàng công chúa nổi tiếng

Khi bắt đầu có thông tin về việc Việt Nam sẽ làm lại bộ phim truyền hình Hàn Quốc Những nàng công chúa nổi tiếng, nhiều khán giả trong nước đã rất háo hức chờ đợi. Các trang mạng còn mở hẳn diễn đàn bình chọn diễn viên nào sẽ phù hợp để vào vai các "nàng công chúa". Thế nhưng, sau khi nhà sản xuất công bố dàn diễn viên thì nhiều người đã tỏ ra thất vọng.



Trong số 4 nhân vật chính, chỉ có 2 diễn viên khá quen thuộc và có khả năng hóa thân tốt là Mỹ Duyên và Lan Phương. Song cũng phải thừa nhận, để vào vai cô ba xinh đẹp, sành điệu thì có lẽ vẻ ngoài của diễn viên Lan Phương không được phù hợp cho lắm.

Lan Phương có lẽ chưa đọ được nhan sắc với Na Michil

Trong khi đó, hai diễn viên Phúc An (vai cô chị hai) và Huỳnh Ngân (vai em út - cô gái dễ gây thiện cảm nhất trong phim phiên bản Hàn) thì hầu như không hề quen mặt với khán giả. Bên cạnh đó diễn xuất của hai diễn viên nói trên cũng không có gì nổi bật. Chính vì thế, phiên bản Việt đã hoàn toàn bị phiên bản gốc lấn át. Cho đến nay, với nhiều khán giả, bộ phim không đọng lại mấy ấn tượng.

Cầu vồng tình yêu

Cầu vồng tình yêu là một trong những phiên bản Việt hóa khá thành công của bộ phim Hàn Vinh quang gia tộc. Các fans của bộ phim này đã tập hợp và thành lập "Hội những người yêu thích phim Cầu vồng tình yêu". Bộ phim cũng trở thành đề tài "nóng" trên các diễn đàn mạng.


Được chuyển thể từ kịch bản Hàn nhưng Cầu vồng tình yêu đã không ăn theo y hệt kịch bản cũ. Nhà sản xuất, đạo diễn đã rất khéo léo đưa những tình tiết thuần Việt vào trong phim, khắc họa chân thật cuộc sống của một gia đình Việt có truyền thống danh gia vọng tộc.

Nếu trước đây, nhiều người chỉ mong chờ tìm được một bộ phim Việt không khô cứng, gượng gạo trong diễn xuất, không gò bó khi thể hiện cảm xúc đau khổ thì với Cầu vồng tình yêu, điều đó dường như đã được thỏa mãn.


Không chỉ có dàn diễn viên chính trẻ đẹp như: Hồng Đăng, Hồng Diễm, Đan Lê, Hải Anh… mà các diễn viên phụ cũng để lại ấn tượng rất tốt như Diệu Hương, Kim Oanh… 

Phần âm nhạc cũng là một điểm cộng góp phần tạo nên thành công cho bộ phim. Những bản tình ca lãng mạn được sử dụng trong phim đã gây ra một "cơn sốt" trong cộng đồng mạng.

Vẫn có những hạt sạn như diễn viên diễn chưa "tới" hay những cảnh quay chưa đạt, nhưng ở thời điểm hiện tại, Cầu vồng tình yêu đã góp phần đưa khán giả Việt tới gần với phim Việt hơn. Đó đã là một thành công đáng được ghi nhận trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Vợ tôi là số 1

Phiên bản Việt của phim tình cảm Vợ tôi là số 1 có độ dài 45 tập được khai thác dựa trên phiên bản gốc Queen Of Housewives – một bộ phim ăn khách tại Hàn Quốc và các nước Châu Á năm 2009. Tuy vậy, hình ảnh người vợ trong phiên bản Việt không chỉ là hậu phương vững chắc chu toàn cuộc sống gia đình, mà còn thể hiện bản lĩnh của một "nội tướng" luôn sát cánh giúp chồng vượt qua khó khăn, toàn tâm phát triển sự nghiệp ngoài xã hội.


Vợ tôi là số 1 lôi cuốn khán giả bởi câu chuyện “công chúa” hóa Lọ Lem, còn nàng hầu xấu xí trở thành “nữ hoàng” xinh đẹp. Thông qua sự hoán đổi vị trí cho nhau với đầy những tình huống “quả báo” tréo ngoe, cười ra nước mắt là sự đả kích thói lười biếng, ỷ lại cũng như đề cao nỗ lực hoàn thiện bản thân. Mặt khác, yếu tố tình cảm đan xen phức tạp giữa tình bạn, tình yêu của các nhân vật cũng góp phần tạo nên sức hút đặc biệt của bộ phim.


Không chỉ vậy, những quan niệm sống và yêu sai lầm như sự ỷ lại vào hình thức bên ngoài, tính đố kỵ, bất chấp thủ đoạn để có được người yêu hay phản ứng tiêu cực trước hôn nhân sắp đặt đã được mổ xẻ dưới những góc nhìn đầy khoan dung.

Sự đầu tư kỹ lưỡng cho vai diễn của Kim Tuyến, Trí Quang và Diễm Châu trong phim cũng đáng được ghi nhận. Chọn cách thể hiện khác, gần gũi với văn hóa Việt là điều khiến bộ phim để lại ấn tượng trong lòng khán giả.

Người mẫu

Người mẫu phiên bản gốc (năm 1997) vốn đã rất nổi tiếng với các diễn viên Jang Dong Gun, Kim Nam Joo, Han Jae Suk, vì thế, ngay khi dự án Việt hóa được triển khai, bộ phim đã không tránh khỏi việc bị đem ra so sánh với phiên bản gốc.

Với dàn diễn viên bắt mắt, Người mẫu phiên bản Việt thu hút khán giả bởi lối diễn khá tự nhiên, thoải mái của các người mẫu khi được nhập cuộc vào thế giới của chính mình.


Vào vai Bình Khôi (vai diễn để lại dấu ấn khó phai của diễn viên Kim Nam Joo trong phim Người mẫu của Hàn Quốc), Thanh Hằng hẳn đã không tránh khỏi những áp lực. Dĩ nhiên sẽ rất khập khiễng khi so sánh, nhưng Thanh Hằng cũng đã hết sức nỗ lực để vượt qua chính mình trong bộ phim này và tạo được cá tính riêng cho nhân vật Bình Khôi.


Các diễn viên khác như: Bình Minh, Trương Thế Vinh, Dương Mỹ Linh, Bảo Trúc... đều đã cố gắng để diễn tròn vai. Đặc biệt là vai Minh Huy của Trương Thế Vinh trong phim này góc cạnh hơn nhiều lần so với Vĩnh Đan trong Ở lại thế gian. Nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ để "làm khó" chàng ca sĩ bén duyên với phim ảnh này.

Tuy nhiên, nếu điểm cộng đến từ dàn diễn viên hầu hết đều không chuyên ấy, thì điểm trừ khiến khán giả dễ dàng chuyển kênh là những màn trình diễn thời trang thô vụng trên phim. Bên cạnh đó, gọi là phim “Việt hóa”, nhưng ngoài đội ngũ diễn viên, những yếu tố Việt trong ứng xử, văn hóa, đời sống của giới người mẫu vẫn chưa được thể hiện rõ. Vì vậy, người xem không khỏi băn khoăn: xem phim Hàn thấy được hậu trường và đời sống rất chân thực của giới người mẫu, còn phim mình thì chẳng biết… người trong cuộc có “buồn cười” khi nhìn chính thế giới của mình trên phim hay không?

Dù gió có thổi

Dù gió có thổi dài đến 200 tập, được làm lại từ bộ phim cùng tên của Hãng KBS (Hàn Quốc). Phim giữ lại tính cách nhân vật giống như trong kịch bản gốc, biên kịch chỉ tập trung xây dựng thêm hoàn cảnh sống, lý lịch học vấn, nghề nghiệp... cho từng nhân vật. Những vấn đề thời sự ở Việt Nam như chuyện giải tỏa, giá đất tăng cao, tranh chấp đất đai, “lô cốt”... cũng được đưa vào phim.


Câu chuyện bắt đầu từ khi một gia đình gồm 4 thế hệ chung sống với nhau dọn về ngôi biệt thự mới. Bà Mỹ, người gốc Bắc đã nung nấu ước mơ xây dựng ngôi biệt thự này tới mức lần lượt đặt tên cho con cháu mình là Văn Cần, Văn Mẫn, Hoài Khắc, Hoài Tậu, Hoài Biệt và Hoài Thư (Hoài Thự). Khi cuộc sống trong ngôi nhà mới đã tạm yên ổn, từng thành viên trong gia đình bắt đầu theo đuổi mục đích riêng của mình, nhưng những mục đích này đôi khi lại xung đột với nhau.


Có lẽ với bộ phim này, điều mà người xem cảm thấy thích nhất đó là chất Hàn trong phim đã được thay thế bằng hình ảnh một gia đình Việt với nhiều xung đột do có những khác biệt về văn hóa vùng miền, có mâu thuẫn giữa người trẻ - người già và những quan điểm sống khác nhau của các thành viên.

Chia sẻ